NDH
Đầu năm 2016, thị trường dịch vụ vận tải Việt Nam lại xôn xao câu chuyện Grab được triển khai đề án thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, còn Uber thì đối mặt với nhiều lùm xùm và còn bị đề nghị dừng hoạt động.
Thí điểm đề án GrabCar tại 5 tỉnh, thành
Ngày 26/1, Grab vui mừng triển khai đề án thí điểm, được đánh giá công nghệ của đề án GrabCar sẽ giúp đơn vị vận tải tiết kiệm chi phí về quản trị doanh nghiệp và Nhà nước thuận lợi trong việc quản lý về xe hợp đồng trong khi mang đến nhiều sự lựa chọn đa dạng cho hành khách.
Đề án này được triển khai thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM trong giai đoạn từ 2016-2018.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng nếu ứng dụng thành công đề án GrabCar thí điểm thì sẽ ứng dụng đồng loạt trong lĩnh vực vận tải khác gồm xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách chạy cố định.
Đường đi của Grab đang thênh thang hơn Uber, bởi Grab được thuận lợi hơn mặc dù đều là đề án về ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh dịch vụ vận tải.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng với ứng dụng này, những thông tin về hợp đồng vận tải sẽ được cung cấp đủ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm khả năng giám sát, phân biệt rõ giữa hoạt động vận tải hợp đồng, xe du lịch và xe khách, khắc phục triệt để xe hợp đồng ‘trá hình’ xe khách.
Ngoài ra, ứng dụng sẽ giúp đơn vị vận tải tối ưu hóa hành trình phương tiện, giảm giá thành vận tải, nâng cao sức cạnh tranh đồng thời giảm giá vé cho hành khách.
Lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng cho rằng nếu đơn vị nào hoạt động kinh doanh không thực hiện theo quy định của pháp luật thì sẽ phải “đóng cửa.
Uber vướng lùm xùm
Ông Thọ cho biết, trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp. Điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Uber Taxi cũng triển khai kinh doanh bằng ứng dụng công nghệ thông tin như GrabTaxi nhưng lại gặp nhiều ý kiến trái chiều. Đề án thí điểm ứng dụng hợp đồng taxi điện tử của Uber bị Bộ Giao thông Vận tải trả về. Uber gặp phải sự phản đối của Hiệp hội Taxi TP.HCM khi gửi đơn kiến nghị cấm Công ty Uber kinh doanh taxi trá hình. Theo lãnh đạo Hiệp hội này, kinh doanh taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng như taxi Uber hiện nay rất khó kiểm soát được số lượng xe, Nhà nước cũng không truy thu được thuế và người sử dụng dịch vụ này tuy dịch vụ rẻ hơn nhưng nếu khi gặp sự cố rất khó để tìm người giải quyết.
Lái xe các hãng taxi than phiền có sự cạnh tranh công bằng giữa Uber và taxi truyền thống, khi Uber được đi thoải mái trong các tuyến phố cấm taxi.
Mới đây lùm xùm quanh chuyện lái xe taxi Uber đưa số điện thoại của khách hàng lên một trang web đen khiến khách bị quấy rối trở thành một câu chuyện lùm xùm khiến Uber mất điểm.
CEO Uber tại Việt Nam Đặng Việt Dũng cho biết Uber và Grab có hình thức kinh doanh giống nhau nhưng Grab là công ty có pháp nhân Việt Nam còn Uber là công ty toàn cầu, nên để được triển khai đề án thí điểm Uber cần thành lập công ty có pháp nhân tại Việt Nam. Trả lời những nghi vấn về thuế, CEO Uber khẳng định không lách thuế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế ở Việt Nam.
Một bản thống kê từ nguồn GlobalPost cho thấy số lượng quốc gia chấp nhận Uber không nhiều. Cụ thể như: Tại Paris (Pháp), Bỉ, Indonesia, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha… hoạt động của Uber hoàn toàn bị cấm. Chỉ có 3 nước chính thức cho phép loại hình này được hoạt động là Philippines, Ấn Độ và tại Mỹ là Uber có dịch vụ giao hàng; còn tại San Fancisco thì Uber đang được thử nghiệm dịch vụ đi chung xe…