Có cảng biến này, hàng nông sản miền Tây không còn phải chen chúc vào cảng Sài Gòn

(NDH) Cảng quốc tế Long An nằm trên sông Soài Rạp, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An khi hoàn thành sẽ giúp giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho hàng nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam bộ).

Ngày 9/9, Công ty Cổ phần cảng Long An – thành viên Tập đoàn Đồng Tâm Long An đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu cảng số 2 Cảng quốc tế Long An (LAIP).

Cầu cảng dài 210m này sẽ được thi công và hoàn tất trong vòng 10 tháng kể từ ngày khởi công. Khi hoàn thành sẽ nâng tổng chiều dài cầu cảng của LAIP lên 420m và dự kiến quý 3/2018 có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 50.000 DWT.

Ngoài việc xây dựng cầu cảng số 2 và bãi container đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào hoạt động, Cảng quốc tế Long An cho biết đang tập trung triển khai kế hoạch depot và ICD tại cảng để phục vụ cho nhu cầu đóng hàng và xuất nhập khẩu hàng container của các doanh nghiệp nông sản trong khu vực như gạo, phân bón, thức ăn gia súc, sắt thép và các nguyên liệu khác phục vụ sản xuất … ngày một gia tăng.

Vị trí Cảng quốc tế Long An

Dự án Cảng quốc tế Long An nằm trong tổng thể dự án Cảng – Khu công nghiệp – Khu dịch vụ và đô thị với diện tích 1.935 ha. Trong đó riêng khu cảng là 147ha, cùng với đó là 5 bến sà lan tiếp nhận tàu tải trọng 2.000 DWT, Khu công nghiệp Đông Nam Á với diện tích 1.048 ha và Khu trung tâm logistics 239 ha.

Khu cảng 147ha được quy hoạch đầu tư xây dựng gồm 7 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư trên 9.000 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Khi hoàn thành LAIP sẽ có 7 cầu cảng với tổng chiều dài 2.600 m, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 30.000-70.000 DWT và 5 bến cảng nội địa tiếp nhận tàu tải trọng 2.000 DWT.

LAIP cho biết, công suất của đơn vị này trong giai đoạn 1 hiện nay là 4,8 triệu tấn hàng tổng hợp/năm và 700.000 TEU/năm. Tổng công suất khai thác của LAIP khi hoàn thiện đạt 15 triệu tấn hàng tổng hợp/năm và 3,5 triệu TEU/ năm vào năm 2023.

Riêng diện tích kho bãi phục vụ lưu trữ hàng hóa tại cảng là 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Lô hàng thịt gà xuất sang Nhật Bản qua Cảng quốc tế Long An ngày 9/9

Ngày 9/9, tại LAIP cũng đã công bố xuất khẩu lô thịt gà sạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản với trọng lượng 30 tấn. Dịp này LAIP cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn De Heus, một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản.

UBND tỉnh Long An cho biết dự án Cảng quốc tế Long An có vai trò rất quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tải tỉnh đều quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông, nhất là bến cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa trong tương lai.

Trong thực tế hiện nay luồng tàu sông Soài Rạp đã được nạo vét xong giai đoạn 1, đảm bảo cho tàu 50.000 tấn lưu thông. Dự án Cảng quốc tế Long An nằm trên sông Soài Rạp, lại có thể kết nối với hệ thống sông và kênh rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ trước đến nay, hàng hóa nông sản, thủy hải sản và trái cây của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu đi các nước phải vận chuyển lên TP.HCM và thông qua cụm cảng TP.HCM.

Chi phí hàng hóa tăng cao từ 170 – 180 USD/container hoặc từ 7 – 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho. Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản.

Cảng quốc tế Long An hoàn thành sẽ mang đến lợi ích là giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nông sản, khai thác được các tuyến đường sông của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lợi ích lớn nữa là giảm áp lực giao thông đường bộ về TP.HCM, giảm kẹt xe và tai nạn vì mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe vận tải hàng hóa vào các cảng thuộc địa bàn TP.HCM.