Nghiên cứu: Phát triển ga hàng hóa hàng không kéo dài: Trường hợp Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Từ việc hệ thống cơ sở lý thuyết và lợi ích của mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài, bài viết đã phân tích thực trạng ga hàng hóa hàng không tại Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất, từ đó đề xuất mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài với các giải pháp chủ yếu như: Lựa chọn ga hàng hóa để phát triển theo mô hình này; lựa chọn các điểm phát triển ga hàng hóa hàng không kéo dài; phát triển giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoại quan đi, đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

TS. Nguyễn Hải Quang
Học viện Hàng không Việt Nam
Người phản biện:
TS. Huỳnh Minh Triết
PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa

 

TÓM TẮT: Từ việc hệ thống cơ sở lý thuyết và lợi ích của mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài, bài viết đã phân tích thực trạng ga hàng hóa hàng không tại Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất, từ đó đề xuất mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài với các giải pháp chủ yếu như: Lựa chọn ga hàng hóa để phát triển theo mô hình này; lựa chọn các điểm phát triển ga hàng hóa hàng không kéo dài; phát triển giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoại quan đi, đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

TỪ KHÓA: Cảng hàng không, ga hàng hóa hàng không kéo dài.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm ga hàng hóa hàng không kéo dài giống như khái niệm cảng container nội địa hay cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) đối với vận tải đường thủy (Victor, 1994). Nó là một mô hình bố trí ga hàng hóa hàng không nằm ngoài CHK. Theo đó, hàng hóa được chấp nhận, soi chiếu, chất xếp, hoàn thành thủ tục hải quan và an ninh một lần tại ga hàng hóa ngoài CHK trước khi vận chuyển lên CHK đối với hàng đi và theo chiều ngược lại đối với hàng đến (ALS, 2016). Theo mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài, các thủ tục hải quan, soi chiếu an ninh và đóng kiện thành các đơn vị tải như mâm (pallet), thùng (container chuyên dụng) đối với hàng đi hoặc tháo dỡ hàng khỏi pallet hay container chuyên dụng và làm thủ tục hải quan để trả cho người nhận hàng không cần thực hiện trong CHK mà được thực hiện tại ga hàng hóa hàng không kéo dài (Hình 1.1).

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia thực hiện mô hình ga hàng hóa hàng không nối dài. Điển hình ở khu vực châu Á là ga hàng hóa hàng không kéo dài tại CHK quốc tế Narita và CHK quốc tế Kansai mới ở Nhật Bản. Còn ga hàng hóa hàng không tại CHK quốc tế Hồng Kông được kéo dài sang Trung Quốc đại lục. Ở Việt Nam, ga hàng hóa của Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) tại CHK quốc tế Nội Bài cũng được thực hiện theo mô hình nói trên. ALS có các nhà ga kéo dài tại ICD Mỹ Đình và Long Biên ở Hà Nội; khu công nghiệp Yên Phong và VSIP ở Bắc Ninh; khu công nghiệp Yên Bình 1 ở Thái Nguyên.

Ga hàng hóa hàng không kéo dài có vai trò quan trọng trong việc thuận lợi cho chủ hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại dịch vụ trung chuyển hiệu quả. Có thể tóm lược vai trò của ga hàng hóa hàng không nối dài qua 4 chức năng chính sau:

Thứ nhất, thuận lợi cho việc gửi hàng và vận chuyển hàng hóa đến CHK. Khi CHK nằm xa các khu công nghiệp hay ICD thì ga hàng hóahàng không kéo dài tại các khu công nghiệp hay ICD sẽ đảm bảo gần gũi hơn với các nguồn hàng hơn. Nó tạo thuận lợi cho chủ hàng tránh được những rắc rối cũng như chi phí phát sinh trong việc vận chuyển đi và đến CHK do dịch vụ này được giao cho các công ty dịch vụ hàng hóa vận tải đường bộ ngoại quan bằng những phương tiện chuyên dụng phù hợp với giao thông đường bộ đến CHK.

hinh11

Thứ hai, thuận lợi trong việcđóng kiện thành pallet hay container chuyên dụng. Ga hàng hóa hàng không kéo dài cho phép hợp nhất hàng rời từ các nguồn khác nhau vào các đơn vị tải thích hợp với khoang hàng của tàu bay như pallet và container chuyên dụng. Như vậy, khi đưa lên tàu bay hàng hóa không phải đóng pallet hay container trong CHK. Hơn nữa, khi hàng hóa được đóng gói trước khi chuyển đến CHK, các công việc dịch vụ mặt đất và chất dỡ lên xuống tàu bay cũng dễ ràng hơn.

