Thanh tra: Doanh nghiệp vẫn bị làm khó

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN), trong đó quy định chấm dứt hành vi gây khó cho DN, các đoàn kiểm tra phải phối hợp, mỗi năm chỉ kiểm tra một lần để DN yên tâm sản xuất…Thế nhưng trên thực tế, hoạt động kiểm tra bị biến tướng thế nào? Dưới đây là câu chuyện của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Mebipha.

dnlamkho (1)

Hết kiểm tra, đến… giám sát

Công ty Mebipha vừa gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ kêu cứu về việc phải liên tục tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đơn nêu rõ, đầu năm âm lịch, công ty đã nhận quyết định thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), công ty phải mất mấy tháng để chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu. Ngày 16-5-2016, Thanh tra Bộ NN-PTNT tiến hành thanh tra, kiểm tra tại DN. “Tưởng đã xong, chỉ sau một ngày, chúng tôi tiếp tục nhận được công văn số 261/C49B-P5 của Cục Cảnh sát Môi trường. Trong lúc ti vi cứ đưa tin Thủ tướng chỉ đạo phải tạo điều kiện cho DN làm ăn, giảm bớt thanh tra, kiểm tra và ngay trong Nghị quyết 35/NQ-CP cũng quy định rõ các đoàn phải kết hợp mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra một lần để tránh làm phiền DN thì ở cơ sở, Mebipha phải liên tục tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra”, bà Lâm Thúy Ái, Phó Giám đốc Công ty Mebipha, bức xúc.

Khi DN bày tỏ bức xúc này thì mới hay độ “lách” của cán bộ quá giỏi! Bởi công văn của Cục Cảnh sát Môi trường do Phó cục trưởng Võ Văn Đông ký chỉ cử cán bộ đến DN “nắm tình hình, thu thập thông tin tài liệu” chứ không phải thanh tra! Nhưng biên bản “Kết quả thu thập tài liệu” ghi nội dung vi phạm không liên quan gì đến môi trường, mà gần như thanh tra toàn diện hoạt động công ty, từ nhãn mác đến chất lượng sản phẩm.

Đó là chưa kể, công ty cũng vừa tiếp đoàn thanh tra của Cục Thú y mới vài tháng trước đó! Rồi trên thị trường, hàng tháng, hàng quý, DN phải tiếp các đoàn kiểm tra 64 tỉnh, thành trên cả nước từ Chi cục Thú y, Sở NN-PTNT, quản lý thị trường (QLTT), Thanh tra liên ngành, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường… Và không phải đoàn thanh tra nào cũng khách quan, đủ chuyên môn nghiệp vụ để kiểm tra chuyên ngành đối với những sản phẩm đặc thù, nên đôi khi kết luận thanh tra thiếu chuẩn xác, và cứ mỗi vụ công ty lại tốn hàng tháng trời đi giải trình, khiếu nại… Do vậy, công ty phải làm đơn kêu cứu vì mất quá nhiều thời gian, phải điều động nhân sự cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho đoàn thanh tra, gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận, dẫn đến trì trệ trong sản xuất kinh doanh.

Không chung chi thì sẽ…

Mebipha là một trong những DN đi đầu trong đầu tư nhà máy hiện đại để sản xuất thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi, với 13 năm kinh nghiệm. Sản phẩm của công ty có mặt khắp các tỉnh, thành trong nước. Những dây chuyền sản xuất của Mebipha cũng đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn WHO GMP. Năm 2013, Mebipha còn được Tập đoàn BSI của Anh cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP WHO, GLP, GSP và hàng năm đều được tổ chức này đến khảo sát lại. Sản phẩm đưa ra thị trường thì được khách hàng tiếp nhận, nhưng chính cơ quan QLTT lại là đơn vị làm khó.

