Mô hình Logistics căn bản này đã giúp Boeing “vượt mặt” Airbus trong cuộc đua thế kỷ

Boeing và Airbus là một trong những cặp “kỳ phùng địch thủ” cạnh tranh quyết liệt nhất trong thế kỷ qua. Liên tục thực hiện các thương vụ thâu tóm kỷ lục, các nhà sản xuất còn lại như Lockheed Martin, Convair hay British Aerospace đã “không còn cửa” tại thị trường độc quyền chỉ còn lại hai gã khổng lồ này.

Trong suốt thời gian cạnh tranh, Boeing và Airbus không ngừng công kích đối thủ và thậm chí “chỉ trích” đối phương nhận được sự ưu đãi không công bằng từ chính phủ. Nhiều người dự đoán đây sẽ là một cuộc đua không có hồi kết. Nhưng bất ngờ thay, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Boeing đã liên tục vượt qua Airbus hết năm này tới năm khác với hơn 5.718 máy bay được giao (so với 5.644 của Airbus) tất cả nhờ vào một mô hình dự đoán chính xác.

Canh bạc của Boeing và Airbus

Vào những năm 1990, Boeing và Airbus đều nhận ra được hai xu hướng tất yếu của hàng không tương lai: 1. Nhu cầu vận chuyển bằng đường không cho cả hành khách và hàng hóa sẽ phát triển mạnh và 2. Hiệu quả nhiên liệu sẽ trở thành tiêu chí để ra quyết định lựa chọn máy bay.

http://www.mena-forum.com/wp-content/uploads/2016/06/Airbus-vs-Boeing.jpg

Tuy cùng nắm được hai xu hướng đó nhưng hai “kỳ phùng địch thủ” này lại đi đến hai kết luận và đưa ra hai mô hình dự đoán hoàn toàn khác nhau.

Những nhà phân tích của Boeing dự đoán rằng các thành phố nhỏ hơn sẽ bắt đầu phát triển mạnh mẽ vì tiềm năng phát triển còn nhiều cũng như sở hữu lợi thế là người đến sau. Vì thế trong tương lai, các thành phố sẽ được kết nối trực tiếp bằng những mẫu máy bay nhỏ hơn, với thiết kế gọn nhẹ và tầm bay xa.

Và kết quả là sự ra đời của 787 Dreamliner, mẫu máy bay thành công nhất trong lịch sử Boeing. Một sản phẩm với tầm bay xa, kích cỡ gọn nhẹ và chỉ hai động cơ, rất thích hợp để kết nối trực tiếp những thành phố vừa và nhỏ.

Trong khi đó, Airbus lại suy đoán ngược lại. Việc phát triển của hàng không sẽ gây quá tải ở những sân bay lớn trên thế giới, khiến các hãng bay muốn sở hữu các mẫu lớn hơn. Tình trạng tắt nghẽn sẽ khiến từng chuyến đáp và cất cánh trở nên quý giá hơn bao giờ hết, các hãng hàng không sẽ hướng đến việc tăng tỷ lệ hành khách được chở trên mỗi lần bay.

Thêm vào đó, Airbus cũng dự đoán sự phát triển của các “đầu mối” chính trong vận tải hàng không quốc tế. Đây sẽ là các trung tâm vận chuyển, từ đó khách hàng và hàng hóa sẽ được quá cảnh và trung chuyển đến điểm đích của mình.

Đó chính là lý do ra đời của Airbus A380: Máy bay hai tầng với thiết kế rộng rãi và 4 động cơ có thể vận chuyển một lượng khách hàng và hàng hóa lớn với hiệu quả nhiên liệu cao.

Nhưng … quá lớn không hẳn là quá tốt

Mẫu Airbus A380 gây tiếng vang lớn khi xuất hiện vì là mẫu máy bay dân dụng lớn nhất trên thế giới. Với sải cánh lớn và nhiều tầng vận chuyển, Airbus A380 vượt trội với số lượng hành khách có thể chở.