Thứ ba, rút ngắn thời gian thông quan. Quy trình khai báo và làm thủ tục hải quan là 1 phần quan trọng của quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Với việc làm thủ tục hải quan và chiếu an ninh tại khu vực nhà ga nối dài – nơi có nhiều khoảng trống và nhân lực sẽ rút ngắn được thời gian thông quan, đặc biệt là ở những CHK có lưu lượng chuyến bay cũng như lượng hành khách và hàng hóa qua cảng lớn.

Thứ tư, tạo điều kiện xã hội hóa các dịch vụ hàng hóa hàng không. Tại CHK, dịch vụ hàng hóa thường chịu sự quản lý nghiêm ngặt của nhà chức trách hàng không như cấp giấy phép, giám sát và sự hạn chế về không gian, đường ra vào… Vì vậy, mô hình ga hàng hóa hàng không nối dài sẽ cung cấp nhiều cơ hội hơn cho hãng hàng không, các công ty dịch vụ và giao nhận hàng hóa hàng không hay các nhà đầu tư bên ngoài trong việc đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng dịch vụ hàng hóa, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình xã hội hóa các dịch vụ tại các dịch vụ hàng hóa hàng không.

2. THỰC TRẠNG GA HÀNG HÓA HÀNG KHÔNG TẠI CHK QUỐC TẾ TÂN SƠN NHẤT

CHK quốc tế Tân Sơn Nhất không chỉ là cửa ngõ giao thông hàng không của TP. Hồ Chí Minh mà còn là cửa ngõ giao thông lớn nhất ở nước ta. Với vị trí nằm trên các trục giao thông hàng không đông đúc Đông – Tây và Nam – Bắc của khu vực, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm trung chuyển trong khu vực. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là CHK dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, trong đó khu vực dân sự nằm ở phía phía Đông và Nam, khu vực quân sự nằm ở phía Tây và Bắc. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là tọa lạc trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 6km; phía Tây giáp đường Trường Chinh; phía Tây Bắc giáp đường Phạm Văn Bạch và đường Tân Sơn quận Tân Phú; phía Đông giáp đường Quang Trung quận Gò Vấp; phía Nam giáp đường Cộng Hòa/Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình.

Giao thông ra vào CHK quốc tế Tân Sơn Nhất bằng đường Trường Sơn (đường 2 chiều với 6 làn xe, có giải phân cách ở giữa) và đường trục Tân Sơn Nhất – Bình Lợi bằng 2 tuyến riêng biệt, mỗi tuyến có 3 làn xe. Tuy nhiên, với vị trí nằm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh,giao thông đi, đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất thường bị ùn tắc và thành phố đã cấm xe tải lưu thông ở nhiều tuyến đường vào giờ cao điểm, trong đó có đường vào CHK Tân Sơn Nhất. Cụ thể, hiện nay xe vận tải nhẹ dưới 2,5 tấn bị cấm lưu thông hàng ngày từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 16 giờ đến 21 giờ chiều; ô tô vận tải có tải trọng trên 2,5 tấn không được phép lưu thông vào khu vực hạn chế xe tải lưu thông từ 6 giờ đến 22 giờ, trừ một số tuyến đường hành lang được phép lưu thông. Những vấn đề này gây không ít khó khăn cho cả doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa hàng không lẫn người gửi hàng.

Về năng lực tiếp thu tàu bay, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đạt cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của ICAO, sử dụng 02 đường cất hạ cánh có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay B747, B777/787, A350. Hệ thống sân đỗ tàu bay gồm 82 vị trí đỗ tàu bay, trong đó 54 vị trị đỗ của HKDD và 28 vị trị đỗ của hàng không lưỡng dụng. Do đang là căn cứ chính của các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) và với sự phát triển đội tàu bay của các hãng HKVN nhanh như hiện nay, đặc biệt là VietJet Air, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải về khả năng tiếp thu các chuyến bay, sân đậu tàu bay vào ban đêm nhiều tàu bay của các hãng HKVN phải lập lịch bay để đậu tàu bay qua đêm ở các CHK khác.

