Cử nhân Harvard nảy ra ý tưởng kinh doanh từ nạn kẹt xe

Nạn tắc đường triền miên ở Jakarta cùng tâm sự của những người hành nghề xe ôm đã thôi thúc một chàng trai lập công ty vận tải và giao nhận.

go-jek-3-1464850016506

Go-Jek hợp tác với khoảng 200.000 người hành nghề xe ôm ở Jakarta. Nhiều người trong số họ là phụ nữ. Khách hàng có thể dùng ứng dụng trên điện thoại di động để gọi xe ôm hay giao hàng. Ảnh: BBC.

“Sự bùng nổ dân số ở Jakarta đã tạo nên một trong những thành phố hay phải chịu cảnh tắc đường nhất thế giới”, Nadiem Makarim, người sáng lập công ty xe ôm và giao hàng Go-Jek tại Indonesia, nói với BBC.

Người ta có thể cảm nhận tình trạng tắc nghẽn giao thông ở thủ đô của Indonesia qua những con số. Hơn 10 triệu người sống ở Jakarta. Trong phạm vi Vùng đô thị Jakarta, dân số lên tới 30 triệu.

Ôtô di chuyển ở Jakarta với tốc độ trung bình khoảng 8 km/h. Các nhà kinh tế lo ngại thực trạng đó đang kìm hãm đà tăng trưởng của thành phố. Đa số doanh nghiệp chỉ sắp xếp một cuộc họp mỗi ngày ở Jakarta, bởi nạn kẹt xe khiến việc tổ chức hai cuộc họp mỗi ngày trở nên bất khả thi.

Vậy giải pháp cho nạn tắc đường là gì? Makarim nghĩ rằng anh đã tìm ra.

Go-Jek, công ty của anh, ra đời vào năm 2011 để cung cấp dịch vụ xe ôm. Sau đó nó phát triển thành nhà cung cấp dịch vụ giao hàng và vận chuyển qua ứng dụng trên điện thoại di động.

“Có lẽ tôi không phải người đầu tiên nảy ra ý tưởng kinh doanh để giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn kẹt xe. Rất nhiều người cũng nghĩ tới ý tưởng tương tự. Song chúng tôi là công ty đầu tiên triển khai nó trên quy mô lớn”, anh nhận định.

Ý tưởng khởi nghiệp

Chàng trai tốt nghiệp Trường kinh doanh Harvard tại Mỹ kể rằng anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc gặp những người hành nghề xe ôm (ojek) ở Jakarta.

Họ tập trung thành từng nhóm trên các đường phố để cung cấp dịch vụ vận chuyển với giá vài USD mỗi chuyến. Ojek là những “chuyên gia” trong việc luồn lách giữa dòng phương tiện đông đúc ở Jakarta nên người dân coi xe ôm là dịch vụ hiệu quả và rẻ nhất để di chuyển.

“Hồi ấy tôi chưa học xong tại Trường Kinh doanh Harvard và đang thực tập mùa hè. Tôi tán gẫu với vài người hành nghề xe ôm, mua cà phê cho họ và tìm hiểu điều kiện kinh tế của họ. Thực sự tôi muốn biết những điểm mà họ thích và ghét trong công việc”, Makarim kể.

Nadiem Makarim đang hợp tác với 200.000 người hành nghề xe ôm để cung cấp dịch vụ vận chuyển người và hàng hóa tại thành phố Jakarta. Ảnh: BBC.

Qua những cuộc trò chuyện, Makarim nhanh chóng nhận ra tiềm năng lớn của ojek. Dù làm việc tới 14 giờ mỗi ngày, phần lớn họ không có nhiều khách nên thu nhập không cao. Trung bình mỗi người chở 5 lượt khách hàng ngày.

Vì thế Makarim tuyển vài ojek để làm việc theo chế độ “lao động tự do” cho công ty giao nhận mà anh thành lập.