Nhưng khác với những đối thủ trên thị trường, một thời gian dài trôi qua kể từ khi xuất hiện, Airbus A380 tuy vẫn tiếp tục cạnh tranh trong phân khúc vận chuyển hành khách nhưng vẫn không được các hãng vận tải trọng dụng và thậm chí chưa có phiên bản nào dành riêng cho vận tải hàng hóa.

Nguyên nhân bởi vì cước vận tải hàng hóa đường không được tính bằng hai cách: khối lượng và thể tích. Và trên lý thuyết, mẫu vận tải hàng hóa của A380 sẽ không thể bay được vì quá nặng nếu chất đầy thể tích hàng hóa của máy bay.

Nói một cách khác, Airbus A380 quá “mập” để có thể vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả. A380 sẽ vượt mức khối lượng tối đa trước khi sử dụng hết thể tích “khổng lồ” của mình, và điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận mỗi chuyến bay.

Nếu so sánh với mẫu máy bay vận tải thông dụng nhất: Boeing 747-400F. Chiếc 747 có khối lượng bay tối đa là 448.000 kg so với 575.000 kg của A380. Thêm vào đó, Boeing 747 có thể tích là 710 m3 so với 1.134 m3 của A380.

Chiếc Airbus A380 có thể tích lớn hơn tới 60% nhưng chỉ chở được khối lượng hơn 28%. Cộng thêm số lượng nguyên liệu để vận hành cao hơn, hiệu quả vận chuyển của A380 kém hơn rất nhiều so với các mẫu Boeing thông dụng.

Vận tải hàng hóa, điểm yếu “chết người” của Airbus

Với mô hình dự đoán trên và sự ra đời của A380. Doanh thu của Airbus đã phải chịu sự sụt giảm trong các năm gần đây. Theo một báo cáo trên tờ New York Times vào năm 2014, Airbus A380 đang chịu thất bại rất lớn trên thị trường. Đặc biệt khi mẫu máy bay này không có bất kì khách hàng nào tại Mỹ, Nam Mỹ hay Châu Phi. Thêm vào đó, chỉ có một vài chiếc được bán ra tại Nhật Bản và Trung Quốc.

A380 đang khiến Airbus chịu thất thoát rất lớn khi mất đi cơ hội khai thác được mảng vận tải hàng hóa. Số lượng hành khách đường không được dự đoán sẽ phát triển 3,4% mỗi năm. Trong khi đó, số chuyến bay vận tải được dự đoán sẽ tăng trưởng tới 4,7% mỗi năm trong vòng 20 năm tới.

Các công ty vận tải hàng hóa thường ưu tiên sử dụng các mẫu máy bay gọn nhẹ để vận chuyển trực tiếp tới các thành phố nhỏ. Lý do chính là để tiết kiệm chi phí sử dụng sân bay cũng như rút ngắn khoảng cách tới khách hàng cuối cùng.

UPS và FedEx đều đặt các trung tâm của mình tại các thành phố nhỏ hơn như Louisville, Kentucky, Memphis và Tennessee. Trong khi đó, A380 chỉ được sử dụng ở các trung tâm lớn như New York, London và Bắc Kinh.

Xu hướng thị trường cũng gián tiếp góp phần thúc đẩy cho lợi thế của Boeing. Với nền kinh tế đang phát triển chậm lại và giá nguyên liệu suy giảm, nhu cầu máy bay có khả năng chuyên chở cao cũng dần sụt giảm.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc với Airbus. Gần một nửa số lượng hàng hóa vận chuyển sẽ được kết hợp với các chuyến bay dân dụng. Với khối lượng khoang hàng hóa tới 184 m3, những mẫu dân dụng của A380 vẫn có khả năng cạnh tranh với đối thủ (khoang hành lý của mẫu dân dụng Boeing 787 là 175 m3, còn 747 là 170 m3). Đây sẽ là vũ khí để A380 có thể giành lại thị phần với đối thủ của mình.

Nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào xu thế thị trường, điều mà Boeing đã và đang làm tốt hơn.

Theo Cafebiz