Sau CEO Việt Nam, CEO Uber tại London cũng vừa từ chức giữa cơn khủng hoảng

Trong khi CEO toàn cầu Uber đang lên kế hoạch thuyết phục chính quyền London khôi phục lại giấy phép hoạt động cho công ty. Người chịu trách nhiệm chính khu vực Anh quốc, bà Jo Bertram đã ra thông báo từ chức.

Không riêng Việt Nam, CEO Uber tại London cũng vừa từ chức giữa cơn khủng hoảng

Sự kiện này nối dài thêm chuỗi khủng hoảng của gã khổng lồ Uber, từ nội bộ lủng củng cho đến thị trường sụt giảm và trở ngại ngày một tăng từ nhiều chính quyền trên khắp thế giới. Tại thị trường Việt Nam, ngày 1/10/2017, CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cũng chính thức rời vị trí cao nhất tại Uber Việt Nam sau 3 năm gắn bó.

Uber vừa thông báo rằng việc từ chức của bà Jo Bertram, người đã nắm nhiều vị trí lớn tại Uber trong suốt 4 năm qua, không liên quan gì đến việc giấy phép của Uber bị từ chối gia hạn tại London.

Jo Bertram hiện là giám đốc khu vực London và chịu trách nhiệm chính trong hoạt động của Uber tại cả Ireland và một số quốc gia Bắc Âu khác.

Bà Jo Bertram đã chính thức thông báo với nhân viên của mình vào Thứ Hai tuần này rằng bà sẽ rời Uber để “tiếp tục với một dự án mới và thú vị”.

Vào tháng trước, chính quyền London đã từ chối gia hạn giấy phép hoạt động của Uber vì cho rằng công ty này “không phù hợp” để cung cấp dịch vụ taxi, tuy nhiên tài xế Uber vẫn có thể tiếp tục làm việc trong lúc Uber kháng cáo.

“Tôi rất tự hào về đội ngũ của mình và hoàn toàn tự tin vào khả năng phát triển lên những tầm cao mới của Uber” bà Jo Bertram viết trong một email nội bộ.

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc trong vài tuần tới để đảm bảo có thể bàn giao một cách tốt nhất.” Trong email thông báo nghỉ việc của mình, bà Bertram không đề cập gì đến những dự tính tiếp theo.

Bà Jo Bertram là một trong những nhân vật quản lý cấp cao và có quyền lực nhất tại Uber. Năm ngoái bà tự nhận đã phải xóa tài khoản Twitter của mình vì phải chịu quá nhiều lời đe dọa.
Bà Jo Bertram là một trong những nhân vật quản lý cấp cao và có quyền lực nhất tại Uber. Năm ngoái bà tự nhận đã phải xóa tài khoản Twitter của mình vì phải chịu quá nhiều lời đe dọa.

Mất bà Bertram, Uber lập tức thông báo tìm kiếm một người lãnh đạo mới tại Anh quốc.

Trong khi đó, giám đốc công ty Kabbee, đối thủ của Uber cho rằng công ty này cần được thanh tra thêm về thuế và những hành vi độc quyền.

Sự kiện đáng tiếc này đã kéo dài thêm chuỗi khủng hoảng tại Uber. Vào cuối tuần trước, CEO bị cho “ra rìa” Travis Kalanick đã ra quyết định kết nạp thêm 2 đồng minh của mình vào hội đồng quản trị Uber, trong lúc chính hội đồng này đang ra sức loại bỏ hoàn toàn các quyền lợi còn lại của vị cựu CEO.

Tóm tắt khủng hoảng Uber tại London

Chính quyền thành phố London từ chối việc gia hạn giấy phép hoạt động của Uber khi cho rằng công ty này không “phù hợp” để vận hành trong thành phố. Người phát ngôn chính quyền đã thông báo rằng chính sách của Uber có thể “gây hại đến an ninh cộng đồng”.

Chuyện gì sẽ xảy ra với Uber?

Uber sẽ có quyền kháng cáo. Hiện tại CEO toàn cầu của Uber đã có mặt tại London để trực tiếp xử lý vụ việc và các tài xế Uber vẫn có thể tiếp tục hoạt động trong lúc chờ kết quả.

Uber đã phản ứng ra sao?

Uber tuyên bố rằng mình hoàn toàn làm theo quy định của chính quyền London và sẽ “ngay lập tức kháng cáo lên tòa”.

Thị trường Uber tại London lớn đến cỡ nào?

Kể từ lúc thành lập vào 2012. Uber hiện tại có hơn 3,5 triệu khách hàng thường xuyên và hơn 40.000 tài xế tại London.

Các đối thủ chính của Uber tại London?

Hiện tại người dân London có rất nhiều sự lựa chọn với các ứng dụng gọi xe như MyTaxi, Gett, Addison Lee, Minicabit và Kabbee …

Lê Thanh Sang

Theo Nhịp Sống Kinh Tế