Dịch vụ hậu cần trong đế chế thương mại điện tử

Nói đến năng lực cạnh tranh của các công ty thương mại điện tử là nói đến nền tảng công nghệ, nhưng thực ra ngành này bao gồm hai mảng kinh doanh lớn, một là kinh doanh nền tảng nơi các dịch vụ web tạo nên một hệ sinh thái chung nhất cho cả người bán lẫn người mua, và hai là kinh doanh dịch vụ hậu cần.

logistic
thuật ngữ Logistics

Với sự hỗ trợ của các phần mềm ứng dụng, việc tạo nên một nền tảng thương mại điện tử, hay nói nôm na là trang bán hàng trực tuyến, không khó lắm. Sự hơn thua của những trang web này nằm ở chỗ nhà điều hành biết cách tạo nên một hệ sinh thái, biến trang web thành một nền tảng hội tụ những chức năng công nghệ tạo hoạt động thương mại liền lạc. Và chỉ những nền tảng tạo nên hệ sinh thái tốt mới trở thành một thị trường thương mại điện tử to lớn như Amazon hay Alibaba. Các nhà phân tích cho rằng dịch vụ hậu cần (logistics) chính là nút thắt cổ chai đối với các công ty thương mại điện tử, và việc ứng dụng công nghệ để phá những nút thắt cổ chai đó đang trở thành một cuộc tranh đua quyết liệt, có thể xem là cuộc chiến công nghệ hậu cần.

Câu chuyện Alibaba Cainiao và SF Express

Trang Technode.com cho biết hồi tháng 6 vừa qua, SF Express – tập đoàn bưu chính lớn nhất Trung Quốc – đã bị công ty hậu cần Cainiao Network Technology của Alibaba loại ra khỏi danh sách đối tác giao nhận hàng cho người khổng lồ thương mại điện tử này. Tờ South China Morning Post, một ấn phẩm thuộc quyền sở hữu của Alibaba, thông tin chi tiết rằng SF Express đã phát hành bản thông báo tại sàn chứng khoán Thâm Quyến, cho biết Cainiao đã loại họ ra khỏi danh sách đối tác giao hàng và sau đó khóa tất cả các dữ liệu về khách hàng. Phản ứng trước thông tin này, trên tờ Bloomberg, người đại diện của Cainiao giải thích: “Chúng tôi ngạc nhiên và thất vọng về hành động đột ngột của SF Express trong việc ngừng cung cấp thông tin cần thiết cho việc phân phối hàng hóa được suôn sẻ. Để bảo vệ hơn một triệu khách hàng (gồm cả người mua và người bán) khỏi tình trạng thất lạc hàng hóa, chúng tôi chỉ còn cách loại SF ra khỏi danh sách tùy chọn đối tác giao hàng cho hệ thống Cainiao.” Và đây thực sự đã trở thành một cuộc chiến giữa những nhà cung cấp dịch vụ hậu cần cho hoạt động bán lẻ trực tuyến.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Cainiao đã thông báo về kế hoạch sản xuất một triệu xe vận tải trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), sau khi đối thủ cạnh tranh JD.com đã vượt lên trước trong lĩnh vực công nghệ hậu cần qua việc thành lập những đội robot giao hàng trong đô thị và phi đội máy bay không người lái giao hàng đến vùng nông thôn hẻo lánh. Động thái của Cainiao nằm trong một sự nỗ lực chung về tăng cường năng lực cạnh tranh trong khâu giao nhận hàng hóa. Theo AliResearch, công ty nghiên cứu thuộc Alibaba, mỗi ngày hệ thống phải giao đến 80 triệu gói hàng. Sức ép đầu tư cho công nghệ hậu cần càng đè nặng lên công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này khi trong quý 1-2017 vừa qua, doanh thu của công ty đứng hàng thứ hai ở Trung Quốc là JD.com đã tăng trưởng 41%, đạt 11,05 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, doanh thu quý 4-2016 của Alibaba chỉ đạt 5,6 tỉ đô la, quý 1 năm nay mặc dù tỷ lệ tăng trưởng là 60% so với quý trước đó nhưng về con số không thể bằng JD.com. Hãng Goldman Sachs dự báo giá trị thương mại điện tử Trung Quốc năm nay vào khoảng 750 tỉ đô la, và sẽ lên đến 1.700 tỉ đô la vào năm 2020.

