Đường sắt trong cuộc chiến giành thị phần: Thôi bao cấp mới mong lớn!

Tại cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tuần trước, đã có ý kiến của lãnh đạo ngành giao thông vận tải (GTVT) cho rằng , các hãng hàng không đang “vét hết khách của đường sắt”. Và một yêu cầu được đưa ra: “Cục Hàng không phải siết lại tăng chuyến bay trong dịp Tết”. Điều này đang làm dấy lên cuộc tranh luận: Nên đầu tư phát triển ngành hàng không hay đầu tư cho ngành đường sắt? Nhiều chuyên gia cho rằng cần trả lại đúng quy luật cạnh tranh thì giao thông Việt Nam mới phát triển được. Việc này sẽ giúp ngành đường sắt tự cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá thành để có sự cạnh tranh tốt hơn.

Hàng không hay đường sắt?

Theo một ý kiến từ Bộ GTVT, “tại các sân bay ở nước ngoài, hãng hàng không muốn xin một chỗ đỗ, chuyến bay là vô cùng khó khăn. Ở nước ta, các hãng cứ đề nghị tăng chuyến là “ùa theo” nên Cục Hàng không phải siết lại tăng chuyến bay trong dịp Tết”. 

Không ít người nhất là các chuyên gia trong ngành hàng không, ngành giao thông vận tải thấy bất ngờ trước phát biểu của lãnh đạo ngành giao thông vận tải. Bởi trong mấy năm nay, ngành hàng không trong nước đang bắt đầu tăng tốc, phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Thêm nhiều hãng hàng không được cấp phép và liên tục tăng chuyến nhưng cũng không đáp ứng kịp nhu cầu này và trong khi hạ tầng ngành hàng không, các cảng hàng không chưa kịp đầu tư, phát triển kịp đã dẫn đến tình trạng quá tải nhất định.

7-tau-qua-ca-na-3
Cần trả lại đúng quy luật cạnh tranh thì giao thông Việt Nam mới phát triển được.

Theo ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia về hàng không, nếu hạn chế không cho các hãng hàng không tăng chuyến vượt quá “trần” hiện tại 42 chuyến/giờ ở sân bay Tân Sơn Nhất thì không thể đáp ứng nhu cầu thị trường được. “Sắp tới phải lên 50 chuyến/giờ, rồi lên tiếp 55 chuyến/giờ thì may ra mới tạm đủ. Nhưng việc đó cần sự đồng bộ với nhiều hạng mục công trình…”, ông Nam nêu quan điểm. Ông Nam cũng cho rằng, kinh nghiệm phát triển giao thông ở nhiều nước như ở Thái Lan cho thấy, đầu tư, phát triển đường sắt cũng không thể thay thế, giảm tải cho ngành hàng không. “Việc kìm hãm sự phát triển hàng không để “san sẻ” cho các loại hình giao thông khác đã không còn phù hợp với xu hướng thế giới nữa. Cứ nhìn Mỹ thì thấy, trong thế kỷ 19, Mỹ là một vương quốc đường sắt, nhưng ngày nay còn mấy ai đi tàu khách từ thành phố này đến thành phố khác nữa đâu? Châu Âu, Úc cũng thế. Với hàng không giá rẻ thì tàu khách đường dài không còn tương lai. Theo tôi, trọng tâm của đường sắt tương lai là vận chuyển hàng hoá và mạng đường sắt tuyến ngắn dưới 100 km xung quanh các đô thị lớn”, ông Nam nói.

Về sự “quá tải” hiện nay ở các cảng hàng không, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chuyên gia trong ngành giao thông vận tải khác, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực thì sự quá tải đó cũng phản ánh mức độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, của nhu cầu đi lại của người dân, giao thương… Ở nhiều nước phát triển, Mỹ, Anh, Đức… tình trạng quá tải ở nhiều sân bay cũng thường xuyên xảy ra.

Cho nên, thay vì hạn chế, siết lại việc phát triển, tăng chuyến, cần có những chính sách chiến lược cho phát triển ngành hàng không, không chỉ về đầu tư mà còn cần có các cơ chế về tài chính, ưu đãi, miễn giảm thuế… để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, phát triển ngành hàng không- một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, kích thích phát triển các ngành khác: Du lịch, thương mại…

