Bên cạnh những mục tiêu tạo thuận lợi của Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS, cơ quan Hải quan cũng đồng loạt triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kiểm soát, đảm bảo chấp hành đúng quy định trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Chỉ sau hơn 2 tháng (từ 1-4 đến 17-6-2014), ngành Hải quan đã phủ sóng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa XK, NK thương mại trên Hệ thống VNACCS/VCIS ở 34/34 các Cục Hải quan tỉnh thành phố, với 170 chi cục. Tính đến 15-9, toàn Ngành đã triển khai 2,56 triệu tờ khai qua hệ thống, chiếm 50% tổng số tờ khai, kim ngạch XNK đạt 103,3 tỷ USD. Trong số này kim ngạch XK đạt 51,72 tỷ USD, kim ngạch NK đạt 51,58 tỷ USD. Tổng số DN tham gia khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS là 42.700 đơn vị. |
Tạo thuận lợiCó thể nói việc triển khai thông suốt Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp cho cơ quan Hải quan bố trí, sắp xếp hợp lý nguồn lực, xử lý nhanh gọn các hoạt động nghiệp vụ tại cơ sở. Đồng thời, khi tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS, cộng đồng DN cũng thấy rõ những tiện ích về giảm thời gian thông quan, giảm chi phí trong quá trình làm thủ tục, cũng như nâng cao tính cạnh tranh, chủ động trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như áp dụng quản lý rủi ro trong việc thúc đẩy thông quan hàng hóa XNK. Toàn Ngành đã xây dựng 815 hồ sơ rủi ro (184 hồ sơ cấp Tổng cục và 631 hồ sơ cấp Cục Hải quan) để chia sẻ phục vụ thiết lập tiêu chí lựa chọn kiểm tra và xác định trọng điểm trong các hoạt động nghiệp vụ. Tổng cục Hải quan đã xây dựng, đưa vào vận hành ứng dụng 9 hệ thống thông tin, dữ liệu để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan.
Đồng thời, phân công, phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện thu thập, cập nhật thông tin vào hệ thống, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin trong phạm vi toàn Ngành. Tăng cường phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan như: Triển khai 6 Thông tư liên tịch; hệ thống thông tin một cửa quốc gia; thông tin E-Manifest; trao đổi thông tin tình báo; hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin với cộng đồng DN…
Đến đầu tháng 10-2014, cả nước có 49.006 DN đang hoạt động XNK (trên tổng số 114.822 DN có trên hệ thống). Kết quả, ngành Hải quan đã thu thập, tập hợp bổ sung thông tin được cập nhật vào 6.488 hồ sơ DN; theo dõi, cập nhật 697 DN giải thể, ngừng hoạt động.
Trong đó có một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã thu thập, cập nhật số lượng lớn hồ sơ DN như: TP. HCM (1.314 hồ sơ); Hải Phòng (1.002 hồ sơ); Bình Định (920 hồ sơ); Hà Nội (520 hồ sơ)… Qua đó, cơ quan Hải quan tiến hành đánh giá tuân thủ, xếp hạng DN để phục vụ áp dụng chế độ chính sách và áp dụng các biện pháp quản lý đối với 74.512 DN, đồng thời theo dõi, xác lập 203 DN trọng điểm cấp Tổng cục; 832 DN trọng điểm cấp Cục. Ngoài ra, toàn Ngành còn triển khai các chương trình quản lý DN theo các lĩnh vực rủi ro như: Hủy tờ khai; tạm nhập, tái xuất; hoàn thuế GTGT (201 DN); trị giá ( 47 DN)…
Đảm bảo quản lý
Trong tháng 9-2014, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, triển khai Kế hoạch “Kiểm soát thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS nhằm phát hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép các chất ma túy và tiền chất”. Một trong những mục tiêu cơ bản được chỉ rõ trong nội dung của kế hoạch là đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà, cản trở hoạt động XNK của DN; kịp thời phát hiện các phương thức thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại mới, phát hiện những kẽ hở trong quy trình thủ tục hải quan, từ đó có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Theo đó, lực lượng kiểm soát Hải quan từ cấp Tổng cục đến cấp Cục, Chi cục tập trung triển khai, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng kiểm soát theo Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg để thu thập, phân tích, xử lý thông tin, xác định trọng điểm, lập hồ sơ theo dõi, giám sát, cảnh báo, đồng thời khai thác dữ liệu các hệ thống công nghệ thông tin của ngành, phân tích, xử lý thông tin nhằm xác định dấu hiệu vi phạm, đối tượng trọng điểm, trên cơ sở đó đấu tranh, bắt giữ, xử lý vi phạm.
Sau hơn 1 tháng triển khai Kế hoạch, lực lượng kiểm soát Hải quan đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt hoạt động XNK đối với những DN trọng điểm, DN có độ rủi ro cao, DN mới tham gia hoạt động XNK, đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi khai báo sai mã hàng, khai trùng nhiều tờ khai, liên tục hủy tờ khai, cố tình khai báo sai nhằm miễn kiểm hàng hóa để vận chuyển, buôn lậu hàng cấm, sai số lượng, sai chủng loại, trốn thuế…
Để đảm bảo lực lượng triển khai, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục CNTT và Thống kê Hải quan đảm bảo vận hành thông suốt Hệ thống VNACCS/VCIS, các hệ thống vệ tinh; thực hiện các giải pháp kỹ thuật để lực lượng kiểm soát có khả năng chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện dấu hiệu nghi vấn, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí tăng cường lực lượng công chức có kinh nghiệm, đảm bảo đủ quân số tại các tổ, đội thực hiện kiểm soát trên Hệ thống, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; định kỳ báo cáo Tổng cục Hải quan những phương thức thủ đoạn đã phát hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp ngăn chặn.