Theo lời thông báo của Cainiao, công ty tài chính của tập đoàn Alibaba là Ant Financial sẽ đầu tư 7,3 tỉ đô la cho cuộc hợp tác với hai nhà sản xuất xe lớn nhất Trung Quốc là  SAIC Motor và Dongfeng Motor để sản xuất những đoàn xe thông minh. Với việc kết nối trí khôn nhân tạo vào phương tiện vận tải, Cainiao hy vọng sẽ giảm 1,45 tỉ đô la mỗi năm trong tổng chi phí của khâu phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, Alibaba vẫn tiếp tục những cuộc thử nghiệm thiết bị bay tự hành. Và theo các nhà phân tích, với kế hoạch sử dụng trí khôn nhân tạo thì Cainiao phải tự tạo ra dữ liệu và thuật toán cho riêng mình, điều này có nghĩa rằng không một bên nào khác được sử dụng chồng chéo dữ liệu như việc đã diễn ra trước đây giữa SF Express và Alibaba.

Cuộc chiến làm chủ dữ liệu và thuật toán

Hậu cần cho đến nay vẫn là điểm yếu nhất trong hệ thống thương mại điện tử tại quốc gia đông dân nhất thế giới – Trung Quốc – và nhiều quốc gia châu Á khác có nền thương mại điện tử đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Ở đó, lĩnh vực bưu chính không có những công ty lớn mạnh như UPS của Mỹ hay DHL của châu Âu. Trên thực tế, hệ thống bưu chính ở Trung Quốc vẫn còn mang nặng tính quan liêu, dịch vụ giao nhận vừa chậm vừa không đáng tin cậy. Trong hàng loạt công ty tham gia vào hệ thống phân phối hàng hóa ở đại lục nổi bật nhất là SF Express thuộc SF Holding, YTO Express được Alibaba tài trợ, và ZTO Express mà ba phần tư khối lượng dịch vụ của công ty này đến từ Alibaba. Nhưng Alibaba không thể lệ thuộc mãi vào hệ thống phân phối bên ngoài như vậy, và điều này đã kềm hãm hai mạng lưới thương mại điện tử của hãng là Taobao và Tmall trong những năm vừa qua, đó cũng là lý do mà tỉ phú Jack Ma phải cho ra đời Cainiao kể từ năm 2013.

Mặt khác, hậu cần không chỉ là những kho hàng hay tổng kho (warehouse) – điểm cuối của một dây chuyền cung ứng và điểm khởi đầu của một dây chuyền phân phối. Thương mại điện tử đã làm biến đổi lĩnh vực hậu cần, và ở đây người ta thấy xuất hiện các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (fulfillment center) cùng các trung tâm phân phối (distribution center), tất cả tạo nên một mạng lưới kết nối liền lạc trong thực tế cũng như trên nền tảng. Điều này có nghĩa là mọi quyết định liên quan đến hoạt động hậu cần đều phụ thuộc vào dữ liệu và thuật toán. Trong thực tế, giám đốc kho hàng là người phải có năng lực quản lý tốt một kho hàng, nhưng trong thương mại điện tử, điều này có thể được thay thế bằng thuật toán. Đó chính là sự khởi đầu cuộc chiến giành quyền làm chủ dữ liệu và thuật toán. Trong một thị trường rộng lớn như Trung Quốc thì cuộc chiến hậu cần này thực sự khốc liệt và mang tính sống còn, và hơn ai hết, Alibaba đã cảm nhận được rằng họ có thể bị JD.com vượt qua chỉ vì bài toán hậu cần.

Quay trở lại với câu chuyện tranh chấp dữ liệu giữa Cainiao và SF Express, các chuyên gia cho rằng cần chú ý chi tiết tập đoàn công nghệ Tencent đang nắm giữ 15% số cổ phần của JD.com, đối thủ của Alibaba. Và, sau khi SF Express trở thành công ty đại chúng thì những công ty có cổ phần lớn của Tencent như Jingdong, Meituan-Dianping cùng với NetEase và cả chính Tencent cũng quay sang cộng tác hay hỗ trợ SF Express. Mối quan hệ chằng chịt kiểu này vẫn thường xảy ra tại Trung Quốc, và cuối cùng SF Express sử dụng dịch vụ công nghệ đám mây của Tencent thay vì của Alibaba. Trong nền kinh tế số, dữ liệu có giá trị lớn hơn cả những cơ sở vật chất. Cả Alibaba và Tencent đều là những “ông lớn” trong ngành công nghệ, và các cuộc va chạm trên những sản phẩm công nghệ cùng loại, ví dụ như nền tảng thanh toán điện tử Tencent Pay và Alipay, và nay là Cainiao và SF Express, là điều không thể tránh khỏi.

