Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thảo luận lại Hiệp định Thương mại tự do bắc Mỹ (Nafta), xác định từng vi phạm hiệp định thương mại với từng nước để có biện pháp thích hợp.
Còn với Trung Quốc (TQ), Trump tuyên bố đó là nước thao túng hối suất, trợ cấp hàng hóa, ăn cắp công nghệ và hứa hẹn sẽ cứng rắn với TQ, sẽ làm “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. TQ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đang làm gì và Trump có thể đối sách như thế nào?
Trung Quốc chế ngự thị trường Mỹ và thế giới
Nguồn: Merchandize trade, United Nations. |
Xuất khẩu hàng hóa (merchandise) từ TQ năm 2001 chỉ chiếm 4,3% thị trường thế giới, năm 2015 tăng lên 14%, đứng đầu thế giới, vượt Mỹ có thị trường giảm từ 12% xuống 9% trong cùng thời gian. TQ cũng vượt cả thị phần năm 2015 của Đức là 8% và Nhật là 3, 8% . Nhập siêu hàng hóa của Mỹ từ TQ chỉ là 28 tỉ đô la Mỹ năm 2001 đã tăng lên 261 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015. TQ trở thành nguồn nhập lớn nhất vào Mỹ, chiếm 21% thị trường.
Nhìn tổng thể, cả hàng hóa và dịch vụ (coi bảng 3), sau khi điều chỉnh khác biệt giá trị CIF/FOB, nhập siêu hàng hóa của Mỹ từ TQ tăng mạnh, và năm 2015 bằng gần 50% tổng số nhập siêu hàng hóa. Nếu kể cả dịch vụ, nhập siêu từ TQ chiếm gần 70% nhập siêu của Mỹ trong năm 2015. Dù có lợi thế về dịch vụ, khả năng Mỹ xâm nhập vào thị trường dịch vụ của TQ rất thấp vì chính sách bảo vệ thị trường của TQ. Như vậy, có thể nói TQ đã thống trị xuất, nhập khẩu ở Mỹ.
Do tình hình nhập siêu cao, thay vì tự sản xuất, lao động trong công nghiệp Mỹ giảm từ đỉnh cao gần 20 triệu xuống còn 12 triệu, mất đi 8 triệu việc làm, và mất đi 5 triệu từ khi TQ gia nhập WTO năm 2001. Lý do không chỉ vì Mỹ mở cửa cho TQ mà còn vì Hiệp ước Thương mại Bắc Mỹ (1994) mở cửa cho Mexico đưa đến việc các công ty xe hơi chuyển sản xuất phụ tùng sang đó, và từ năm 2000 bắt đầu chiều hướng lương thực tế của công nhân xe hơi giảm cho đến ngày nay. Nếu kể từ năm 1950 đến năm 2015 thì năng suất lao động tăng 2,4 lần nhưng lương công nhân chỉ tăng 1,7 lần. Giai cấp công nhân Mỹ mất việc làm và lương giảm là thực tế từ năm 2000 đến nay.
Riêng từ khi TQ gia nhập WTO từ năm 2001, việc làm ở Mỹ tăng lên chủ yếu từ hoạt động dịch vụ như giáo dục, y tế, dịch vụ giải trí và thương nghiệp, vượt xa số việc làm tăng từ dịch vụ chuyên nghiệp. Nói chung việc làm trong dịch vụ không chuyên nghiệp có thu nhập thấp hơn lao động trong công nghiệp đối với những người có tay nghề nhưng học vấn thấp. Mở cửa cho TQ tạo ra một tiếng hút vĩ đại (great sucking sound) việc làm từ Mỹ sang TQ.
Lý do TQ chế ngự thương mại thế giới
Nguồn: US BEA |
Phải nói TQ ồ ạt xâm nhập vào thị trường Mỹ và thành công vì Mỹ chủ trương mở cửa để TQ tham gia vào WTO- một thể chế quốc tế trao đổi hàng hóa rộng mở, tự do mà không phân biệt đối xử, hy vọng mọi nước cùng có lợi- và đặc biệt là để TQ trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cần phải thấy là WTO cho đến nay vẫn còn đóng cửa với Nga.
