(HQ Online)- Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thu Hương (ảnh), Trưởng bộ môn Vận tải, Trường Đại học Ngoại thương về những vấn đề của dịch vụ logistics, một yếu tố quan trọng tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa XK Việt Nam.
Bà đánh giá như thế nào về năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics ở Việt Nam?
Đây là một câu hỏi lớn nhưng cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. Chúng ta vẫn cứ nói rằng năng lực cạnh tranh thấp, nhưng thấp như thế nào thì chưa có số liệu cụ thể. 5 năm trở lại đây, mới có nghiên cứu chính thức của Ngân hàng thế giới (WB) nhưng cũng mới chỉ nói đến năng lực logistics quốc gia. Theo đánh giá của WB, trong các năm 2007, 2008, 2010, 2012, thứ hạng của Việt Nam luôn ở vị trí 53 nhưng đến năm 2014 thứ hạng này đã tăng lên 48. Điều đó nói rằng, năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam đã tăng lên tuy nhiên dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn còn thua kém các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines…
Năng lực cạnh tranh của ngành logistics còn nhiều hạn chế ảnh hưởng như thế nào đến các chủ hàng Việt Nam, thưa bà?
Đây là mối quan hệ trực tiếp, hữu cơ giữa dịch vụ logistics, vận tải với hàng hóa XNK nói riêng và hàng hóa nói chung. Khi dịch vụ logisitcs, vận tải, giao nhận, hải quan… mà tốt thì chi phí hàng hóa giảm xuống, đương nhiên giá cả hàng hóa giảm và DN có khả năng cạnh tranh tốt hơn với DN nước ngoài. Rõ ràng, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa thì chúng ta phải tìm cách làm cho ngành logistics tốt hơn. Trên thế giới, các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Singapore… hệ thống logistics rất tốt nên hàng hóa của họ có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Thêm nữa, ngành logistics phát triển tốt cũng là nguồn thu lớn cho đất nước. Ví dụ như Singapore, dịch vụ vận tải biển, hàng không tốt giúp cho Singapore là điểm trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Nguyên nhân thì rất nhiều bởi dịch vụ logistics ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật, DN cung cấp dịch vụ logistics… Nếu những yếu tố này phát triển thì chúng ta sẽ có ngành dịch vụ logistics phát triển.
Hiện nay, hạn chế lớn nhất đối với các DN cung cấp dịch vụ logistics, đồng thời cũng là hạn chế của các DN Việt Nam là do DN chủ yếu là DN vừa và nhỏ, không có DN lớn. Vì thế vốn đầu tư vào các hoạt động logistics sẽ rất hạn chế. Có thể thấy, một trong những chìa khóa thành công của DN cung cấp dịch vụ logistics là có tiền đầu tư vào hệ thống thông tin trong khi đây là hạn chế của các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Không có vốn, có tiền thì đương nhiên DN không thể có được chi nhánh ở các nước, mà đối với với DN cung cấp dịch vụ logistics đây là điều quan trọng khi có được mạng lưới chi nhánh rộng khắp trên thế giới. Giả sử, DN chủ hàng có một khách hàng muốn giao hàng tận Tây Ban Nha nhưng DN logistics Việt Nam lại không biết ai ở Tây Ban Nha, cũng không có chi nhánh ở Tây Ban Nha. Như vậy, DN logistics này đã mất đi một cơ hội và phía DN có hàng hóa buộc phải lựa chọn một DN logistics khác có chi nhánh ở Tây Ban Nha.
Đến nay trên thị trường có 3 DN tư nhân về logistics tương đối lớn đã bắt đầu mở chi nhánh ở các nước nhưng bước đầu mới làm tại các nước trong khu vực. Đây là bước tiến tốt của DN tư nhân
Theo bà, để phát triển ngành logistics, Việt Nam cần có những biện pháp gì?
Đã có rất nhiều ý kiến đề cập đến giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics song những biện pháp được đề cập đến mới chỉ là giải pháp chung chung như cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN logistics… Điều này hoàn toàn ai cũng biết nhưng làm thế nào thì không ai chỉ ra được, bản thân DN cũng loay hoay. Trong bối cảnh không biết bắt đầu từ đâu như vậy, tôi cho rằng, Nhà nước nên bắt đầu bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Ví dụ, tính liên kết của DN ngoài ngành rất kém. DN logistics làm sao liên kết với DN XNK thì sẽ giúp được nhau rất nhiều.
Bài học dễ nhìn thấy nhất là các DN Nhật Bản, Hàn Quốc khi đầu tư ra nước ngoài đã có sự liên kết rất chặt, bao giờ cũng có DN logistics đi kèm với DN đó (Samsung đầu tư vào Việt Nam hay bất kỳ nước nào đều có công ty logistics đi theo hỗ trợ cho DN sản xuất). Việt Nam có làm được điều này thì mới có thể hỗ trợ nhau tạo thành liên minh khiến cho DN nước ngoài không thể vào được. Tuy nhiên, liên kết như thế nào lại là câu chuyện khác. Bản thân tôi đã từng tiếp xúc với nhiều DN và họ cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, DN logistics nên bắt đầu trước hay DN XNK?
Ngoài ra, nếu liên kết được thì DN XNK có thể nhờ DN logistics nghiên cứu thị trường hộ mình, bởi nhiều DN Việt Nam chỉ biết sản xuất hàng hóa còn nghiên cứu thị trường, XK ra sao, tiêu chuẩn chất lượng như thế nào thì không hề biết. Trong khi đó, DN logistics chuyên sâu trong các lĩnh vực nói trên, có lợi thế tìm thị trường, tìm hiểu các thông tin thị trường.
Liệu rằng Nhà nước thông qua các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội có thể tạo ra liên kết đó hay không? Theo tôi đánh giá, chúng ta có thể làm 1, 2 trường hợp điển hình, sau đó khi liên kết tốt tạo ra tính lan tỏa cho các DN khác có thể biết. Khi đó, Nhà nước có thể rút dần vai trò của mình. Ở thời điểm hiện tại, đây là giải pháp chúng ta nên tập trung.
Lâu nay DN đều kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì Nhà nước sẽ không thể can thiệp sâu. Bà có thể nói rõ hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước với DN?
Đúng vậy! Nếu ai cũng kêu Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ thì không có sức. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ cần quan tâm một chút tới dịch vụ được coi là “đòn bẩy” hỗ trợ các ngành khác phát triển. Sự hỗ trợ ở đây là có cơ chế thông thoáng chứ không phải đầu tư tiền bạc cho DN. Theo đó, Nhà nước làm trung gian kết nối DN XNK với DN logistics, có thể giao cho Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ khuyến khích DN tham gia. Cái đó là điều DN sẽ quan tâm hơn rất nhiều còn nếu chỉ “hô khẩu hiệu” thì DN cũng không biết làm thế nào.
Xin cảm ơn bà!