Cần một cuộc cách mạng cho ngành đường sắt

Ngày 11/11, thảo luận tại tổ về Luật Đường sắt sửa đổi, nhiều đại biểu nhận định, ngành đường sắt hiện nay quá lạc hậu, không được đầu tư đúng mức, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Sau khi nghiên cứu Luật Đường sắt sửa đổi, đại biểu Bùi Thanh Sơn (Đắk Nông) đánh giá, trong quá trình đổi mới phát triển vừa qua, ngành giao thông có bước phát triển mạnh, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong tổng thể giao thông vận tải thì ngành đường sắt chậm phát triển nhất. “Hệ thống đường sắt của chúng ta hiện nay quá lạc hậu. Vận chuyển hàng hóa và hành khách rất khó khăn”, đại biểu Sơn nhận định. Theo đại biểu, ở châu Âu, hệ thống đường sắt phản ánh rõ nền kinh tế – xã hội ở mỗi quốc gia. Khi đường sắt phát triển thì kinh tế – xã hội cũng phát triển. Do vậy, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị đánh giá vấn đề tại sao thời gian qua ngành đường sắt của đất nước không phát triển, không được đầu tư đúng mức. Đại biểu Sơn cũng cho rằng, nếu ngành đường sắt chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì không thể kham nổi. Cần phải có các nền kinh tế khác tham gia vào ngành đường sắt. “Khi chúng tôi trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, họ đều tư vấn trước mắt chúng ta nên làm đường sắt khổ 1.435mm. Chúng ta nên tập trung vào đường sắt này để phục vụ vận tải”, đại biểu Bùi Thanh Sơn nói.

Đi tàu từ Hà Nội vào Đà Nẵng, đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) nhận thấy rất nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành đường sắt. “Từ phục vụ đến vật chất ngành đường sắt đều lạc hậu. Điều này đòi hỏi một cuộc cách mạng của ngành đường sắt. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm của ngành đường sắt”, đại biểu Tuấn nói.

Ông Đỗ Bá Tỵ – Phó Chủ tịch Quốc hội (đoàn Lào Cai) nhận định, trong thời gian dài “mũi nhọn” về công tác vận tải, đó là ngành đường sắt không được đầu tư đúng mức. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, địa hình Việt Nam rất thuận tiện cho việc phát triển đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam. “Giờ đưa ra luật này là chậm, nhưng muộn còn hơn không. Cần tập trung vào làm ngay, đã làm thì phải theo đúng cơ chế thị trường mới phát huy tác dụng chứ bao cấp nhiều quá thì lại hỏng”, ông Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quy hoạch đường sắt, kết cấu phải đồng bộ, đầy đủ. Cụ thể như đường sắt đô thị phải có đường sắt trên cao, tàu điện, tàu điện ngầm. Đặc biệt là tàu điện ngầm hoạt động rất hiệu quả, như một thành phố ngầm, rất tốt cho quốc phòng an ninh. “Hệ thống đường tàu điện ngầm hết sức quan trọng nhưng trong luật chưa đưa vào. Nếu không đưa vào thì mai kia lại phải bổ sung. Như Hà Nội nếu có hệ thống tàu điện ngầm sẽ giải quyết được ùn tắc trên mặt đất như hiện nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, đầu tư đường sắt có chi phí không đắt so với các loại hình giao thông khác, trong khi đó chi phí vận chuyển đường sắt rẻ hơn các loại hình khác. Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, định hướng trong luật phải tạo ra những chính sách thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng đầu tư, kinh doanh phát triển ngành đường sắt. Đại biểu nhận định dự thảo chưa thể hiện sự hấp dẫn với những chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư vào ngành đường sắt. “Nếu xác định đường sắt có vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội thì cần tính đến chiến lược phát triển ngành này thông qua quy định quy hoạch phát triển giao thông đường sắt”, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị.

Nên khuyến khích cạnh tranh công bằng

Chia sẻ quan điểm về yêu cầu siết lại việc các hãng hàng không tăng chuyến bay trong dịp tết, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM- cho rằng đây là vấn đề đi ngược lại với quy luật của thị trường. Theo ông Quản, việc hạn chế việc tăng chuyến bay trong dịp tết là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như các loại hình vận tải khác như xe buýt, ô tô, tàu hỏa. “Chúng ta nên để thị trường tự quyết định và tôn trọng quyền lựa chọn của người dân. Ai gần ga tàu thì có thể đi tàu hỏa, ai có nhu cầu đi máy bay thì để người dân tự đi. Việc tăng chuyến trong những dịp tết đông người là cần thiết vì nhu cầu đi lại cao hơn. Ngành hàng không cũng đang chuẩn bị quá tải vì thế, thay vì cấm đoán nên tạo điều kiện để người dân được hưởng những ưu đãi tốt hơn với mức giá rẻ hơn”, ông Quản nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng ĐH xây dựng Hà Nội nhận định, Nhà nước không thể tiếp tục hỗ trợ và bao cấp ngành đường sắt. Thay vào đó nên để loại hình giao thông này tự lực cánh sinh, tự cải tiến để đáp ứng nhu cầu của hành khách, thực sự vì lợi ích của người dân. “Nếu tiếp tục kiềm chế tăng chuyến hàng không để hỗ trợ đường sắt thì không đúng với quy luật của thị trường. Đến tết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì việc hàng không tăng chuyến cũng hợp lý để vừa phục vụ tốt hành khách vừa đảm bảo lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng ta cần trả lại đúng quy luật cạnh tranh thì giao thông Việt Nam mới phát triển được. Việc này sẽ giúp ngành đường sắt tự cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá thành để có sự cạnh tranh tốt hơn”, ông Hùng nêu quan điểm.

Khánh An
NB&CL