Cách mạng robot của Trung Quốc sẽ tác động lên kinh tế thế giới

Trung Quốc đang sử dụng nhiều robot hơn bất kỳ quốc gia nào và điều này có thể ảnh hưởng đến các nước khác.

Theo Bloomberg, các lô hàng robot của Trung Quốc tăng 27% lên khoảng 90.000 con hồi năm ngoái. Đây là con số kỷ lục dành cho một nước và chiếm gần 1/3 tổng số lô hàng robot toàn cầu. Theo ước tính của Liên đoàn Robot Quốc tế, đến năm 2019, số liệu này sẽ tăng gần gấp đôi.
Bloomberg Intelligence cho hay việc robot phát triển chưa làm giảm lương bổng của lao động Trung Quốc, song có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Tự động hóa có thể thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh xuất khẩu nhưng việc sử dụng robot ngày càng tăng cũng đe dọa trầm trọng hóa bất bình đẳng thu nhập trong nước, ảnh hưởng đến tiêu dùng. Tình hình này có thể lan ra ngoài biên giới Trung Quốc, các nhà kinh tế cho hay.
Nhà kinh tế Tom Orlik và Fielding Chen cho hay: “Bằng cách tăng cung và làm yếu nhu cầu, rủi ro tự động hóa gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đe dọa kỳ vọng về một nền kinh tế trong nước và quốc tế cân bằng hơn”.
Cách mạng robot của Trung Quốc sẽ tác động lên kinh tế thế giới - ảnh 1
Mức tăng lương của Trung Quốc chưa bị tác động. Theo Khảo sát Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc, lương bổng công nhân sản xuất trong nước có trình độ học vấn trung học tăng 53% từ năm 2010 đến năm
2014.
“Việc sử dụng robot gia tăng sẽ là tin tức tồi tệ với người lao động có tay nghề ở mức trung bình, đặc biệt là những người làm trong các lĩnh vực mà công việc có thể bị thay thế bởi tự động hóa. Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương ở Đại lục vẫn rất nhanh, chưa kể công nhân có tay nghề trung bình đang tiến hành các công việc lặp đi lặp lại tốt hơn so với mức trung bình”, chuyên gia Orlik và Chen nói.
Robot là trọng tâm trong kế hoạch lớn có tên Made in China 2025 của chính phủ Trung Quốc, với mục tiêu nâng cấp các nhà máy để đạt khả năng tự động hóa cao và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Việc thay thế công nhân trong dây chuyền lắp ráp cũng sẽ giúp nước này xoay sở tình hình sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Trung Quốc đang mua ngày càng nhiều robot do chính nước này sản xuất. Theo kế hoạch Made in China 2025 và kế hoạch robot 5 năm được đưa ra hồi năm ngoái, Bắc Kinh có kế hoạch tập trung vào các ngành tự động hóa then chốt như sản xuất ô tô, điện tử, hàng gia dụng, logistics và thực phẩm.
 Cách mạng robot của Trung Quốc sẽ tác động lên kinh tế thế giới - ảnh 2

 

Cuộc “cách mạng robot” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất năm 2014 cũng làm gia tăng nỗi lo về bất bình đẳng đi lên trong bối cảnh mức tăng năng suất sẽ đi lệch về phía chủ sở hữu vốn chứ không phải người lao động. Tình huống như trên sẽ là tin xấu với chi tiêu hộ gia đình và trì hoãn quá trình chuyển hướng nền kinh tế sang phụ thuộc vào tiêu dùng.
Chính phủ Đại lục hiện muốn tăng thị phần của robot mang thương hiệu Trung Quốc trong thị trường 11 tỉ USD của nước nhà từ 31% năm ngoái lên 50% tổng doanh số đến năm 2020. Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất 100.000 robot/năm đến năm 2020 so với chỉ 33.000 robot vào năm 2015.
Điều này đồng nghĩa với việc môi trường sẽ ngày càng cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp ngoại đang cung ứng 67% nhu cầu robot của Trung Quốc, chẳng hạn như Fanuc Corp. và Yaskawa Electric Corp.
Theo Thanh Niên