Về khả năng phục vụ hàng hóa, hiện nay tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có 3 ga hàng hóa là Nhà ga hàng hoá AFT1, AFT2 của Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và ga hàng hóa của Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC) với tổng công suất phục vụ khoảng gần 700.000 tấn hàng hóa/năm. Cụ thể như sau:

– Nhà ga hàng hoá AFT1 và AFT2 tại 46 – 48 Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên gần 50.000m2, được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1997. Các nhà ga này nằm ở phía cuối nhà ga quốc nội của CHK Tân Sơn Nhất, sử dụng sân đậu tại khu vực sân đậu của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và có nhà kho, năng lực xử lý hàng hóa tối đa 350.000 tấn/năm. Bên cạnh ga hàng hóa AFT1 và AFT2, còn có khu văn phòng và từ năm 2009 có “Trung tâm Xử lý Hàng hóa chuyển phát nhanh Tân Sơn Nhất” của Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hóa Tân Sơn Nhất với diện tích khu vực kho trên 10.000m2, giao thông chính đi, đến các nhà ga này là đường Trường Sơn và Hậu Giang.

– Ga hàng hóa SCSC tại 30 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng trên diện tích rộng 143.000m2 tại khu đất của Công ty Sửa chữa máy bay A41 nằm trong CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhà ga được đưa vào khai thác từ cuối năm 2010 với công suất phục vụ tối đa 350.000 tấn hàng hóa/năm. Trong khu vực nhà ga có khu sân đậu riêng (52.000m2) với sức chứa 3 máy bay B747F hoặc 5 máy bay A321; khu vực xử lý hàng hóa (27.000m2) có khả năng xử lý hàng hóa lên đến 350.000 tấn/năm và khu vực nhà kho, bãi đậu xe và tòa nhà văn phòng (64.000m2). Giao thông chính đến nhà ga cũng là đường đường Trường Sơn, Hậu Giang, Thăng Long và Phan Thúc Duyện hay Trần Quốc Hoàn và Phan Thúc Duyện.

Sản lượng hàng hóa qua CHK Tân Sơn Nhất trong 5 năm 2011 – 2015 tăng bình quân 7,16%/năm. Trong đó, trên các chuyến bay nội địa là 4,43%/năm và trên các chuyến bay quốc tế là 8,56%/năm. Đến năm 2015, hàng hóa qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là gần 445 nghìn tấn, gồm gần 142 nghìn tấn cho các chuyến bay nội địa và gần 303 nghìn tấn cho các chuyến bay quốc tế (Bảng 2.1). Trong đó, hàng hóa phục vụ tại các ga hàng hóa của TCS vào khoảng 250-300 nghìn tấn còn lại qua nhà ga SCSC.

Bảng 2.1. Hàng hóa qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất 2011 – 2015

Năm Nội địa Quốc tế Tổng
Sản lượng (tấn) Tăng trưởng (%) Sản lượng (tấn) Tăng trưởng (%) Sản lượng (tấn) Tăng trưởng (%)
2011 119.375   218.136   337.511  
2012 115.577 -3,18 226.117 3,66 341.694 1,24
2013 119.568 3,45 256.255 13,33 375.823 9,99
2014 131.505 9,98 280.516 9,47 412.021 9,63
2015 141.984 7,97 302.999 8,01 444.983 8,00
Tổng 628.009 18,17 1.284.023 32,93 1.912.032 27,83
Trung bình   4,43   8,56   7,16

Nguồn:Tổng công ty Cảng HKVN

Một trong những điểm hạn chế của các ga hàng hóa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là giao thông ra vào hạn chế, đặc biệt là cho phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn vào giờ cao điểm. Trong khi đó, các ga hàng hóa này cũng chưa được phát triển theo mô hình dịch vụ ga hàng hóa hàng không kéo dài để có thể tăng công suất phục vụ, thuận lợi cho việc gửi hàng, cũng như rút ngắn thời gian hay tạo điều kiện xã hội hóa các dịch vụ hàng hóa hàng không, đáp ứng nhu cầu hàng hóa qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng tăng.

