Cảng container quốc tế Hải Phòng mở ra nhiều cơ hội giao thương hàng hải quốc tế, thu hút đầu tư

Cùng với sân bay Quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (đã đi vào hoạt động), việc xây dựng Cảng container quốc tế Hải Phòng (dự kiến sẽ khai thác vào năm 2018) càng làm phong phú thêm các loại hình giao thương có tầm cỡ giữa Hải Phòng với các khu vực khác trong nước và thế giới, mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, đưa kinh tế-xã hội của thành phố Cảng ngày một phát triển, xứng tầm là một cực kinh tế trọng điểm của phía Bắc…

Với năng lực tài chính của Tân cảng Sài Gòn cộng với những thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm của đối tác Nhật Bản, Dự án Cảng container đang được thi công đầy chất lượng, hứa hẹn đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật đặt ra cũng như hiệu quả khai thác sau này. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công các hạng mục đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, việc san lấp và giải phóng mặt bằng phục vụ dự án được thực hiện trôi chảy, không phát sinh khiếu kiện-đây là sự nỗ lực không nhỏ của địa phương nơi có dự án là huyện Cát Hải.

Cảng container quốc tế Hải Phòng
Khởi công cảng container quốc tế Hải Phòng

Với việc đầu tư phát triển cảng tại Hải Phòng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã cho thấy được tiềm lực tài chính cũng như sự nhạy bén khi chọn Lạch Huyện để xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh với hệ thống kết nối 20 cơ sở cảng, ICD (cảng cạn/cảng khô/cảng nội địa) trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, trong những năm qua, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có thế mạnh trong khai thác cảng biển, phát triển cung ứng dịch vụ logistics, vận tải nội địa và tham gia các loại hình kinh tế biển. Doanh nghiệp này cũng đã khẳng định vị trí của nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 29 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới (năm 2015, sản lượng hàng hóa container thông qua các cảng thuộc Tân cảng đạt 5,4 triệu TEU, chiếm gần 50% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước).

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành trong bài phát biểu của mình tại Lễ khởi công xây dựng Cảng container quốc tế Hải Phòng (hồi giữa tháng 5/2016) đã khẳng định, từ lâu, hệ thống cảng biển tại Hải Phòng là bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng của thành phố, tác động lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Và việc Cảng container quốc tế Hải Phòng được triển khai xây dựng càng có ý nghĩa lớn, tạo nhiều cơ hội để Hải Phòng phát triển mạnh hơn dịch vụ cảng biển, thực sự trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế.

Từ đó Hải Phòng mở rộng quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa với các tỉnh thành trong cả nước, tăng hiệu quả xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo sức bật mới cho kinh tế thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực phía Bắc và cả nước.

Còn theo thiếu tướng Nguyễn Đăng Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thì với 2 bến container có chiều dài 750m, 40 ha bãi, tổng mức đầu tư là 321 triệu USD, sau khoảng 2 năm nữa khi đi vào hoạt động, Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) sẽ trở thành cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải 10 vạn DWT hoạt động trên tuyến vận tải biển đường xa, không những phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực phía Bắc mà còn là điểm kết nối quan trọng với cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế tại Cái Mép – Thị Vải, cho phép đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi thẳng tới thị trường Châu Âu, châu Mỹ mà không phải qua các cảng trung chuyển như Hongkong, Singapore.

Bên cạnh đó sẽ tạo động lực phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics tại cửa ngõ Lạch Huyện, Cát Hải góp phần thu hút lượng hàng hóa quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông-Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
Được biết, năm 2013, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được Chính phủ giao thay thế Vinaline làm chủ đầu tư, tham gia liên doanh với đối tác Nhật Bản MOLNYKIT đầu tư xây dựng hai bến khởi động Hợp phần B-dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chính là cơ hội lớn phát triển hệ thống cảng nước sâu, phù hợp với chiến lược phát triển ra phía Bắc, tạo điểm kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tân cảng. Dự án này là biểu trưng cho mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và là dự án thí điểm thực hiện theo hình thức liên kết công-tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam. Điều này đã được Tân cảng và phía đối tác MOLNYKIT đã tích cực làm việc với các bên liên quan của hai nước, hai chính phủ để triển khai thực hiện dự án, như: điều chỉnh hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh; kêu gọi các hãng tàu tham gia hợp tác đầu tư và xây dựng lại dự án phù hợp với quy hoạch trước mắt, tầm nhìn đến 2020 và những năm tiếp theo theo định hướng của Bộ GTVT, thành phố Hải Phòng…

Trung Nguyên

Tầm Nhìn