Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Nếu xét trên quy mô toàn thế giới, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ 7; thị trường nhập khẩu (NK) lớn thứ 10 của Trung Quốc (đứng thứ 2 trong ASEAN, trên Thái Lan và sau Malaysia).
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 106,7 tỉ USD, trong đó, XK đạt 41,3 tỉ USD, tăng 16,6% so với năm 2017. Các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cụ thể: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,38 tỉ USD, tăng 31,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,36 tỉ USD, tăng 21,9%; xơ sợi dệt các loại đạt 2,2 tỉ USD, tăng 8,5%; hàng rau quả đạt 2,78 tỉ USD tăng 5,1%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,8 tỉ USD, tăng 34,1%; giày dép các loại đạt 1,49 tỉ USD, tăng 30,8%.
XK nhóm hàng nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì tỉ trọng ổn định trong những năm gần đây. Năm 2018, XK gạo sang Trung Quốc đạt 638,3 triệu USD, caosu: 1,37 tỉ USD; rau quả: 2,78 tỉ USD; thủy sản: 995,9 triệu USD...
Việt Nam đang tái cơ cấu ngành chăn nuôi để có thể XK thịt lợn sang Trung Quốc qua đường chính ngạch (Ảnh minh họa)
Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, kim ngạch XK sang 1,07 tỉ USD, tăng nhẹ 0,4% so với năm 2018. Trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 7,61 tỉ USD. Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, kim ngạch XK 3 tháng đầu năm đạt 253,3 triệu USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, đối với nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê.
Hiện nay, Việt Nam đang XK sang Trung Quốc 8 mặt hàng thuộc nhóm nông thủy sản, trong đó có một số mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong tổng XK mặt hàng đó của cả nước (sắn và các sản phẩm từ sắn chiếm 88%; rau quả chiếm 73%; cao su chiếm 66%; gạo chiếm 22%); các mặt hàng còn lại chiếm tỉ trọng khoảng trên dưới 10% (điều, chè, thủy sản, càphê). Ngoài ra, Việt Nam cũng XK gỗ nguyên liệu và gỗ thành phẩm (chủ yếu là gỗ mỹ nghệ từ gỗ nhóm 1) sang Trung Quốc.
Gỡ bỏ rào cản đẩy mạnh XK chính ngạch
Bộ Công Thương nhận định, XK nông, thủy sản sang Trung Quốc có những thuận lợi cơ bản, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi Trung Quốc đã và đang trở thành một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, hiện nay Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với trang thiết bị hiện đại, tối tân với năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU..., dự kiến từ ngày 1.10.2019 sẽ áp dụng việc yêu cầu các lô hàng thực phẩm NK đều phải có chứng thư XK đi kèm.
Với xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc, XK nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sẽ chịu rào cản chất lượng cao hơn và sức ép cạnh tranh cao hơn từ các nước trong khu vực ASEAN. Xu hướng này cho thấy thời gian tới, XK tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, Việt Nam cần phải đẩy mạnh mở cửa thị trường để các sản phẩm của Việt Nam có thể XK qua đường chính ngạch, đồng thời có nghiên cứu thị trường bài bản, xác định được nhu cầu và tín hiệu thực của thị trường Trung Quốc đối với từng mặt hàng, nhận diện các mặt hàng mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, từ đó tổ chức công tác sản xuất, chế biến theo hướng đảm bảo các sản phẩm XK đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng và vệ sinh ATTP.
(Nguồn: báo Lao động)