Tìm hiểu phương cách TQ xâm nhập thị trường nước ngoài đồng thời bảo vệ thị trường nội địa cho thấy TQ biết nắm thời cơ, khéo giả bộ, dấu mình chờ thời, cho đến khi cảm thấy sẵn sàng làm anh cả.
Nguồn: US Bureau of Census. |
Ưu đãi với tư cách là nước đang phát triển. Điểm quan trọng nhất của WTO là thể chế này không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên, nhưng WTO lại dành những điều khoản ưu đãi đối với các nước đang phát triển như Trung Quốc, nhằm thu hút họ vào một thể chế chung toàn cầu.
Lợi thế với tư cách một nền kinh tế phi thị trường. Một trong những điều khoảng quan trọng, còn hơn ưu đãi đối với nước phát triển, là TQ được phép có thời gian cải cách để trở thành kinh tế thị trường và trong thời gian chuyển tiếp (15 năm, chấm dứt vào năm 2016), các nước khác có thể áp dụng biện pháp chống phá giá (anti-dumping) chống lại biện pháp phi thị trường của TQ (điều 15 trong thỏa thuận gia nhập).
Nhưng có thể nói, WTO không có định nghĩa về nền kinh tế phi thị trường và do đó không có cơ sở để quyết định, các nước cũng không thực sự áp dụng điều khoản này để hạn chế TQ. Chính vì thế mà vừa qua TQ còn lớn lối đòi hỏi Mỹ và các nước phải công nhận TQ là kinh tế thị trường sau 15 năm nhập WTO. Thực tế rõ ràng là cho đến nay TQ vẫn là nước phi thị trường, coi doanh nghiệp quốc doanh là chủ đạo, có ít nhất trên 30% GDP của TQ là do doanh nghiệp quốc doanh sản xuất và được trợ cấp bằng nhiều cách, nhằm giảm giá thành sản xuất.
TQ hạn chế đầu tư của nước ngoài vào TQ bằng đòi hỏi tỷ lệ cổ phiếu nước ngoài nắm không hơn 49%, bằng đòi hỏi chuyển giao công nghệ, và đóng cửa gần như toàn diện với nhiều hoạt động mà Mỹ có ưu thế như truyền thông, văn hóa và giải trí (sách báo, truyền hình, điện thoại, âm nhạc, phim ảnh), và hạn chế đối với hoạt động tài chính ngân hàng, vào giao thông vận tải. Ảo tưởng xâm nhập thị trường rộng lớn của TQ không như các công ty Mỹ tưởng tượng vì luật pháp TQ ngăn cản.
Quan trọng không kém là việc nhà nước TQ trực tiếp và thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại tệ, điều hành nhằm có lợi cho xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Việc IMF năm 2016 quyết định đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tính giá ngoại hối và dự trữ không làm đồng nhân dân tệ tự do hơn.
Các biện pháp phi thị trường được áp dụng như bắt các doanh nghiệp có thu ngoại tệ không dùng đến ngay đổi ra nhân dân tệ và mua trái phiếu chính phủ (nhằm hạn chế lạm phát), hạn chế dân mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài, đòi doanh nghiệp phải có giấy phép và lý do chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (tức là hạn chế cung nhằm tăng giá ngoại tệ, có lợi cho xuất khẩu). Có thể thấy TQ đã giữ giá nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ không thay đổi trong nhiều năm sau khi TQ gia nhập WTO đến tận năm 2007.
Đồng nhân dân tệ chỉ được phép tăng giá (tức là đô la Mỹ giảm giá) khi mà cung ngoại tệ quá nhiều (dự trữ ngoại tệ lên đến trên 3.000 tỉ đô la Mỹ năm 2011 và gần 4.000 tỉ đô la Mỹ năm 2013). Mới đây TQ lại trở lại biện pháp khắc khe hạn chế mỗi người dân không được chuyển ra nước ngoài hơn 50 ngàn đô la Mỹ một năm, khi có đến 1.000 tỉ đô la Mỹ bỏ chạy ra nước ngoài trong năm 2016. Thị trường ngoại hối và dòng chảy tư bản rõ ràng là do nhà nước kiểm soát, chứ làm gì có cái gọi là thị trường tự do.
