Vào được chuỗi của Samsung đã khó, nhưng nếu không làm tốt, ngay lập tức sẽ bị loại ra.
Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, hiện cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Ông Hoàng Anh Tuân, Chủ tịch Nhựa Việt Hưng chia sẻ trên VnEconomy, trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung cũng “gian khổ lắm”, chứ không “sướng” như mọi người nghĩ.
Đầu tiên, các doanh nghiệp phải mất từ 3-6 tháng để Samsung thẩm định máy móc, công nghệ, sau đó họ sẽ cử người hỗ trợ làm các sản phẩm đầu tiên, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục nâng công suất, trở thành nhà cung cấp chính thức.
Công nhân Việt Nam làm việc trong nhà máy của Samsung |
“Samsung đưa ra điều kiện cứ hai tiếng giao hàng một lần, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam nghe thấy vậy đã lắc đầu. Các khâu đều được điện tử hoá, họ chỉ cho phép tồn kho trong một thời gian ngắn. Vì vậy, buộc nhà cung cấp phải giao hàng chính xác”, ông Tuân nói.
Theo ông Tuân, yếu tố chính xác về thời gian vô cùng quan trọng, nếu chậm giao hàng có thể gây thiệt hại lớn và bị loại ra khỏi cuộc chơi, giống như quay vào ô mất lượt.
“Tết này, công ty chỉ được nghỉ vài tiếng đón giao thừa, sau đó lại xắn tay làm tiếp. Thời gian đầu, nhiều nhân viên công ty còn tỏ ra đối phó, song với kết quả hiện hữu, tư duy đã thay đổi”, ông Tuân nói và cho rằng những thành quả này có thể xem là thước đo để tham gia vào các chuỗi cung ứng khác. Hiện Việt Hưng còn tham gia cung cấp bao bì cho các đối tác LG, Canon…
Vào được chuỗi đã khó, nhưng nếu không làm tốt, ngay lập tức sẽ bị loại ra. Hàng năm, Samsung có xếp loại các nhà cung cấp hạng A, B, C, D. Nếu xếp vào loại C, D tức là mắc nhiều lỗi, cận kề khả năng bị loại.
Ông Tuân cũng nhấn mạnh, chuỗi cung ứng của Samsung được tổ chức minh bạch, cởi mở với tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt nào tính cách “đi đêm” để vào chuỗi giá trị của họ sẽ bị loại ngay lập tức.
Việt Hưng đang dự kiến đầu tư thêm để sản xuất các linh kiện khác. Quá trình mở rộng sản xuất đều dựa trên nhu cầu của Samsung.
Theo ông Tuân, không thể đầu tư nóng vội, nếu không sẽ vỡ trận. Samsung hoạt động theo mô hình theo chuỗi, bất cứ một trục trặc nào có thể gây rủi ro trong toàn chuỗi. Do đó, dù có tham vọng làm được các linh kiện đòi hỏi chất xám cao hơn, song ông vẫn cho rằng cần thời gian để hoàn thiện, cải tiến và nâng cao công nghệ.
Đến nay, số doanh nghiệp Việt lọt vào chuỗi cung ứng linh kiện phụ trợ cho Samsung đã lên tới 198, gồm 20 nhà cung ứng cấp 1 và 178 nhà cung ứng cấp 2. Dự kiến năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ nâng số nhà cung ứng cấp 1 lên 29 doanh nghiệp.
Đây là một tiến bộ đáng kể bởi còn nhớ vào tháng 9/2014, đa số doanh nghiệp Việt tham dự buổi tiếp xúc và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung thừa nhận không thể đáp ứng yêu cầu của Samsung, dù chỉ là sản xuất ốc vít.
Đến hội thảo triển lãm diễn ra lần thứ hai của Samsung gần 1 năm sau (tháng 7/2015), câu chuyện trên vẫn không mấy thay đổi tích cực.
Theo con số Samsung đưa ra vào thời điểm đó, chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam hiện cung ứng trực tiếp cho tập đoàn này. Còn lại khoảng 28 doanh nghiệp cung ứng gián tiếp thông qua một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam.
Qua khảo sát tại triển lãm, các sản phẩm doanh nghiệp Việt cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như: bao bì, đóng gói và khuôn mẫu. Những linh kiện như ốc vít, thậm chí túi bóng bọc dây cáp… vẫn vắng bóng.
Minh Thái (Tổng hợp)