Không chỉ “dính đòn” bởi các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ từ các nước mà Việt Nam còn có những phi vụ bị kiện kèm Trung Quốc, hay còn gọi là kiện lẩn tránh thuế. Cứ khi nào Trung Quốc bị kiện là sau một thời gian Việt Nam bị kiện luôn.
Điều này ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất trong nước cũng như uy tín của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Vạ lây
Chỉ trong vòng 1 tuần, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã liên tiếp phát đi thông tin DN Mỹ đệ đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn hay còn gọi là thép mạ và sản phẩm thép cán nguội NK từ Việt Nam.
Nguyên nhân của 2 vụ việc này đều xuất phát từ thực tế Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sản phẩm thép Trung Quốc. Cụ thể, sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế, lượng XK của Trung Quốc đối với 2 sản phẩm này sang Mỹ giảm đi rõ rệt, tuy nhiên lượng XK sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến. Chính vì thế, các nguyên đơn yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng NK sản phẩm thép mạ, thép cán nguội từ Việt Nam và yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm từ Trung Quốc.
Tất nhiên, theo quy định của Mỹ, để bổ sung sản phẩm của nước thứ 3 vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế), DOC cần phải xem xét các yếu tố như: Sản phẩm NK từ một nước thứ ba thuộc cùng loại với sản phẩm bị áp thuế; trước khi NK vào Mỹ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế; quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ ba là “nhỏ hoặc không đáng kể”; trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế “chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm được XK sang Hoa Kỳ”; DOC quyết định rằng việc điều tra là cần thiết để tránh việc lẩn tránh.
Ngoài ra, DOC cũng sẽ xem xét các yếu tố: Xu hướng thương mại; liệu nhà sản xuất/XK nguyên liệu đầu vào có liên kết với bên ở nước thứ 3 là bên sử dụng các nguyên liệu này để gia công/hoàn thiện sản phẩm NK vào Mỹ hay không và liệu nước bị áp thuế có tăng XK nguyên liệu đầu vào sang nước thứ 3 sau khi DOC khởi xướng điều tra và áp thuế hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị cáo buộc lẩn tránh thuế. Hồi tháng 7, Thương vụ Việt Nam tại Pháp dẫn thông tin từ Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, Hải quan Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ba Lan trong thời gian qua ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn NK từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại. OLAF nghi ngờ khả năng có DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để DN Việt Nam XK sang EU dùng C/O Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá. Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAF sẽ kiến nghị Hải quan các nước NK truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc. Vài năm trước, một số mặt hàng như gỗ, nhựa, đá granite cũng đã từng bị các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ kiện lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Ngăn chặn từ khâu cấp phép
Với 2 sản phẩm thép nói trên, đây mới chỉ là cáo buộc của DN Mỹ. Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 22-10-2016 đối với sản phẩm thép mạ và ngày 10-11-2016 đối với thép cán nguội) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, các vụ lẩn tránh thuế khó dự đoán trước bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện cơ quan này đã thông báo đến Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN, kiểm tra thông tin từ cơ quan Hải quan để xem tình hình XK, tình hình cấp C/O cho DN.
Sự chuẩn bị này là cần thiết bởi việc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin, sổ sách là điều tối quan trọng để có thể chiến thắng trong bất kỳ vụ việc nào. Bởi trên thực tế từ những vụ việc đã từng xảy ra cho thấy, có trường hợp Việt Nam bị áp thuế và cũng có trường hợp “thoát án” kiện. Đáng chú ý hơn, các vụ điều tra lẩn tránh thuế đều có một điểm chung là hầu như các vụ việc đều liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc. Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cứ Trung Quốc bị kiện là sau một thời gian Việt Nam bị kiện luôn. Bởi lẽ, khi Trung Quốc bị áp thuế sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam XK sang thị trường đó. Vì thế, sau khi bị kiện, các nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để sản xuất, tránh bị áp thuế chống bán phá giá.
Thành lập DN mới hoặc chuyển nhà máy sang Việt Nam để sản xuất nhưng đến khi bị kiện thì các nhà đầu tư này lại chọn cách không hợp tác hoặc “cao chạy xa bay” dẫn tới các phán quyết cuối cùng gây bất lợi cho cả ngành sản xuất của Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là một hình thức gian lận thương mại của công ty nước ngoài khi bị các thị trường đánh thuế chống bán phá giá cao, đồng thời là hiện tượng biến tướng của nhà đầu tư nước ngoài. Có trường hợp, DN trong nước lại tiếp tay cho các DN nước ngoài khi NK hàng hóa, đóng gói và sau đó xin giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam rồi XK. Việc làm này ảnh hưởng khá lớn đến hàng Việt Nam khi XK, DN làm ăn chân chính.
Trong tương lai những vụ việc điều tra về lẩn tránh thuế chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều hơn bởi kèm theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang ký kết có ưu đãi thuế quan thì rào cản thương mại sẽ “mọc lên” càng nhiều. Để tránh những vụ “liên đới” này, theo bà Hương, DN trước tiên cần phải làm đúng, nâng cao nhận thức để tránh bị DN nước ngoài lợi dụng.
Về mặt quản lý, bà Hương cho biết, Hội đồng tư vấn cảnh báo và ngăn chặn thương mại qua chứng nhận xuất xứ (C/O) thuộc VCCI đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành như Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Hải quan. Hội đồng này thường xuyên họp và đưa ra cảnh báo những mặt hàng có nguy cơ, nằm trong diện tình nghi, từ đó giúp cơ quan cấp phép ban đầu là Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cảnh báo, sàng lọc DN. Vì thế, khâu cấp phép đầu tư cần được quan tâm và siết chặt hơn nữa để tránh những hiện tượng gian lận thương mại.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong vụ điều tra lẩn tránh thuế mặt hàng gỗ dán (Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng), ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, quy trình của một cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá thường có lộ trình như sau:
Đầu tiên, chúng ta phải nắm được thông tin DN Việt Nam đang bị kiện bởi quyết định của bên khởi xướng điều tra chỉ đưa ra mặt hàng chung chung. Sau đó, Hiệp hội phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT họp bàn mời DN đến thông báo. Nếu DN chưa có đầy đủ, hồ sơ, giấy tờ thì phải hướng dẫn họ về những nội dung mua hàng ở đâu, xuất xứ thế nào, sổ sách ra sao… Bước thứ ba là phải nghiên cứu kỹ nội dung, hồ sơ, sổ sách để có thể giải trình. Với những vụ việc phức tạp, còn phải mời luật sư tham gia. Cuối cùng, phải mời đối tác đến Việt Nam để thương thảo. “Những vụ điều tra lẩn tránh thuế rất kỳ công, đòi hỏi DN cũng như cơ quan quản lý sát sao bởi vụ việc có thời hạn, nếu giải trình không đầy đủ rất dễ bị thua. Chúng tôi đã phải mất 6 tháng mới giải quyết được việc này. Trong tương lai, những vụ kiện lẩn tránh thuế là xu hướng không tránh khỏi bởi nhiều DN chưa hiểu luật pháp quốc tế. Điều quan trọng là thu thập thông tin, hồ sơ, có lý lẽ chứng minh thì mới mong thắng kiện”, ông Quyền nêu quan điểm. |