3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GA HÀNG HÓA HÀNG KHÔNG KÉO DÀI CHO CHK QUỐC TẾ TÂN SƠN NHẤT

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không, Quốc hội đã thông qua chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành trở thành CHK quốc tế quan trọng nhất của khu vực phía Nam và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế, theo đó sẽ đầu tư đưa vào khai thác chậm nhất vào năm 2025 với công suất thiết kế 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, đến năm 2030 tăng lên 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, do vai trò của CHK Tân Sơn Nhất trong thị trường vận tải hàng không Việt Nam và phù hợp với kế hoạch triển khai dự án đầu tư CHK quốc tế Long Thành, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ duy trì quy hoạch đầu tư nâng công suất CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 có năng lực phục vụ 40 triệu hành khách và từ 1 – 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Để nâng công suất của các ga hàng hóa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất từ 700 nghìn tấn hiện nay lên 1-1,2 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020 cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như mở rộng các nhà ga hiện có, xây dựng thêm ga hàng hóa mới hay phát triển các nhà ga hiện có theo mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài. Tuy nhiên, giải pháp mở rộng các nhà ga hiện có, xây dựng thêm ga hàng hóa mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi quỹ đất và giao thông đường bộ hạn chế. Phương án phát triển các ga hàng hóa tại CHK Tân Sơn Nhất theo mô hình dịch vụ ga hàng hóa kéo dài vừa giúp mở rộng công suất xử lý hàng hóa trong điều kiện quy hoạch đất tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hạn hẹp, vừa khắc phục một phần giao thông vào CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hạn chế vào giờ cao điểm như hiện nay. Để thực hiện phương án này, cần thực hiện 3 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, lựa chọn ga hàng hóa để phát triển theo mô hình ga hàng hóahàng không kéo dài. Trong các ga hàng hóa hàng không hiện nay thì nhà ga của SCSC mới chỉ khai thác khoảng 40 – 50% công suất lại có khuôn viên rộng để có thể mở rộng. Còn các nhà ga của TCS cũng đã gần hết công suất nhưng lại khó có khả năng mở rộng do khuôn viên hạn chế và có giao thông ra vào thuận lợi hơn của SCSC. Vì vậy, trước mắt có thể chọn các nhà ga của TCS để phát triển theo mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài vì thích hợp hơn so với nhà ga của SCSC, tiếp theo mới đến nhà ga của SCSC (Bảng 3.1).

Bảng 3.1. So sánh các nhà ga của TCS và SCSC

  Các nhà ga của TCS Nhà ga của SCSC
Vị trí Phía cuối nhà ga quốc nội của CHK Tân Sơn Nhất Khu quân sự trong CHK quốc tế Tân Sơn Nhất
Đường vào Trường Sơn và Hậu Giang Trường sơn, Hậu Giang, Thăng Long hay Trần Quốc Hoàn và Phan Thúc Duyện
Năm đưa vào hoạt động AFT1 năm 1997

AFT2 năm 2012

Năm 2010
Tổng diện tích 50.000m2  
Sân đậu Khu vực sân đậu của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất 52.000m2, sức chứa 3 máy bay B747F hoặc 5 máy bay A321
Khu xử lý hàng hóa,nhà kho, bãi đậu xe và văn phòng 50.000m2 91.000m2
Công suất thiết kế Xử lý đến 350.000 tấn/năm Xử lý đến 350.000 tấn/năm
Hiệu suất 2015 40 – 50% 70  -75%

Nguồn:Tổng hợp từ TCS và SCSC

Thứ hai, lựa chọn các điểm phát triển ga hàng hóa hàng không kéo dài. Các điểm để trở thành ga hàng hóa hàng không nối dài cần phải là nơi có nhiều nguồn hàng vận chuyển bằng đường hàng không tại TP. Hồ Chí Minh hoặc lân cận TP. Hồ Chí Minh. Qua khảo sát cho thấy, các nhà sản xuất có hàng hóa qua các ga hàng hóa của TCS là hàng điện tử của Samsung và Intel; hàng thể thao Nike; hàng may mặc của Gap, Abercrombie & Fitch; hàng hoa tươi Dalat hasfarm. Còn các đại lý, công ty giao nhận lớn phải kể đến Expeditors, DHL, Damco, Expolanka, DB Schenker, Agility. Trên cơ sở này một số ga hàng hóa hàng không nối dài của TCS cần được xem xét như sau:

– Ga hàng hóa hàng không nối dài tại khu công nghệ cao ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây hiện có 2 khách hàng lớn nhất của TCS là Công ty Điện tử Samsung Việt Nam và Công ty Intel Việt Nam. Trong đó, sản lượng của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam là trên 1.000 tấn hàng hóa/tháng, chủ yếu là linh kiện và nguyên vật liệu điện tử.

