Nếu Donald Trump trở thành tổng thống, đây có thể là thảm họa cho Hiệp định TPP

Tổng thống Barack Obama đã dùng một phần trong chuyến công du Châu Á của mình nhằm “quáng bá” cho hiệp định TPP, một di sản mà cả 2 ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều không ủng hộ.

Nếu Donald Trump trở thành tổng thống, đây có thể là thảm họa cho Hiệp định TPP

Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ và 11 nước thành viên đang trở thành tâm điểm cho cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như trở thành mục tiêu chỉ trích tượng trưng cho các thỏa thuận tự do thương mại.

Trong chuyến thăm Việt Nam, tổng thống Obama cho biết khi một thỏa thuận thương mại tự do bao gồm nhiều bên thì các điều khoản sẽ được xem xét rất kỹ lưỡng. Những bên liên quan sẽ phải tranh luận để ra kết quả cuối cùng. Đặc biệt trong thời kỳ bầu cử, một số ứng cử viên sẽ cố gắng thu hút cử tri nhờ những quan điểm trái chiều về thỏa thuận này.

Hiệp định TPP sẽ nới lỏng và dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại giữa Mỹ với các quốc gia thành viên khác. Những dự thảo đàm phán đầu tiên về bản hiệp định này xuất hiện từ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush nhưng các bên đã phải tốn gần một thập kỷ để 12 nước cùng ký vào bản hiệp định này vào đầu năm 2016.

Hiện hiệp định TPP cần được nghị viện các nước thành viên thông qua trước năm 2018 để có thể có hiệu lực.


Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam

Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam

Thỏa thuận TPP là một phần trong chiến lược xoay trục Châu Á của chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Obama.

“Tôi vẫn tin tưởng rằng chúng ta sẽ hoàn thành hiệp định TPP bởi vì đây là một điều đúng đắn. Hiệp định này là một điều tốt đẹp cho các nước thành viên, cho nước Mỹ, cho khu vực và cho toàn thế giới”, Tổng thống Obama nói.

Ông Trump: Chả ai thèm quan tâm

Mặc dù vậy, những ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 lại không đồng ý như vậy.

Tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Hillary Clinton trong Đảng Dân chủ đều dành phần lớn thời gian thuyết phục cử tri rằng hiệp định TPP chẳng tốt đẹp gì.

Riêng đối với bà Clinton, người đã góp phần thúc đẩy thỏa thuận TPP khi còn làm Ngoại trưởng, hiện cũng đã phản đối các điều khoản hiện tại của hiệp định TPP.

Hiện hầu hết các ứng cử viên và chính trị gia tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng đều chỉ trích hiệp định TPP cũng như tự do thương mại.


Ứng cử viên Donald Trump

Ứng cử viên Donald Trump

Trong một bài phát biểu tại bang New Jersey vào cuối tuần trước, ứng cử viên Trump thậm chí đã gọi thỏa thuận TPP và hiệp định NAFTA đã ký trước đó là điều “kinh tởm, tồi tệ nhất trong đàm phán bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

“Những kẻ ngu ngốc ngoài kia nói rằng ‘Ồ, sẽ có một cuộc chiến thương mại nếu chúng ta không làm thế’. Một cuộc chiến thương mại ư? Chúng ta đang thâm hụt thương mại 500 tỷ USD với Trung Quốc và liệu có ai thèm quan tâm xem chúng ta sẽ có một cuộc chiến thương mại hay không?”, ông Trump nói.

Tổng thống Obama: Tôi tin

Ông Tony Fratto, cực cố vấn dưới thời Tổng thống George W.Bush cho biết mình không lạ gì với luận điệu phản đối tự do thương mại trong các kỳ tranh cử, nhưng theo ông nó chẳng hề quan trọng bởi ông vẫn tin rằng cuối cùng hiệp định TPP sẽ được phê chuẩn.

“Có rất nhiều ững cử viên phản đối các hiệp định thương mại, nhưng chưa bao giờ có Tổng thống Mỹ nào phản đối tự do thương mại. Trong thời kỳ hậu chiến tranh, hầu như không có nhà lãnh đạo nào phản đối việc tự do thương mại, kể cả khi họ đã từng có luận điệu như vậy khi còn là ứng cử viên tranh cử”, ông Fratto nói.


Ông Tony Fratto

Ông Tony Fratto

Theo ông Fratto, Tổng thống Mỹ sẽ phải xem xét các hiệp định thương mại dựa trên các quan điểm về kinh tế, an ninh quốc gia và ngoại giao nhằm đem đến những lợi ích tốt nhất cho người dân.

Hiện nay, hầu hết các cử tri bị “dắt mũi” hướng tới thâm hụt thương mại với Trung Quốc mà không nhìn thấy tiềm năng của hiệp định TPP với các thị trường khác.

Vì vậy, ông Fratto cho rằng cách tốt nhất để thuyết phục nghị viện cũng như người dân Mỹ hiện nay là chứng minh được tiềm năng và lợi ích của nước Mỹ khi hàng loạt các thị trường được mở cửa.

Mỹ là một thị trường khó tính và khó tiếp cận hơn so với nhiều nước thành viên TPP. Những tiêu chuẩn và quy định khắt khe phi thuế quan tại Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải lo lắng thay vì người dân Mỹ.

Dẫu vậy, những ứng cử viên như tỷ phú Trump lại hướng đến khía cạnh hiệp định TPP sẽ khiến các nhà máy chuyển ra nước ngoài và lấy mất công việc của người dân Mỹ. Rõ ràng, luận điểm này sẽ được sự đồng tình của phần lớn cử tri, nhưng để nói có chính xác hay không thì không chắc chắn.

Trên thực tế, việc người dân Mỹ bị mất việc làm, đặc biệt trong ngành sản xuất không liên quan nhiều đến tự do thương mại mà chủ yếu do tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Việc quản lý công việc hiệu quả và áp dụng các công nghệ mới khiến năng suất tăng lên là nguyên nhân chính khiến ngành sản xuất cần ngày càng ít công nhân, và điều đó sẽ chẳng thay đổi dù có TPP hay không.

Đây cũng là một trong các luận điểm của Tổng thống Obama khi ông có bài phát biểu tại Nghị viện hồi đầu năm nay, nhưng có lẽ những lập luận này bị các chính trị gia vô tình hay cố ý bỏ qua vì lợi ích riêng.

“Tôi chưa hề thấy một cuộc tranh luận có lý nào về việc nếu chúng ta thông qua TPP thì nước Mỹ sẽ chịu thiệt. Trên thực tế, chúng ta sẽ được hưởng lợi, những người công nhân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng lợi nếu hiệp định này được thông qua. Và tôi tin rằng hiệp định này sẽ được thông qua”, Tổng thống Obama nói.

Theo Trí Thức Trẻ