Và hơn thế, còn tập trung khuynh đảo thế giới thứ ba. Thí dụ, để chiếm lĩnh thị trường thép và nhôm thế giới (lên tới 50% từ chỗ không đáng kể), đẩy các nhà máy ở Mỹ và châu u đóng cửa, TQ không chỉ dùng các biện pháp phi thị trường trong nội địa TQ nói đến ở trên mà còn dùng các biện pháp nắm nguồn nguyên liệu ở các nước nghèo, đặc biệt là ở châu Phi, kể cả Việt Nam, bằng cách mua chuộc quan chức tham nhũng, cho vay tiền để xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác của họ nhưng việc xây dựng lại phải qua tay công ty TQ. Và khai thác bất kể môi trường.
Mãi đến tháng 5- 2016, Mỹ mới áp thuế nhập khẩu 266% – 500% với với một số loại thép TQ. Sau khi công nghệ sắt thép bị tan hoang, Mỹ mới áp dụng biện pháp trả đũa, bằng cách nâng thuế nhập và kiện TQ ra tòa án WTO. Lúc này đã muộn, Clinton và Đảng Dân chủ thất cử là kết quả của chiêu bài bảo vệ công nghiệp của Trump.
Trump có thể làm gì?
Việc để TQ dùng mọi thủ đoạn phi thị trường xâm nhập kinh tế Mỹ đã rõ ràng. Các hoạt động công nghiệp như sản xuất sắt thép, may mặc, đóng bàn ghế, sản xuất sắt thép, tủ lạnh, ti vi và kể cả làm chíp, máy tính…- cơ sở tạo ra giới trung lưu Mỹ- gần như biến mất ở Mỹ. Kẻ được lợi nhất ở Mỹ là giới tài chính trung gian. Thu nhập tập trung vào tầng lớp trên. Thu nhập trung bình của giới trung lưu, chiếm đại đa số dân chúng, giảm.
Khi ứng cử Trump nói sẽ dùng các luật lệ của WTO và của Luật Thương Mại Mỹ ra đời năm 1974 và năm 1962 (điều khoản 201, 203 và điều khoản 232 năm 1962 ) để có biện pháp trả đũa TQ. Trong các phát biểu sau khi thắng cử, Trump tuyên bố có thể phải đánh 12% thuế nhập hàng từ TQ để đối lại chính sách thao túng hối suất, và 5, 10, 45% những hàng hóa khác được trợ cấp. Như thế, Trump không nói rằng sẽ hành động đơn phương theo ý mình, mà ít nhất cũng trên cơ sở tôn trọng luật lệ, nhất là hiệp ước đa phương như WTO.
Nếu là người hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Trump có thể áp dụng không nhân nhượng các biện pháp chế tài nếu chứng minh trước WTO được rằng TQ thực hiện các biện pháp phá giá, và giữ hối suất thấp hơn giá thực của nó, và các biện pháp phi pháp khác, mà cũng trên cơ sở luật WTO, TQ không thể trả đũa. Việc chứng minh này không dễ dàng nhưng cần làm: hối suất thực được tính như thế nào, khi chưa bao giờ có giá thực để lấy làm chuẩn? (Điều này tôi biết khá rõ, khi cùng với rất nhiều chuyên gia tham gia, và làm việc cả chục năm ở Liên hiệp quốc cũng không thể giải quyết được phương pháp tính hối suất thực khi chưa từng có giá thực).
Ngoài ra, và có thể quan trọng hơn, là việc cấm các doanh nghiệp quốc doanh TQ (rõ ràng là phi thị trường) mua công ty và đầu tư vào Mỹ, qua đó hạn chế chuyển giao công nghệ.
Nếu hành động bất chấp luật quốc tế, Trump có thể đơn phương áp thuế, nhưng cũng có thể bị TQ phản ứng áp thuế đối với hàng Mỹ (dù giá trị chỉ bằng 20% hàng nhập từ TQ nhưng cũng có ảnh hưởng tới sản xuất).
