Vận tải thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Tiềm năng lớn, đầu tư nhỏ

Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, chiếm đến 60% diện tích, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có ưu thế tuyệt đối trong vận tải đường thủy, thế nhưng, thời gian qua, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này quá bé, chưa tương xứng với tiềm năng.

van-tai-thuy-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-tiem-nang-lon-dau-tu-nho1473926674

Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), trong giai đoạn 2010 – 2016 đãđầu tư hoàn thành khoảng 46 dự án hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL (riêng các dự án đường bộ là 39 dự án) với tổng mức đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ trái phiếu chính phủ chiếm 47% và ngân sách nhà nước chiếm 19%; các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chiếm tỷ lệ thấp (15%).

Cơ cấu vốn đầu tư theo ngành cũng còn nhiều bật cập, khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đường bộ gần 80%, trong khi lĩnh vực thế mạnh của vùng là đường thủy nội địa chỉ chiếm 1%, hàng hải chiếm 13% trong tổng vốn đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Về dự án vận tải thủy được đầu tư, thời gian qua chủ yếu tập trung vốn vào 2 dự án lớn là Cảng biển An Thới với tổng mức đầu tư đầu tư 189 tỷ đồng và Dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu với tổng mức đầu tư 9.781 tỷ đồng.

Theo đáng giá của Cục Hàng hải, hiện nay hệ thống logistics của khu vực rất yếu kém, hầu như chưa hình thành, mới chỉ là các khu kho bãi của các đại lý với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ bốc xếp, quản lý khai thác đơn giản.

Luồng tuyến giao thông thủy dày đặc, nhưng lại không đồng cấp, nhất là về độ sâu. Tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Đến nay, mặc dù đã được hoàn thành nâng cấp mở rộng giai đoạn I, nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cấp giai đoạn II mới đáp ứng được yêu cầu.

Số cảng, bến thủy nội địa tuy nhiều, nhưng phần lớn trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được đầu tư hiện đại hóa, chưa đồng bộ, nên năng lực bốc dỡ hàng hóa thấp; nhiều bến cảng thiếu đường bộ kết nối.

Do những nguyên nhân trên, lượng hàng qua cảng những năm gần đây nói chung thấp, dao động trong khoảng 6,5 – 8,5 triệu tấn/năm. Gần 80% hàng hóa của Vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại Hội nghị “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL” mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành mà chủ trì là Bộ GTVT phải sớm có tham mưu cho Chính phủ giải pháp đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó đặc biệt chú ý phát triển vận tải bằng đường thủy, đường biển và dịch vụ logistics. Về lâu dài, cần nghiên cứu cảng biển nước sâu làm đầu ra cho hàng hóa cả vùng. “Các bộ, ngành cũng cần tham mưu với Chính phủ cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách tham gia phát triển cơ sở hạ tầng. Không có nguồn lực đủ mạnh thì khó có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng của vùng nói riêng, cả nước nói chung”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phú Khởi
Báo đầu tư