Kinh doanh thuận lợi

Ban đầu trụ sở của Go-Jek chỉ là một căn hộ nhỏ với vài nhân viên tiếp nhận cuộc gọi từ những người có nhu cầu giao hàng. Sau một thời gian ngắn, công ty trở thành nhà cung cấp dịch vụ giao nhận và vận tải với 200.000 tài xế xe ôm. Thậm chí Makarim còn phát triển một ứng dụng để khách hàng có thể yêu cầu dịch vụ từ điện thoại di động.

“Chỉ trong vòng 3 tháng, 3 triệu người tải ứng dụng của chúng tôi – con số mà chúng tôi không dám nghĩ tới. Công ty đạt mục tiêu về doanh số của năm trong 2 tháng. Trong vòng một năm, hơn 11 triệu người tải ứng dụng – vượt quá mọi kỳ vọng của chúng tôi”, Makarim nói.

Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để đặt Go-Jek vận chuyển bằng xe máy, giao thực phẩm, dọn vệ sinh, làm đẹp và mát xa tại gia. Go-Jek vừa tung ra ứng dụng Go-Car sau khi hợp tác với một số ngân hàng lớn nhất ở Indonesia. Hiện tại công ty đang trong quá trình xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Trở ngại trong quá trình kinh doanh

Nhưng chuyển đổi từ một start-up thành một công ty lớn không phải việc dễ, theo Makarim. Từ năm 2011 tới nay, anh đối mặt với vô số thử thách.

“Hệ thống của chúng tôi gần như tê liệt vì tình trạng quá tải sau khi nó ra đời. Sau đó chính phủ cấm người dân sử dụng ứng dụng để đặt dịch vụ vận chuyển. Chúng tôi rất vui khi tổng thống và phó tổng thống hủy quy định đó”, Makarim nói.

Mát xa tại nhà cũng là một trong những dịch vụ mà khách hàng có thể yêu cầu Go-Jek cung cấp qua ứng dụng trên điện thoại di động. Ảnh: BBC.

Những vấn đề khác phát sinh từ chính thị trường mà Go-Jek khai thác. Các đối thủ cạnh tranh lớn của họ bao gồm Uber và Grab – những hãng cung cấp dịch vụ vận tải qua ứng dụng – cùng nhiều doanh nghiệp taxi địa phương. Những cuộc biểu tình do các tài xế taxi truyền thống phát động nhằm phản đối dịch vụ vận tải qua ứng dụng như Uber đã nổ ra.

Cảnh tượng người biểu tình đốt một áo đồng phục của Go-Jek xuất hiện trên nhiều tờ báo. Một số tài xế của Go-Jek bị thương vì bạo động trong biểu tình.

“Đó là những vấn đề lớn. Nhưng chúng tôi đã vượt qua. Chính phủ ủng hộ chúng tôi và tạo điều kiện thuận lợi để công ty kinh doanh. Do Go-Jek góp phần cải thiện cuộc sống của đa số người dân ở Indonesia, chúng tôi nghĩ công chúng sẽ ủng hộ công ty”, Makarim khẳng định.

Tìm những nguồn hậu thuẫn tài chính cũng là một thách thức.

“Go-Jek bắt đầu kinh doanh vào năm 2011, nhưng tôi chỉ thực sự làm việc toàn thời gian sau khi nhận vốn đầu tư”, Makarim thừa nhận.

NSI Ventures, một thành viên của tập đoàn Northstar tại Singapore, đầu tư vào Go-Jek trong năm 2014.

Các nhà đầu tư tiếp theo bao gồm Sequoia Capital, SoftBank, Vertex Venture và Yuri Milner’s DST Global.

Nhờ sự hỗ trợ của họ, Makarim tự tin đặt mục tiêu đưa Go-Jek trở thành doanh nghiệp có trị giá hơn 1 tỷ USD.

“Trước khi các nhà đầu tư rót vốn, tôi không thể tự nuôi sống bản thân nên phải làm thuê cho người khác. Tôi làm việc toàn thời gian cho Go-Jek vào năm 2014 và tung ra ứng dụng vào năm 2015”, anh hồi tưởng.

Zing.vn