Điều khó khăn cho Trump và cho Mỹ nói chung là dân Mỹ đã được hưởng hàng hóa giá thấp từ rất lâu rồi, và hiện nay có đến 21,3% hàng hóa là nhập từ TQ, nên áp thuế mạnh sẽ tăng giá mạnh. Liệu dân Mỹ có đánh đổi giảm sức mua để có việc làm không? Và cần nói thêm là Trump không chỉ định làm với TQ mà còn với nhiều nước khác như Mexico, Nhật Bản, Malaysia… chẳng hạn. Làm thế, nước Mỹ sẽ trở thành kẻ trơ trọi và nhượng cho TQ bá chủ châu Á.
Áp dụng đối sách toàn diện đòi hỏi phải có định nghĩa rõ ràng về cái gọi là phi thị trường ở WTO, tức là viết lại luật WTO, điều gần như không thực hiện được. Làm thế nào để cấm hay hạn chế các nước kiểm soát thị trường ngoại hối và dòng chảy tư bản, khi hầu như các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình đều thực hiện? Và ngay cả Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), hiện cũng đã coi đó là điều nên làm khi cần thiết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tại châu Á. Cấm mượn tiền từ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB)? Thì đã có TQ đứng một bên với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)!
Liệu Trump có thể áp thuế phân biệt, đối với doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nước ngoài, để ép họ trở lại Mỹ mà không coi là vi phạm luật tự do sản xuất ở Mỹ? Liệu dân Mỹ có thể cho phép doanh nghiệp tự do phóng ô nhiễm ra môi trường để có thể cạnh tranh về giá?
Chỉ có thể nói: ai thắng ai thua, hạ hồi phân giải. Dọa để đối thủ biết điều hơn, nhưng nếu đi quá trớn bất chấp luật pháp, khủng hoảng lớn ở Mỹ và trên thế giới có thể xảy ra.
Cựu Tổng thống Mỹ Clinton là người chủ trương mở cửa cho TQ
Cựu Tổng thống Mỹ Clinton là người chủ trương mở cửa cho TQ sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Clinton trong một thông cáo báo chí năm 2000 cho rằng khi gia nhập WTO, TQ sẽ dẹp bỏ hàng rào bảo vệ mậu dịch, “mở rộng thị trường hơn một tỉ người cho công ty Mỹ” và “các công ty công nghệ cao Mỹ sẽ xâm nhập thị trường TQ.” Ông ta cho rằng “TQ sẽ tư hữu hóa doanh nghiệp quốc doanh, và mở rộng thị trường nội địa” và như thế sẽ “mở rất rộng thị trường cho dịch vụ chuyên nghiệp như luật, tư vấn quản lý, kế toán và bảo vệ môi trường”, sẽ “tạo ra nhiều việc làm có lương cao và giảm nhập siêu của Mỹ từ TQ ” và sẽ giúp cải cách ở TQ, thâm sâu hóa việc cai trị bằng luật pháp và đưa đến một thế giới an ninh hơn… Trong thông báo báo chí trước đó, Clinton giải thích là TQ phải giảm thuế nhập khẩu và phải mở cửa cho xe hơi Mỹ, cho đầu tư vào thị trường thông tin, còn Mỹ không phải thay đổi gì, như vậy Mỹ chỉ có lợi. Sự thật xảy ra ở TQ đi ngược lại những lời có cánh của Clinton. Về mặt kinh tế, nhập siêu từ TQ ngày càng tăng chứ không như Clinton tiên liệu (coi bảng 2). Tuy vậy, việc mở cửa không có gì là lạ vì lý thuyết kinh tế của Ricardo từ năm 1817, rằng khi tự do trao đổi thương mại, mọi nước đều có lợi, được chấp nhận rộng rãi. Có hai vấn đề về lý thuyết này. Thứ nhất là trao đổi với một nền kinh tế phi thị trường thì không thể gọi là tự do. Thứ hai, lợi ích cho cả nền kinh tế không nhất thiết mang lợi ích cho mọi người, có người lợi có người thiệt. Người dân Mỹ nói chung mua hàng rẻ hơn, một số hoạt động tăng trưởng nhưng công nghiệp lụn bại. Giai cấp công nhân ở những vùng bị thiệt nhất đã bầu cho Trump. |
Vũ Quang Việt/Thời báo Kinh tế Sài Gòn