Phát triển vận tải đường bộ qua biên giới giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang có nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ để có thể tăng cường kết nối hệ thống giao thông trong nước với các tuyến vận tải đường bộ quốc tế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền, Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý để tham gia thị trường vận tải liên vận quốc tế và hoạt động kinh doanh dịch vụ quá cảnh. Thực tế này đã tạo ra nhiều rào cản kết nối vận tải quốc tế, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.
Bà Hiền lý giải, mặc dù Việt Nam và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… đã có nhiều thỏa thuận về tạo điều kiện cho vận tải đường bộ nhưng do có sự khác biệt về hệ thống văn bản quy định pháp luật nên kết nối trong lĩnh vực giao thông vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều hiệp định về vận tải qua biên giới đã được thông qua, nhưng cũng chỉ cấp hạn chế cho một số lượng phương tiện nhất định, gây khó khăn cho việc kết nối chuỗi dịch vụ logistics, cản trở rất lớn với kết nối vận tải quốc tế.
Quốc lộ 22B đường xuyên Á nối huyện Gò Dầu và cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tây Ninh) đang xuống cấp. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN |
Theo thống kê, trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 7 cửa khẩu quốc tế và 17 cửa khẩu chính. Biên giới Việt Nam – Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính. Biên giới Việt Nam – Campuchia có 10 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính. Về cơ sở pháp lý cho vận tải qua biên giới bằng đường bộ, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định như: Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam – Trung Quốc; Việt Nam – Campuchia và Việt Nam – Lào nhưng số lượt phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu trên còn rất hạn chế. Riêng năm 2015 chỉ đạt 922.000 lượt phương tiện.
Các chuyên gia giao thông cho rằng: Các hiệp định vận tải đường bộ ký kết đã tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch phát triển, giảm chi phí, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Song, vận tải đường bộ hiện nay khó cạnh tranh được với vận tải đa phương thức bằng đường biển, hàng không… Bên cạnh đó, các cửa khẩu chính tuyến giữa Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, hiện trạng giao thông chưa hoàn thiện, đồng bộ cũng làm giảm hiệu quả của vận tải qua biên giới bằng đường bộ.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thừa nhận: Hiện nay dù đã ký các hiệp định chung nhưng nhiều quy định của các nước không thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động vận tải đa biên như: Vấn đề xe tay lái nghịch, bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới… cộng với kết cấu hạ tầng giao thông tại các cửa khẩu biên giới còn hạn chế, thiếu kho bãi, thủ tục ra vào lâu… Đơn cử, như ở cửa khẩu Mộc Bài – Bà Vẹt, vào giờ cao điểm có tới 400 – 500 lượt xe đi qua, nhưng đường sá không đáp ứng được, thủ tục thông quan giữa Việt Nam – Campuchia mất nhiều thời gian, nên vào thời vụ đông xe rất khó khăn… Ở khía cạnh khác, ông Tương phân tích: Thái Lan có những chính sách thông thoáng, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm vận tải liên vận quốc tế, vừa thu hút các doanh nghiệp Lào thông thương, khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được…
Giảm thời gian thông quan
Trả lời vấn đề này, theo ông Nguyễn Tương, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và chính sách phát triển vận tải qua biên giới, nhất là cho các hành lang vận tải, bởi đây là một lợi thế của Việt Nam so với đường biển và hàng không. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển vận tải qua biên giới về hàng quá cảnh, nhằm thu hút nguồn hàng từ Campuchia, Lào, đặc biệt là hàng vận tải container.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT), hiện nay, Hiệp định vận tải đường bộ song phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiến triển rất chậm. Hiện nay, nước ta chi có số ít doanh nghiệp vận tải được cấp phép lưu thông vận chuyển hàng hóa đường bộ quốc tế trên lãnh thổ các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Để tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải, các nước ASEAN cần áp dụng hệ thống thẻ xanh (thẻ chứng nhận đến nước thứ ba), đẩy mạnh cơ chế kiểm tra một cửa, một lần dừng để giảm các thủ tục và thời gian thông quan. Đây là mô hình đang được áp dụng tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào. Nhờ áp dụng cơ chế này, thời gian thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) – Dansavanh (Lào) đã giảm từ 1 giờ 30 phút trước đây xuống còn có 15 phút đối với xe tải như hiện nay.
“Việt Nam có lợi thế là vị trí nằm trên đường vận chuyển của các tuyến đường bộ quốc tế, vận tải xuyên biên giới càng có vai trò đặc biệt. Do đó, việc cụ thể hóa các hiệp định phát triển vận tải xuyên biên giới đã ký cần được các bộ ngành hữu quan tăng cường thực thi”, ông Nguyễn Văn Thạch nhấn mạnh.