Bà Lâm Thúy Ái cho biết: “Trước đây, sản phẩm chưa được quốc tế công nhận, hễ QLTT đến, chúng tôi xuê xoa bồi dưỡng cho nhanh thì không có việc gì. Nhưng nay, vì sản phẩm đã đạt chuẩn quốc tế và công ty hoạt động bài bản hơn, quy chuẩn hơn nên không chấp nhận chung chi thì… bị hành ra bã! Riêng ở tỉnh Bến Tre, chỉ trong vài tháng, công ty liên tục bị các chi cục QLTT kiểm tra, xử phạt, hết Đội 1 đến Đội 4, Đội 5, Đội 6… Cùng một sản phẩm Super Grow nhưng Đội QLTT số 4 (Bến Tre) niêm phong gửi kiểm nghiệm ở Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì cho ra 2 kết quả khác nhau, khiến công ty phải vác đơn đi kiện! Rồi Đội QLTT số 1 (Bến Tre) cũng thế, kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành vi sản xuất thuốc thú y chưa có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, công ty phải mệt mỏi nhiều tháng trời đi khiếu nại và cung cấp đủ chứng từ, sau đó mới được đơn vị này thu hồi quyết định xử phạt”.

Vấn đề DN phản ứng đối với các đội QLTT ở Bến Tre là: Thứ nhất, lấy mẫu sản phẩm không đúng quy trình, khiến kết quả xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn theo thông số trên bao bì. Thứ hai, khi kết quả chất lượng không đạt chỉ số trên bao bì lại ra quyết định phạt về hành vi “buôn bán hàng giả, hàng cấm”. Tại sao sản phẩm do chính công ty làm ra mà gọi là hàng giả, thắc mắc này được cán bộ QLTT giải thích rằng hàng không đạt chất lượng là hàng… giả về chất lượng!

Công ty lại phải tốn công đi khiếu nại. Bởi theo quy định, việc lấy mẫu phải do nhân viên có chứng chỉ lấy mẫu thực hiện mới đúng chuyên môn. Vì một gói thức ăn chăn nuôi có nhiều loại hạt to nhỏ khác nhau, nếu dựng đứng lắc nhẹ thì những hạt nhỏ sẽ lắng dưới đáy bao và cán bộ hốt trên mặt bao đưa đi kiểm nghiệm sẽ cho ra kết quả không chính xác. Do vậy, quy định chuyên môn buộc cán bộ lấy mẫu phải có chứng chỉ lấy mẫu, tức phải để bao nằm và xăm ở 5 điểm khác nhau thì mẫu mới đảm bảo đúng chất sản phẩm. Hơn nữa, vitamin B12, Lysine là chất không chịu nhiệt cao, nếu để ở nhiệt độ trên 30°C sẽ mất hàm lượng; chất Methionine, Saccharomyces cerevisiae là loại nấm men và hiện diện tập trung thành một tập thể nấm men, nếu phân tán cũng sẽ mất tác dụng.

Do vậy, công ty cho rằng nguyên nhân kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng là do cán bộ lấy mẫu không có chuyên môn, điều kiện lưu mẫu không đạt. Cụ thể, cán bộ QLTT Bến Tre lấy mẫu thử tháng 6 nhưng gần 1 tháng sau mới đem đi kiểm nghiệm, trong khi đó mọi chi phí mang sản phẩm đi kiểm nghiệm (chi phí kiểm nghiệm, thuê xe cho cán bộ đi từ Bến Tre lên TPHCM, tiền công cho 2 cán bộ) đều do công ty chi trả! Bà Lâm Thúy Ái than rằng, nếu chịu chung – chi còn rẻ hơn phí kiểm nghiệm, đi lại và còn đỡ tốn công sức kiện tụng. “Vì muốn bảo vệ danh tiếng, chúng tôi mới buộc làm đúng quy trình. Nhưng với cơ chế như thế này, Chính phủ không can thiệp, DN không thể sống lành mạnh được…”, bà Ái thở dài.

Theo Hàn Ni/ sggp.org.vn