Tài sản khổng lồ của đại gia đề xuất mua 2 cảng biển lớn nhất Việt Nam

Đối với Cảng Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup xin đề xuất mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu thầu thành công trung bình. Đối với Cảng Sài Gòn, Vingroup cũng đề xuất mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa với mức giá không thấp hơn giá IPO và được tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa.

Đại gia muốn mua Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn giàu cỡ nào?

Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (Gọi tắt là Tập đoàn Vingroup) vừa có đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ nguyện vọng được làm nhà đầu tư chiến lược của hai đơn vị thành viên thuộc Vinalines là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) và Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng).

Tập đoàn Vingroup đánh giá cao tiềm năng phát triển của 2 cảng này đồng thời nhìn nhận chiến lược cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải với sự tham gia quyết liệt của các nhà đầu tư trong nước là một bước đi đúng đắn tạo điều kiện cho ngành đường thủy phát triển lên một tầm vóc mới.

Theo đó, về chủ trương đầu tư, Tập đoàn Vingroup mong muốn điều hành, quản lý và khai thác cảng.

Tập đoàn dự kiến áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong việc quản lý và vận hành Cảng Sài Gòn và Hải Phòng nhằm mục đích không ngừng nâng cao công suất bốc dỡ, cải thiện hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn kinh tế vùng trong việc thông quan, làm đầu mối vận chuyển hàng hóa và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương và cả nước.

Về phương án đầu tư, đối với Cảng Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup xin đề xuất mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu thầu thành công trung bình.

Đối với Cảng Sài Gòn, Vingroup cũng đề xuất mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa với mức giá không thấp hơn giá IPO và được tham gia vào quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa.

“Vingroup cam kết tuân thủ các chủ trương, chính sách của Chính phủ về quy hoạch và quản lý hệ thống cảng biển,” bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết.

Tài sản khổng lồ của đại gia đề xuất mua 2 cảng biển lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng muốn mua 80% cổ phẩn của Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn.

Được biết, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa vào năm 2014 có vốn điều lệ 3.269,6 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 94,68% vốn điều lệ.

Năm 2014, tổng sản lượng xếp dỡ hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng đạt 19,75 triệu tấn, đạt tổng doanh thu 1.577 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 397 tỷ đồng.

Trong khi đó, Cảng Sài Gòn có giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2014 để cổ phần hóa là 3.995 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162,9 tỷ đồng.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông – Vận tải, Cảng Sài Gòn sẽ phải hoàn thành công tác cổ phần hóa trong quý I/2015 với tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ khoảng 75% vốn điều lệ.

Cần phải nói thêm rằng, đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, Vingroup nhắc lại đề xuất này với Bộ Giao thông – Vận tải.

Chính vì vậy, văn bản được gửi đi vào đầu tháng 3/2015 này không chỉ để giải trình rõ hơn với lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải, mà còn thể hiện quyết tâm tạo ra một thương vụ M&A tại Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn của Vingroup.

Ngoài việc đã nắm trong tay Cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), một công ty con của Vingroup cũng đã nộp đơn xin trở thành thành đầu tư Dự án Xây dựng cảng hành khách Phú Quốc tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Bên cạnh đó, đang xuất hiện thông tin, Vingroup chính là nhà đầu tư duy nhất muốn mua lại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.

Để có thể sở hữu phần lớn cổ phiếu Cảng Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI), thành viên Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman (SGRF).

Nhà đầu tư đến từ Trung Đông này từng có văn bản gửi Chính phủ xin được chuyển nhượng 29,68% vốn điều lệ của Cảng Hải Phòng (tương đương 97.057.400 cổ phần) theo hình thức thỏa thuận giá bán.

Tại Cảng Sài Gòn, nếu chấp thuận cho Vingroup trở thành nhà đầu tư chiến lược, Hội đồng Thành viên Vinalines cũng sẽ phải sửa nghị quyết về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, Hội đồng Thành viên Vinalines đã thống nhất được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần tại Cảng Sài Gòn.

