Logistics Việt Nam và nỗ lực tìm kiếm khách hàng

(HQ Online)- Với một thị trường đã mở cửa hoàn toàn, nhiều DN logistics nước ngoài đã tiến vào đầu tư, mở rộng mạng lưới tại nước ta dẫn đến hút mất một lượng khách hàng là những DN XNK có lượng hàng giao dịch lớn. Chính vì thế, để tồn tại và phát triển, các DN logistics Việt Nam phải tìm cách xoay chuyển tình thế, mở rộng tìm kiếm khách hàng.

Để giữ chân khách hàng, các DN logistics cần cải thiện dịch vụ và cở sở hạ tầng. Ảnh: Quang Tấn

Khó khăn nhiều chiều

Theo thống kê từ Hiệp hội DN dịch vụ logistics (VLA), các DN logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường dù có số lượng đông đảo hơn các DN nước ngoài.

Giải thích về nghịch lý trên, ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký VLA cho rằng, các DN Việt Nam chỉ hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu đi làm thuê cho các DN logistics nước ngoài hoặc chỉ thực hiện một công đoạn cho các DN. Chính vì thế, giá trị gia tăng mà các DN trong nước đem lại không lớn. Trong khi đó, các DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam thường mang theo nguồn vốn, kinh nghiệm, năng lực hoạt động tốt cùng hệ thống mạng lưới rộng khắp thế giới nên các DN sản xuất, XNK sẽ dễ dàng bị thu hút hơn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa để các DN sản xuất, kinh doanh lựa chọn DN logistics nước ngoài đó là tinh thần “dân tộc”. Ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi cho biết, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có xu hướng lựa chọn các DN logistics đến từ chính các nước của họ, một phần vì mạng lưới sẵn có, một phần vì hoạt động giao tiếp, giao dịch sẽ có nhiều thuận lợi, dễ thích nghi hơn. Vì thế, các DN logistics trong nước khó có thể chen chân vào mối quan hệ này.

Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Hiền, các DN logistics Việt Nam bị mất khách hàng vào tay DN FDI cũng có một phần nguyên nhân do mối liên kết giữa các DN quá yếu và lỏng lẻo khiến khách hàng e ngại về mạng lưới hoạt động và giá thành. Hơn nữa, phong cách làm việc của các DN Việt Nam nếu không được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp hơn, cơ sở hạ tầng không được đầu tư bài bản hơn thì tình trạng này sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.

Tìm cách “lách”

Có thể thấy, rất nhiều khó khăn đang bủa vây các DN logistics Việt Nam, bắt buộc các DN này phải tìm ra hướng đi phù hợp cho mình. Thực tế cho thấy, bên cạnh một số DN đang trầy trật với số lượng khách hàng ít ỏi, nhiều DN đã nỗ lực, nhìn nhận đúng vấn đề để tìm chỗ đứng trên thị trường.

Theo cách nhìn nhận của bà Lê Hoàng Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận Avina, bản thân các công ty toàn cầu khi đến Việt Nam cũng không thể bao quát hết thị trường nên họ sẽ phải đi thuê lại các công ty nội địa thực hiện một số công đoạn trong một chuỗi logistics cho khách hàng của họ. Lúc này, các DN logistics trong nước nên nhìn nhận đây cũng là một thị trường, khách hàng tiềm năng thì bản thân DN vừa có công việc, có doanh thu, lại vừa có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc của các DN nước ngoài và có cái nhìn mới mẻ, toàn cầu để hoàn thiện công nghệ, năng lực kinh doanh của mình trước khi bứt ra tự thực hiện.

Hơn nữa, bà Oanh cũng cho rằng, các DN FDI có DN lớn và DN vừa và nhỏ. Các DN vừa và nhỏ này cũng chỉ cần các đối tác là các DN logistics vừa và nhỏ để phù hợp với quy mô và chi phí mà DN bỏ ra. Vì thế, ngoài việc liên hệ, làm việc, kết nối trực tiếp với các DN XNK hoàn toàn có vốn của Việt Nam, Avina logistics đã tiếp cận các chủ đầu tư, nhà máy sản xuất, XNK của các DN nước ngoài nhưng ở mức vừa và nhỏ. Để làm được theo cách này, Công ty bắt buộc phải có sự liên kết với các DN logistics nước ngoài để có mạng lưới và kênh riêng của mình.

Cũng nói về hướng đi của DN mình, ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho hay, Công ty mạnh dạn đặt mình vào thế cạnh tranh với các DN logistics nước ngoài, sẵn sàng tiếp cận các DN FDI bằng nhiều hình thức quảng cáo, liên kết. Muốn cạnh tranh được thì Interlog phải tạo được sự khác biệt, đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng và có những liên kết cần thiết với các DN logistics cả trong và ngoài nước để mở rộng mạng lưới, tạo sự thuận lợi cho khách hàng trong công việc.

Nhìn chung, để cải thiện hướng phát triển và tìm kiếm khách hàng thì DN logistics Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm mà mình đang có. Bên cạnh đó, các DN cần có cách nhìn nhận để tìm ra chiến lược kinh doanh hợp lý. Nói về vấn đề này, theo ông Ngô Thế Hùng, nhiều DN tìm cách hạ giá thành xuống mức thấp để thu hút khách hàng, đây là sai lầm vì cách làm này sẽ khiến DN vừa không có lãi và không thu hồi được vốn để cải thiện hoạt động cho hiệu quả, vừa khiến khách hàng mất niềm tin vào DN. Vì thế, cách tốt nhất là DN đưa ra giải pháp phục vụ khách hàng một cách tốt nhất để tạo uy tín cho thương hiệu và giữ chân khách hàng.

Hương Dịu