Apple ôm tham vọng biến “rác” thành iPhone tương lai

Apple vừa công bố một mục tiêu mới rất ấn tượng về việc chỉ sử dụng vật liệu tái chế để chế tạo các thiết bị của hãng, trong đó bao gồm cả những chiếc iPhone tương lai.

Báo cáo trách nhiệm môi trường năm 2017 của Apple đã đặt ra mục tiêu chỉ sử dụng các vật liệu tái chế trong các thiết bị của hãng, nhưng mục tiêu đó không phải có thể trở thành hiện thực trong một sớm một chiều hoặc dễ dàng gì.

Hiện nay, chỉ một phần nhỏ công nghệ được sử dụng trong iPhone có nguồn gốc từ nguyên liệu tái chế, nhưng công ty hy vọng sẽ sử dụng các vật liệu như nhôm, thiếc, đồng và các thành phần khác từng được sử dụng trước đây.

Phó Chủ tịch phụ trách về môi trường, chính sách và sáng kiến phục vụ cộng đồng của Apple – Lisa Jackson, nói với tờ Vice News rằng: “Chúng tôi thực sự đang làm những gì chúng tôi hiếm khi làm, đó là thông báo một mục tiêu trước khi chúng tôi đã hoàn toàn tìm ra cách để làm điều đó”.

Mục tiêu này sẽ không chỉ dành cho iPhone mà sẽ sử dụng vật liệu tái chế cho tất cả các sản phẩm khác bao gồm cả máy tính MacBoook, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad…

Website của Apple cho biết: “Đây là mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi nhiều năm hợp tác trong nhiều nhóm của Apple, các nhà cung cấp và các đại lý bán lẻ chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn đang tiến hành để hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Ví dụ về quy trình làm việc trong tương lai của chuỗi cung ứng Apple.
Ví dụ về quy trình làm việc trong tương lai của chuỗi cung ứng Apple.

Báo cáo cho thấy, “Nhà Táo” hy vọng sẽ làm việc với chuỗi cung ứng khép kín, có thể sử dụng các chương trình tái chế và robot như dự án Liam của Apple đã xác định các vật liệu tái sử dụng được.

Công ty cho biết, nhôm có thể được tái chế từ các sản phẩm của Apple trong quá khứ như iPhone 6 vì vật liệu này bền có thể được làm nóng và được sử dụng trong máy tính Mac.

Các vật liệu khác như thiếc thì phức tạp hơn để tái chế nhưng công ty đang cố gắng để tìm cách tái sử dụng loại vật liệu này hiệu quả hơn.

Tham vọng lớn

Apple cũng hy vọng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong tất cả các cơ sở của mình, bao gồm các cửa hàng và nhà máy – hiện đang tái sử dụng 96% cũng như khuyến khích chuỗi cung ứng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo và đảm bảo rằng, tất cả các sản phẩm được đóng gói trong giấy tái chế 100%.

Việc hạn chế các vật liệu mà công ty sử dụng sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như giúp công ty chống lại các vi phạm nhân quyền liên quan đến chuỗi cung ứng của họ.

Trước đây, Apple đã ngừng mua coban và đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ khi quá trình này được xác định có liên quan đến việc thuê lao động trẻ em bất hợp pháp ở Congo.

Tổ chức hòa bình xanh Greenpeace rất hoan nghênh quyết định chỉ sử dụng vật liệu tái chế của Apple nhưng cũng chỉ ra một số vấn đề khác mà Apple nên làm.

“Apple cũng phải kiểm soát nên thiết kế các sản phẩm như thế nào và nên làm gì để hướng đến việc sản xuất các sản phẩm dễ sửa chữa hơn và có tuổi thọ lâu hơn”, nhà phân tích CNTT cao cấp Gary Cook nói của Greenpeace chia sẻ với Vice News.

Các thiết bị của Apple rất khó sửa chữa và có lẽ Apple nên tạo ra iPhone dạng module như Fairphone 2. Đây là điện thoại được thiết kế module để có thể dễ dàng mở ra sửa chữa hoặc thay linh kiện mà không cần các công cụ đặc biệt.

B.H (Theo BGR)
XHTT