Hải quan và doanh nghiệp phía Nam góp ý về thông tư hướng dẫn Luật Hải quan

Ngày 23-10, tại TP.HCM, đại diện các đơn vị Hải quan khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam cùng đại diện hơn 30 doanh nghiệp tham dự Hội thảo lấy ý kiến dự thảo 3 thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Hải quan về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế do Tổng cục Hải quan phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.Hiền

Tại hội thảo, bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia tư vấn Dự án GIG đánh giá cao những cải cách trong dự thảo của 3 thông tư, giúp giảm bớt thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên bà An cũng lưu ý, việc cải cách phải gắn với việc đảm bảo năng lực quản lý của nhà nước. Theo bà An, qua khảo sát, các doanh nghiệp cho biết việc quy định các loại giấy tờ là rất quan trọng, nhưng việc thực hiện các quy định đó cần rõ ràng. Bởi thực tế hiện nay số giấy tờ doanh nghiệp phải nộp vẫn nhiều hơn quy định.

Ngoài ra, theo Điều 103 dự thảo Thông tư  về thủ tục hải quan quy định về số thuế nộp thừa có hai cách xử lý: bù trừ với số thuế còn thiếu hoặc hoàn thuế. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp mở tờ khai và đã nộp thuế, nhưng sau đó vì một số lý do phải hủy tờ khai và mở tờ khai mới. Khi đó DN không được chuyển số thuế từ tờ khai cũ sang mà phải nộp thuế mới và chờ hoàn thuế cho tờ khai cũ. Theo quy định, việc hoàn thuế được thực hiện trong 5 ngày, nhưng thực tế DN phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thuế. Do đó, thông tư cần có quy định cụ thể để thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG cũng chỉ ra rằng, cơ quan Hải quan nên thực hiện quản lý theo doanh nghiệp thay vì theo từng lô hàng”.

Cụ thể, hiện doanh nghiệp được phân loại theo 3 mức độ tuân thủ pháp luật: tốt, trung bình và chưa tốt. Nhưng trong quy định về quản lý rủi ro lại chia thành 7 mức, do đó rất khó để xác định mức độ tương ứng giữa doanh nghiệp và mức độ rủi ro. Ông Bình cho rằng nên phân loại doanh nghiệp thành 4 mức: doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ tốt, doanh nghiệp tuân thủ trung bình và doanh nghiệp tuân thủ chưa tốt. Mỗi loại doanh nghiệp có một cách quản lý khác nhau. Ví dụ, doanh nghiệp ưu tiên thì có ưu tiên đặc biệt, có văn bản quy định riêng, doanh nghiệp tuân thủ tốt có thể được chấp nhận khai báo và xử lý kiểm tra sau. Còn doanh nghiệp tuân thủ trung bình và chưa tốt thì thực hiện quản lý rủi ro. Như vậy có tới 50% doanh nghiệp được giảm bớt thủ tục hải quan và cơ quan Hải quan chỉ tập trung quản lý các doanh nghiệp thuộc hai loại dưới.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng phòng Giám sát và quản lý-  Cục Hải quan TP.HCM cho rằng việc đưa hàng về bảo quản rất phổ biến và liên quan rất nhiều bên như doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, Luật Hải quan năm 2014 không có điều khoản nào quy định vấn đề này. Theo ông Long, từ 1-1-2015, nếu không có hướng dẫn về vấn đề này thì hàng hóa sẽ ách tắc ở cảng rất nhiều. Bởi không thể không cho doanh nghiệp đưa hàng về bảo quản. Ông Long lấy ví dụ, một tàu chở phân bón, thức ăn gia súc mà không bốc dỡ kịp thì chi phí mỗi ngày sẽ rất lớn. Trong khi doanh nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về điều kiện giám sát hải quan. Còn nếu đáp ứng được, với mỗi tàu hàng phải chở hàng trăm xe về nhiều kho khác nhau, khi đó cơ quan Hải quan không thể theo dõi được.

Hội thảo diễn ra đến hết ngày 24-10.

Nguyễn Hiền
Logistics4VN