Đối tượng được chọn là nhà đầu tư trong và ngoài nước có chức năng kinh doanh và hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sông, đường bộ; kinh doanh dịch vụ logistics; quản lý và khai thác cảng biển; tài chính, ngân hàng; có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu đến năm 2014 là 5 năm; có số vốn chủ sở hữu tối thiểu là 50 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 70 tỷ đồng vào niên độ tài chính năm 2013.

Trao đổi với Báo Đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, vẫn đang xem xét đề nghị của Tập đoàn Vingroup và sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tập đoàn Vingroup “khủng” cỡ nào?

Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã trở thành thương hiệu đa ngành lớn mạnh trong nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này đã liên tục có những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Times City, Royal City, biệt thự Vinhomes Riverside hay sắp tới đây là chung cư Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup chính là người đã góp phần lớn nhất tạo nên một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam năm 2015, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái.

Với khối tài sản này trong tay, ông Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng lọt vào danh sách tỷ phú thế giới.

Tài sản khổng lồ của đại gia đề xuất mua 2 cảng biển lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2
Tỷ phú USD duy nhất của VN năm 2015- Phạm Nhật Vượng- ông chủ của Tập đoàn Vingroup chính là đại gia nghìn tỷ đứng sau thương vụ mua lại 2 cảng biển lớn nhất của VN.

Tập đoàn Vingroup tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ukraina năm 1993 bởi những người Việt Nam trẻ tuổi, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thực phẩm và thành công rực rỡ với thương hiệu Mivina.

Những năm đầu của thế kỷ 21, Technocom luôn có mặt trong bảng xếp hạng Top 100 doanh nghiệp lớn mạnh nhất Ukraina.

Từ năm 2000, Technocom – Vingroup trở về Việt Nam đầu tư với ước vọng được góp phần xây dựng đất nước.

Vingroup tập trung đầu tư vào các lĩnh vực du lịch và bất động sản (BĐS) với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom.

Vincom hiện được coi là thương hiệu số 1 Việt Nam về BĐS với hàng loạt các tổ hợp TTTM – Văn phòng – Căn hộ đẳng cấp tại vị trí đắc địa và những khu đô thị phức hợp lớn, hiện đại, dẫn đầu cho xu thế đô thị thông minh – sinh thái hạng sang tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Vinpearl cũng trở thành cánh chim đầu đàn của ngành Du lịch với chuỗi các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự biển, công viên giải trí, sân golf… đẳng cấp năm sao và trên năm sao quốc tế.

Tháng 2 – 2012 cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) chính thức được phát hành trên sàn giao dịch đã minh chứng tiềm lực của tập đoàn.

Hiện nay, Vingroup đã khẳng định mình với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vinhomes (Hệ thống Bất động sản nhà ở dịch vụ hạng sang); Vincom (Hệ thống TTTM đẳng cấp); Vinpearl (Bất động sản du lịch; dịch vụ du lịch – giải trí); đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực như Vinmec (y tế chất lượng cao), Vinschool (giáo dục)…

Ngày 7/10/2014, Tập đoàn Vingroup đã niêm yết bổ sung hơn 1,3 triệu cổ phiếu vốn được phát hành cho cổ đông do thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi quốc tế thành cổ phần.

Vingroup vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III của tập đoàn. Trong đó, Chủ tịch Vingroup hiện vẫn nắm khoảng 30,16% cổ phần của tập đoàn, với giá trị thị trường xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.

2014 vẫn là năm của ông Phạm Nhật Vượng khi Vingroup tăng trưởng không ngừng và liên tục tung ra tin “khủng”.

Chỉ riêng trong quý 3 năm nay, Vingroup đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A lớn, gây được sự chú ý lớn trên thị trường.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, Vingroup đã chính thức công bố việc mua lại thành công 70% cổ phần của Ocean Retail, đổi tên thành công ty cổ phần Siêu thị VinMart.

Hiện Vingroup đang sở hữu luôn thương hiệu Ocean Mart, tuy nhiên giá trị của thương vụ này vẫn được giấu kín.

Năm nay, sau đợt phát hành thêm cổ phần chuyển đổi trái phiếu quốc tế, vốn điều lệ của Vingroup vượt 14.200 tỷ đồng.

Vingroup dưới sự điều hành của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng luôn nằm trong top 5 các công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.

Theo Soha