Hướng đến chất lượng dịch vụ chứ không phải giá rẻ

Chính JD.com, nhà thương mại điện tử phương Đông đang đi theo mô hình kinh doanh của Amazon ở Mỹ, đã khởi động cuộc chiến về chất lượng dịch vụ, nói rõ hơn là cuộc chiến hậu cần, với người khổng lồ Alibaba.

Nhưng trong khi Amazon đến năm 2020 mới bắt đầu sử dụng thiết bị bay vào việc phân phối thì từ năm 2017 này, JD.com đã bắt đầu sử dụng các thiết bị này cho việc mang hàng đến những vùng xa xôi, đội ngũ robot giao hàng cũng được triển khai tại các khu đô thị. Cuộc chiến dịch vụ hậu cần ở Trung Quốc đang nghiêng về phía JD.com mặc dù giá trị vốn hóa của công ty này mới chỉ là 56 tỉ đô la so với 360 tỉ đô la của Alibaba. Sự tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ cùng với việc hiện đại hóa hệ thống phân phối đang đưa JD.com đi đúng hướng, từ chỗ chỉ nắm 18% thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc trong quý 4-2014 đã vươn lên 25% vào cuối năm 2016. Trong khi đó, đối thủ Alibaba lại bị giảm thị phần từ 61% xuống còn 57%.

Và cũng như Amazon, JD.com với sự hậu thuẫn của Tencent đang nhắm tới một kỷ nguyên thương mại điện tử bằng việc khai thác tiện nghi từ hệ thống tự động hóa bậc cao. Hãng bắt đầu triển khai năm loại thiết bị bay khác nhau, từ loại nhỏ chỉ bay trong bán kính 50 km đến loại lớn chở hàng có trọng lượng hàng tấn với cự ly bay lên đến 186 dặm Anh (tương đương 299 km).

Từ tháng 1, JD.com đã làm việc với chính quyền các địa phương để thử nghiệm những chuyến bay chở hàng tại các tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên, Giang Tô và những vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, và xác định được 20 lộ trình bay trong kế hoạch 100 lộ trình đến cuối năm. Và theo hãng tin CNBC, JD.com đã bắt đầu xây dựng các căn cứ hậu cần ở bên ngoài các thành phố, mỗi căn cứ phục vụ cho 150 thiết bị bay. Hồi cuối tháng 5, JD.com đã được chính quyền Thiểm Tây cho phép thành lập một căn cứ lớn tại thành phố Tây An làm bộ chỉ huy hậu cần, trung tâm điện toán đám mây và những xưởng sản xuất thiết bị bay.

Ngược lại với những gì đang xảy ra tại Trung Quốc, Amazon cũng như các công ty phương Tây luôn đặt dữ liệu như một tiền đề cho cuộc hợp tác giữa các bên, và điều này từ lâu đã trở thành quy luật cho dù trong môi trường hậu cần phức tạp của thương mại điện tử. Tỉ phú công nghệ Jeff Bezos cho biết Amazon luôn ghi nhận sự hỗ trợ và sự bổ sung (vào sự khiếm khuyết trong chuỗi dịch vụ của hãng) mà UPS đã dành cho họ.

Amazon tăng trưởng cùng với dịch vụ của UPS,” ông khẳng định. Và nay, lời khẳng định này sẽ được minh chứng qua dịch vụ phân phối mới gọi là Amazon Prime Air, theo đó các gói hàng dưới 5 cân Anh sẽ tới tay người nhận trong vòng 30 phút. Các trung tâm triển khai dịch vụ dành cho khoảng 66 triệu khách hàng Amazon Prime đang được thiết lập ở Mỹ, Anh, Israel và Úc. Có thể nói, Amazon cũng như JD.com đang nhắm đến việc thiết lập một kỷ nguyên mới cho thương mại điện tử.

The SaigonTimes