Những cuộc đối đầu giành quyền khai thác sân bay

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) là cái tên mới xuất hiện trong cuộc đua, với đề nghị giành quyền khai thác nhà ga cũ sân bay Đà Nẵng. 

Cùng với nhà ga T1 Nội Bài và Phú Quốc, Đà Nẵng là một trong số những cảng hàng không được Bộ Giao thông Vận tải định hướng xã hội hóa, sau cuộc họp hồi cuối tháng 2. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) nghiên cứu phương án nhượng quyền khai thác sân bay này nhằm phục vụ hàng không giá rẻ. Trong văn bản trình Bộ Giao thông cuối tuần rồi, JPA bám rất sát chủ trương, đề xuất nhượng quyền sân bay làm căn cứ chính cho hoạt động giá rẻ của hãng.

Để giành quyền khai thác, JPA có thể phải cạnh tranh với liên danh 3 nhà đầu tư trong nước khác là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long (Taseco) – Công ty cổ phần Đầu tư AOV – Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Liên danh đã đề nghị Bộ Giao thông cho phép làm nhà đầu tư dự án xây dựng mới nhà ga quốc tế Đà Nẵng với công suất mỗi năm 4 triệu khách theo hình thức BOT. Tuy vậy, liên danh này mới đề xuất chủ trương nên chưa rõ khi dự án được phê duyệt thì có “ăn” vào phần đất cũ (nơi JPA xin làm căn cứ) hay không, vì diện tích sân bay hiện tại khá hạn chế.

Tại Phú Quốc, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là đơn vị đầu tiên bày tỏ mong muốn giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhiều khả năng phải cạnh tranh với một công ty nước ngoài. Nguồn tin củaVnExpress cho hay, có thể ngay trong tháng 3 này, tên tuổi nhà đầu tư ngoại nêu trên sẽ được Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo lên Thủ tướng.

Trước khi T&T gửi đơn hỏi mua, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bày tỏ nguyện vọng nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc. Dù vậy, đến hôm nay, công văn chính thức vẫn chưa được Vingroup đệ trình, tương tự việc hỏi mua Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng trước đó.

noibai_1426419605.jpg

Cuộc chạy đua giành quyền khai thác ga T1 Nội Bài dự kiến sẽ gay cấn đến phút chót

Gay cấn hơn cả có lẽ là cuộc “quyết đấu” giữa Vietnam Airlines và Vietjet để giành quyền khai thác nhà ga T1 – Nội Bài. Tại cuộc họp do Cục Hàng không chủ trì cách đây ít ngày, với sự hiện diện của cả 2 hãng, đã đặt ra khá nhiều kịch bản thảo luận, với hy vọng đi đến một “kết thúc đẹp”.

Ý tưởng cả hai doanh nghiệp này sẽ tham gia vào một liên danh để cùng khai thác nhà ga T1 đã được đưa ra. Một đề xuất khác là chỉ định thầu quyền khai thác T1 cho Vietnam Airlines, phần còn lại (sảnh E) sẽ dành cho Vietjet. Phương án này tương tự  đề nghị của Tổng công ty Hàng không khi gửi công văn bản khẩn lên bộ chủ quản hồi cuối tháng 2.

Nếu đến giờ chót, các phương án trên không đạt được đồng thuận của các bên thì hai hãng phải bước vào cuộc đấu thầu công khai. Kịch bản này, theo các chuyên gia, là điều mà Vietnam Airlines không hề mong muốn, do chứa đựng nhiều rủi ro.

“Giả sử Vietjet thắng thầu. Vietnam Airlines khi đó phải đi thuê lại của đối thủ tại nơi mà họ chọn làm sân bay cứ điểm chiến lược. Như vậy thì thật khó chấp nhận đối với hãng hàng không quốc gia”, một chuyên gia bình luận.

Hiện bản dự thảo phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và nhà ga T1 của cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư chưa được ACV trình lên Bộ Giao thông. Trong khi đó, dự thảo văn bản thay thế Nghị định 83 về quản lý, khai thác cảng hàng không – cơ sở pháp lý mang tính bản lề để cụ thể hóa chủ trương nói trên vẫn đang được Cục Hàng khẩn trương xây dựng.

Văn bản này sẽ được soạn thảo theo hướng bổ sung quy định về nhượng quyền kinh doanh cảng hàng không, thẩm quyền phê duyệt hợp đồng chuyển nhượng của Bộ Giao thông trên nguyên tắc chỉ bán, cho thuê, nhượng quyền khai thác trong phạm vi những quyền ACV đang có. Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác là việc xác định giá trị những công trình này cũng chưa hề được khởi động.

Tới giữa tháng 3, trong số các đầu việc mà Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện để đẩy nhanh chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không thì mới có danh mục các công trình là được hoàn thiện. Theo đó, ngoài 3 cảng hàng không kể trên còn có thêm 2 công trình được đưa ra để kêu gọi đầu tư tư nhân gồm nhà ga Cam Ranh và sân đỗ ôtô Tân Sơn Nhất.

Do vậy, theo một chuyên gia, một khi các quy định nói trên chưa được hoàn tất thì những “cuộc đua văn bản” của các nhà đầu tư mới chỉ mang ý tính chất “đặt gạch, xí phần”.

Chí Hiếu