Không chỉ chú trọng phát triển hạ tầng và kỹ thuật, ngành đường sắt Nhật Bản cũng rất biết “lấy lòng” người dân.
Trong khi ngành đường sắt nhiều nơi trên thế giới đang bị áp đảo và thu hẹp thị phần bởi sự bành trướng của hàng không, cao tốc đường bộ,… thì Nhật Bản đang toan tính đưa vào loại tàu siêu cao tốc còn nhanh hơn cả máy bay!
Vậy do đâu Nhật Bản luôn đứng top đầu thế giới về công nghệ ngành đường sắt?
Chính phủ Nhật coi đường sắt là công cụ ngoại giao
Có thể nói: Sau hoa anh đào và sushi đó chính là hệ thống đường sắt đặc trưng cho đất nước mặt trời mọc.
Mỗi lần ông Shinzo Abe tiếp đoàn ngoại giao cấp cao đều không quên giới thiệu về công nghệ và thành tựu của ngành đường sắt cao tốc nước nhà. Đó không hẳn là chiêu marketing mà còn là ẩn ý về việc xây dựng một “hành lang” sắt trên thế giới.
Mỗi khi nghe tin Nhật cam kết dành mức ODA cao nhất cho Việt Nam, Ấn Độ hay Thái Lan,… thì tiếp sau đó đều là những dự án xây dựng đường sắt do chủ thầu Nhật Bản đảm nhiệm.
Đông Nam Á là vùng chiến lược của Nhật Bản khi hầu hết hệ thống đường sắt đã quá cũ kỹ và cần phải xây mới chứ không thể còn tu bổ. Việc đặt những thanh sắt vào đất nước này giống như xây dựng được “một hành lang, một tuyến đường” theo đúng kích cỡ của Nhật và chỉ Nhật có thể cung cấp những sản phẩm dịch vụ đi kèm phù hợp.
Có thể nói, trước cuộc cạnh tranh của Trung Quốc thì việc nhanh chân tiếp cận với thị trường nước ngoài để tăng nguồn thu nhập và ảnh hưởng của nước Nhật là điều rất quan trọng.
Thuyết Thoát Á Luận: Đường sắt Nhật Bản sẽ vươn tới mọi nẻo thế giới
Ngành đường sắt của Nhật ra đời từ những năm 1872 và bước đầu đã thay đổi bộ mặt giao thông của nước này. Nhận thấy những chuyến tàu này sẽ trở thành phương tiện kết nối nước Nhật với thế giới nên năm 1885, học giả Fukuzawa Yukichi đã viết Thoát Á Luận đại ý có nói đến việc thông qua các phương tiện giao thông Nhật Bản mà người phương Đông và phương Tây có thể trao đổi nền văn minh với nhau.
Từ đó, hình ảnh những con tàu cao tốc mà tiêu biểu như Shinkansen trở thành một biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và sức ảnh hưởng của trí tuệ Nhật.
Ngày 01/10/1964 khi đoàn tàu Shinkansen khởi hành từ ga Tokyo đến Osaka dài 600km, hàng nghìn người từ quan chức chính phủ tới người dân đều nín thở chờ tàu kéo còi lăn những bước đầu tiên.
Đến nay thời gian di chuyển giữa hai ga chính này đã được rút ngắn từ 7 tiếng còn 2 tiếng và dự đoán chỉ còn 1 tiếng vào năm 2027.
Dù vận tốc tàu Shinkasen chưa thể sánh với máy bay, nhưng người Nhật vẫn không ngừng nghiên cứu để cải tiến loại tàu này.
Gần đây, viện nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp đường Sắt và JR Tokai đã cho ra đời Linear Shinkansen như một “phi thuyền ánh sáng” sử dụng nguyên lý Maglev (đệm từ trường) có thể đạt tốc độ 700km/h vào năm 2027.
Điều đáng nói ở đây, công nghệ Maglev được người Đức phát minh và giữ bằng sáng chế nhưng chính người Đức cũng chưa sở hữu con tàu nào như thế. Người Nhật chỉ là học trò nhưng lại tỏ ra xuất sắc và táo bạo hơn người Đức.
Và nếu tàu Linear Shinkansen được đưa vào sử dụng, nó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến ngành hàng không và cao tốc đường bộ khi vận tốc của nó còn vượt cả vận tốc trung trình của máy bay.
Và người Nhật đang gọi nó là “cá mập lướt sóng”!
Chữ tín hiếm thấy
Không chỉ chú trọng phát triển hạ tầng và kỹ thuật, ngành đường sắt Nhật Bản cũng rất biết “lấy lòng” người dân.
Cùng đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình giao thông khác, nếu các nước đều sẵn sàng hủy chuyến hoặc tạm ngưng hoạt động để tránh bù lỗ thì người Nhật lại sẵn sàng “ba năm chỉ phục vụ một hành khách” hoặc “cử một đoàn tàu đón hai vị khách tận quãng đường xa xôi”,…
Những câu chuyện cảm động hay tưởng chừng như phi lý lại luôn diễn ra ngoài đời thực, dù có gánh thêm một khoản phí không nhỏ để vận hành thì người Nhật cũng không bao giờ bỏ mặc những vị khách của mình bị muộn học hoặc bơ vơ ngoài đường.
Trong kinh doanh, chữ tín đi liền chữ tâm sẽ khiến thương hiệu không bao giờ mất đi những người khách trung thành nhất. Và nếu đường sắt Nhật Bản cứ giữ gìn được hình ảnh đẹp, chắc chắc những con tàu Made in Japan sẽ sớm xuôi ngược trên mọi nẻo đường thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