ANTĐ – Mặc dù đã áp 70 loại phí và phụ phí vận tải biển đối với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng thay vì tính toán giảm cước phí thì các hãng tàu biển tiếp tục tăng. Nhiều doanh nghiệp đã phải than “doanh nghiệp đang phải oằn lưng gánh phụ phí, phí vận tải”.
Năm 2014, Việt Nam mất khoảng 31.000 tỷ đồng phí, phụ phí vận tải biển
Không được quyền thỏa thuận
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay, Việt Nam có gần 40 hãng tàu tham gia vào vận tải biển quốc tế, trong đó, 19 hãng tàu là có thị phần lớn tại Việt Nam. Qua kiểm tra 19 hãng tàu lớn vào hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính nhận thấy, các khoản phụ phí theo cước vận tải biển được chia ra làm 2 loại: phụ phí trực tiếp theo cước vận tải biển và phụ phí tại địa phương.
Tại Việt Nam, các hãng tàu thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gần 70 loại phí, phụ phí (trung bình mỗi hãng thu khoảng 14, 15 loại phí, cá biệt có doanh nghiệp thu tới 47 loại phí). Trong đó, có 3 loại phụ phí lớn tất cả hãng tàu đều thu là: Phí dịch vụ xếp dỡ container; Phí lưu bãi container; Phí chứng từ. Các loại phí còn lại tùy thuộc vào việc phát sinh phụ phí hoặc tùy hãng tàu quyết định thu. Trong năm 2013 và 2014, tổng số tiền thu cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển mà các đại lý thu hộ cho hãng tàu là hơn 77.000 tỷ đồng.
Các loại phí theo cước vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn nhất là phí dịch vụ xếp dỡ container: 13.000 nghìn tỷ đồng; Phụ phí xăng dầu: gần 5.500 nghìn tỷ đồng; Phí lưu bãi container: gần 1.600 nghìn tỷ đồng… “Tại Việt Nam, phụ phí theo cước vận tải biển không thuộc danh mục Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Nhà nước quy định. Việc thu các loại phụ phí này do các hãng tàu nước ngoài đặt ra mà chưa có sự thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước”, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận.
Trong quá trình kiểm tra các khoản phụ phí, Bộ Tài chính cho rằng, các hãng tàu chưa minh bạch trong việc áp dụng mức thu một số khoản. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thì bị động, đành chấp nhận bị áp đặt mức thu. Để nhận được hàng xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả các khoản phụ phí theo mức thu mà hãng tàu hoặc công ty giao vận áp đặt, không được quyền đàm phán, thỏa thuận.
Mất 31.500 tỷ đồng/năm cước phí, phụ phí
Các hãng tàu đang thu phí cao hơn so với thực tế phải trả cho dịch vụ của cảng biển Việt Nam. Đơn cử, phụ phí xếp dỡ container có sự chênh lệch lớn giữa mức thu của hãng tàu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và mức thực trả cho dịch vụ xếp dỡ tại cảng. Cụ thể, mức thu phụ phí xếp dỡ của hãng tàu đối với công ty giao vận (trung gian) hoặc trực tiếp thu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trung bình 131,5 USD/container 40 feet, 88 USD/container 20 feet.
Trong khi đó, mức chi trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển thực tế tại 6 cảng biển của Việt Nam chỉ bằng một nửa, ở mức 69,1 USD/container 40 feet và 46,1 USD/container 20 feet.
Đáng nói, từ đầu năm 2015 đến nay, một số các loại phí, phụ phí và cước tàu biển tiếp tục tăng mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cước tàu biển tăng mạnh nhất với hàng hóa xuất nhập đi Mỹ và Canada. Trong vài tháng gần đây, mỗi tháng, cước tàu biển lại tăng thêm 5%.
Chỉ trong vòng 9 tháng, cước đã tăng tới 60%. So với năm 2014, phí xếp dỡ đã tăng 10%, phí mất cân đối container tăng đến 30%… Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Kiến Vương (Hải Phòng) cho biết, phụ phí vận tải biển vốn đã có nhiều khoản vô lý nhưng gần đây còn tăng quá cao. Nhiều doanh nghiệp bức xúc nhưng không có cách giải quyết. Ước tính, mỗi năm, doanh nghiệp này xuất nhập khoảng 2.900 container hàng hóa, đồng nghĩa phải chi khoảng 35 tỷ đồng cho phụ phí vận tải biển.
Trong khi đó, theo ước tính của Hiệp hội chủ hàng, riêng năm 2014, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chi khoảng 31.500 tỷ đồng cho các hãng tàu biển nước ngoài, tương đương với hơn 4,2 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Tình hình lạm thu phí, phụ phí vận tải biển của các hãng vận tải biển nước ngoài đã và đang gây bức xúc trong cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Các bộ, ngành đã ráo riết vào cuộc tìm hướng giải quyết nhưng chưa có kết quả. Hàng trăm doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phải oằn lưng gánh những khoản phí khổng lồ bị doanh nghiệp nước ngoài áp đặt.