Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2014 VN nhập khẩu từ Trung Quốc 63,8 tỷ USD. Trong khi đó, con số mà VN đưa ra chỉ có 43,9 tỷ USD. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy ?
Nguồn: Tổng cục Hải quan (Số liệu năm 2014 tính từ đầu năm đến hết tháng 11)
Theo một báo cáo của trung tâm WTO thuộc VCCI gần đây, thương mại Việt – Trung gia tăng liên tục trong 10 năm qua. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm tới 20% tổng thương mại của VN. Trung Quốc chiếm 25% kim ngạch nhập khẩu và 10% kim ngạch XK của VN.
Theo GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, sự chênh lệch tới mấy chục tỷ USD đó một phần có thể do sự khác biệt về cách thức thống kê, nhưng nó chứng tỏ một điều, hàng lậu Trung Quốc đang vào VN rất nhiều. Còn theo trung tâm WTO, nguyên nhân của sự chênh lệch này, xuất phát từ lượng hàng hóa XK, nhập khẩu lậu qua biên giới không được khai báo, trốn thuế…
Một loạt các giải pháp được cho là căn cơ đã được trung tâm WTO kiến nghị Chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Cụ thể về ngắn hạn, cần siết chặt hoạt động kiểm soát tại biên giới để ngăn chặn tối đa hiện tượng buôn lậu. Giải pháp này bao gồm một chuỗi các giải pháp tổng hợp nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát các hoạt động thương mại tại biên giới. Theo đó, cần xây dựng “khẩn cấp” cơ chế kiểm soát buôn lậu hiệu quả, tăng cường lực lượng và nguồn lực cho việc kiểm soát tình trạng buôn lậu. Bên cạnh đó là cải cách thủ tục hành chính triệt về thuế, hải quan, đảm bảo thông quan nhanh chóng, thuận lợi cho hàng hóa XK, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm. Trung tâm WTO cũng nhấn mạnh tới giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Theo đó, cần xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và máy móc thiết bị, qua đó có căn cứ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng. Tăng cường lực lượng cho việc kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ quản lý để lọt các trường hợp hàng hóa chất lượng kém. Còn về lâu dài, trung tâm WTO cho rằng cần xem xét lại chính sách XNK tiểu ngạch, chẳng hạn điều chỉnh cơ chế XNK tiểu ngạch theo hướng hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế XNK thông thường. Bên cạnh đó là tăng cường hiệu quả sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA…
VN từ chỗ có thặng dư nhỏ với Trung Quốc khoảng 135 triệu USD năm 2000 thì tới năm 2013, thâm hụt nặng nề từ thị trường này đã lên tới con số 23,7 tỷ USD. |
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì cho rằng, thời gian qua Trung Quốc không mở hẳn cho các cửa khẩu xuất chính ngạch, còn tiểu ngạch thì phập phù, lúc đóng lúc mở, dẫn tới các mặt hàng như gạo, trái cây khi mà xuất tiểu ngạch sang TQ thường bị ùn ứ. “Điều quan trọng là phải hướng tới đàm phán xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu có hợp đồng để tránh thiệt thòi cho các DN”, TS Tuấn nói
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lại cho rằng, việc tận dụng lợi thế của thương mại biên giới vẫn là điều chúng ta nên làm. Trong quá trình giao thương cũng nảy sinh những vấn đề bất cập, nhưng qua những lần như vậy, Bộ Công Thương cũng như các địa phương cũng đã rút ra các bài học để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Cho dù vẫn còn những ý kiến trái chiều, nhưng rõ ràng xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch đang có nhiều hạn chế, nó không chỉ gây thất thu thuế mà còn khiến hàng hóa trong nước không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ. Đặc biệt, việc nhiều sản phẩm tiêu dùng mà trong nước sản xuất được đang bị nhập lậu tràn lan, với chất lượng thấp từ biên giới là một trong những nguyên nhân làm đổ vỡ sản xuất trong nước.
PGS. TS Phạm Quý Thọ – Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách – Phát triển (Bộ KH – ĐT): Giải pháp xóa bỏ cơ chế xnk tiểu ngạch
Khâu kiểm soát dọc biên mậu của chúng ta từ nhiều năm nay thực hiện chưa tốt nên một lượng lớn hàng hóa nhập lậu thông qua đường tiểu ngạch đã tràn vào VN. Có 3 giải pháp để hạn chế tình trạng trên: Thứ nhất, bằng mọi cách phải bỏ chính sách nhập hàng thông qua đường tiểu ngạch. Cách làm này có thể trước mắt khiến chúng ta bị thiệt thòi bởi phần lớn hàng hóa nông sản của ta như gạo, dưa hấu, rau quả… đều xuất sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Nhưng nếu tính toán kỹ thì cũng không phải là số lượng lớn, trong khi gần đây phía Trung Quốc cũng phản ứng rất mạnh việc nhập hàng qua tiểu ngạch. Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, bởi phần lớn hàng hóa nhập lậu đều qua con đường này. Thứ ba, phải đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng biên, bởi nếu không việc làm khác, họ sẽ vẫn vận chuyển lậu để kiếm sống. Ngoài ra, cả trước mắt và lâu dài cần phải giảm tình trạng đầu tư kém chất lượng, phải kiên quyết nâng cao chất lượng đầu tư, đây cũng là một nguyên nhân gia tăng nhập siêu. Hằng năm VN nhập siêu công nghiệp rất nhiều máy móc, thiết bị để phục vụ các công trình. Qua quan sát thực tế, tôi nhận thấy có rất nhiều nhược điểm trong việc thắng thầu giá rẻ của Trung Quốc, thứ nhất nhiều máy móc, công trình làm chưa xong đã hỏng. Hơn nữa, công nghệ của Trung Quốc không giống nước nào nên khi DN Trung Quốc trúng thầu, các DNVN phải cho người sang Trung Quốc đào tạo. Thứ hai, các thiết bị này tuy rẻ nhưng do chất lượng kém nên thường xuyên phải thay thế phụ tùng và đương nhiên khi dùng máy móc của Trung Quốc thì chỉ có Trung Quốc mới có phụ tùng sửa chữa những thiết bị đó. DNVN hoàn toàn phải lệ thuộc vào DN Trung Quốc. |
Q.Anh