– Ga hàng hóa hàng không nối dài tại các ICD ở TP. Hồ Chí Minh hoặc lân cận TP. Hồ Chí Minh như ICD Transimex, ICD Tanamexco – Tây Nam, ICD Sóng Thần, ICD Sotrans, ICD Phước Long I, II, ICD Phúc Long, ICD Đồng Nai.

– Kho ngoại quan của tại một số nhà phân phối hàng may mặc, dày dép của Nike, Gap, Abercrombie & Fitch hay một số đại lý lớn như: Expeditors, DHL, Damco, Expolanka, DB Schenker, Agility.

Thứ ba, phát triển giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoại quan đi, đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Trước tình hình quá tải của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất như hiện nay, Chính phủ và Bộ GTVT đã có những phương án 21 ha đất quân sự để mở rộng CHK Tân Sơn Nhất (xây dựng thêm một nhà ga hành khách lưỡng dụng, mở rộng sân đỗ) và mở thêm đường ra vào CHK Tân Sơn Nhất, cụ thể là đang nghiên cứu mở rộng tuyến Cộng Hòa và đường Phan Thúc Duyện qua đường nội bộ quân sự ra Hoàng Hoa Thám; mở thêm một tuyến đường song song với đường Cộng Hòa từ đầu Phan Thúc Duyện ra Trường Chinh nhằm giảm áp lực cho đường Cộng Hòa và tạo lối thoát cho vòng xoay Lăng Cha Cả (Hình 3.2).

hinh32

Bên cạnh phương án mở rộng CHK Tân Sơn Nhất và mở thêm đường ra vào CHK của Bộ GTVT, đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cần sớm triển khai theo quy hoạch về mở rộng vòng xoay Lăng Cha Cả, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ tại khu vực trước Quân khu 7, triển khai hệ thống cầu vượt trước cửa sân bay, cầu vượt tại nút vòng xoay Nguyễn Thái Sơn và mở rộng nút giao thông Hoàng Minh Giám – Đào Duy Anh – Phổ Quang. Ngoài ra, Thành phố cũng cần triển khai một số giải pháp như điều chỉnh phân luồng giao thông thuận lợi hay kể cả việc cấp phép riêng cho phương tiện vận tải và container chuyên dụng cho các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoại quan.

4. KẾT LUẬN

Từ cơ sở lý thuyết về mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài, bài viết đã phân tích thực trạng ga hàng hóa hàng không tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, từ đó đề xuất mô hình ga hàng hóa hàng không kéo dài cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó, cần thực hiện 3 giải pháp chủ yếu: 1) Trước mắt lựa chọn các ga hàng hóa của TCS để phát triển theo mô hình này ga hàng hóa hàng không kéo dài; 2) Lựa chọn khu công nghệ cao ở quận 9 và một số ICD ở TP. Hồ Chí Minh là các điểm phát triển ga hàng hóa hàng không nối dài; 3) Phát triển giao thông đường bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển đường bộ ngoại quan đi, đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Các giải pháp này sẽ góp phầnnângmở rộng công suất xử lý hàng hóa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không.

Theo Tạp chí Giao Thông

Tài liệu tham khảo

[1]. ALS (2016), Ga hàng hóa hàng không kéo dài, truy cập ngày 5/10/2016 từ http://als.com.vn/120/63/Phuc-vu-hang-hoa-hang-khong-/ga-hang-hoa-hang-khong-keo-dai.aspx.

[2]. Cục HKVN (2016), Điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030, Tờ trình số 1169/TTr-CHK ngày 30/3/2016.

[3]. Đình Dân (2016), Gấp rút mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, truy cập ngày 10/10/2016 từ: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160812/gap-rut-mo-rong-san-bay-tan-son-nhat/1153354.html.

[4]. Thủ tướng Chính phủ (2012), Phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030, Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/01/2009.

[5]. Victor C.M. Mok (1994), A study of an Off-Airport Air-Cargo Terminal: The Case of Hong Kong, Master of Arts In Transport Studies University of Kong Kong, truy cập ngày 4/10/2016 từ: http://hub.hku.hk/bitstream/10722/40373/1/FullText.pdf?accept=1 (ngày truy cập 4/10/2016).