Để giành lại thị phần giày dép trên sân nhà

“Quan điểm chú trọng xuất khẩu , bỏ ngỏ thị trường trong nước của nhiều doanh nghiệp (DN) ngành da giày đã thay đổi”. Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) nhận định.

1-w620h405f1c1-files-articles-2016-1097626-thi-truong-giay-dep-doanhnhansaigon-1464831037741-crop-1464831099331

* Phải chăng, một trong những nguyên nhân khiến thị phần nội địa của ngành giày dép teo tóp là do quá tập trung vào mục tiêu xuất khẩu?

– Việt Nam có mức tiêu thụ giày dép khoảng 180 triệu đôi/năm, trung bình 2 đôi/người/năm, nhưng đến nay, 50% các loại giày dép trên thị trường đến từ nguồn nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc, Thái Lan.

Cả nước đang có khoảng 800 DN hoạt động trong ngành giày dép, hầu hết là DN nhỏ. Thị phần trong nước không lớn, các DN chưa có kỹ năng nghiên cứu, đánh giá thị trường một cách chuyên nghiệp nên việc đầu tư sản xuất cho thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được thương hiệu nổi tiếng.

Bên cạnh đó, việc “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là một yếu tố làm cho dày dép trong nước sản xuất không được dùng nhiều. Tất nhiên có những lý do khách quan, chẳng hạn ở phân khúc bình dân, giày dép Thái Lan chiếm trọn “tình cảm” người tiêu dùng Việt Nam bởi mẫu mã phong phú, chất lượng đảm bảo.

Các DN Thái đã tận dụng thế mạnh của một nền công nghiệp giày dép để giành thị phần tại Việt Nam. Đặc biệt, để đón đầu Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các DN Thái Lan đã ráo riết đưa các loại giày dép của họ vào Việt Nam, khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường nội địa càng khốc liệt hơn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO)

* Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cho là đã góp phần thay đổi quan niệm của cả DN và người tiêu dùng. Bà đánh giá điều ấy thế nào?

– Ưu tiên sử dụng hàng Việt đã gắn kết DN với khách hàng, trở thành động lực thúc đẩy DN chú trọng hơn trong việc đầu tư vào thị trường trong nước, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã phong phú. Hơn nữa, khi xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa giúp DN cân bằng được doanh thu.

Các DN xuất khẩu trước đây như Giày Bitis, Tuấn Việt, Thượng Đình nay đã dành một phần sản phẩm cho thị trường trong nước. Việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm hay những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn cũng như các chiến dịch quảng bá sản phẩm đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu cho các DN trên thị trường nội địa.

* Theo bà, có giải pháp nào hiệu quả lâu dài để giành lại thị phần trên “sân nhà” của DN da giày trong nước?

– Chi phí hợp lý luôn được quan tâm. Các DN ngành da giày cần Nhà nước hỗ trợ những chương trình mang tính dài hơi để quảng bá, xây dựng thương hiệu, xây dựng mạng lưới phân phối. Các chương trình “Ưu tiên dùng hàng Việt” như đưa hàng về nông thôn lâu nay mới chỉ tập trung trong một thời gian nhất định, chưa để lại nhiều dấu ấn về giày dép Việt Nam trong lòng người tiêu dùng.

Sự kết nối giữa DN sản xuất và DN thương mại địa phương để tạo ra các kho, trạm trung chuyển là hết sức cần thiết vì giảm được chi phí vận chuyển – một trong những vấn đề DN phải tính đến khi đưa hàng về nông thôn. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, lợi thế cạnh tranh cho DN mà còn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý.

Hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu và giày dép. Mục tiêu của ngành da giày là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 23 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện nay, ngành da giày tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, phấn đấu trong năm nay sẽ đạt mức nội địa hóa 65 – 75%. Muốn làm được điều này, việc cấp bách là Nhà nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để DN Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

* Cám ơn bà!

DNSG