Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ASEAN + 6 là thị trường hấp dẫn nhất thế giới, với dân số 3,4 tỷ người, tổng thu nhập bình quân đầu người là 21.000 tỷ USD, chiếm 29% thương mại thế giới.
Việc quản lý chuỗi cung ứng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nhưng mức độ hội nhập vẫn còn thấp hơn Thái Lan khi vị trí của Việt Nam trên bản đồ logistics là 48, Thái Lan là 35, Singapore đứng vị trí thứ 5.
Chi phí logistics chiếm 20,9% trong GDP của Việt Nam, so với Singapore chi phí logistics chỉ chiếm 10% GDP.
Theo số liệu của World Bank thì quy mô GDP của Việt Nam năm 2015 trên 186 tỷ USD, như vậy chi phí logistics tương đương 41 tỷ USD, trong đó, chi phí logistics trong ngành chăn nuôi rất cao, chiếm tới 30%.
Để khai thác miếng bánh logistics màu mỡ này, theo ông Đỗ Xuân Quang cho rằng, Việt Nam cần cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phức tạp hơn, mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu mạnh hơn, đặc biệt là giải pháp logistics giá trị gia tăng.
Do đó, các doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác chẳng hạn như triển lãm quốc tế TILOG-LOGISTIX… giúp các doanh nghiệp tìm thấy các công nghệ và dịch vụ logistics… và khai phá thị trường logistics tiềm năng của ASEAN + 6 và gia tăng thị phần cho doanh nghiệp logistics Việt.
Hiện Việt Nam có 1.300 doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ logistics nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 10% là doanh nghiệp FDI nhưng chiếm tới 80% thị phần dịch vụ logistics. Do đó, việc khai thác dịch vụ hậu cần logistics hiện nay các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang hưởng lợi rất nhiều.
Trí thức trẻ/CafeF