Trong Báo cáo về tình hình Việt Nam- kinh tế 2016 công bố ngày 7-12, các chuyên gia của CEL Consulting phân tích, đánh giá: Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng ở mức 6,3%, và các chỉ số hiện tại cho thấy con số dự báo này là khả thi.
XNK cán cân thương mại dương
Ông Pieter Pennings, Giám đốc CEL Consulting cho rằng, tính đến thời điểm cuối tháng 11-2016, Việt Nam hiện không bị thâm hụt cán cân thương mại xuất nhập khẩu. Mặc dù lạm phát 10 tháng đầu năm tăng 2,27% so với cùng kỳ năm ngoái, kèm theo GDP và giá trị bán lẻ tăng trưởng có phần chậm lại, nhưng bù lại thị trường Việt Nam có những thay đổi về cơ cấu theo chiều hướng khả quan.
Tính đến hết tháng 11-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5%. Cán cân thương mại của cả 11 tháng hiện đang dừng ở mức xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Năm nhóm hàng xuất siêu nhiều nhất chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất siêu, bao gồm hàng dệt may, diện thoại và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Năm nhóm hàng nhập siêu nhiều nhất chiếm khoảng 51% tổng giá trị xuất siêu là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, vải nguyên liệu, sắt thép các loại và chất dẻo nguyên liệu.
Có thể thấy nhóm hàng xuất siêu mạnh nhất của Việt Nam phần lớn là hàng thành phẩm gia công, lắp ráp. Nhóm hàng nhập siêu chủ đạo của Việt Nam là các mặt hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản suất. Điều này cho thấy đặc điểm kinh tế XNK của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu và máy móc công nghệ từ nước ngoài. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nhất từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Nhóm hàng vật tư sản xuất nhập khẩu nhiều nhất bao gồm máy móc thiết bị, vải nguyên liệu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, thức ăn gia súc, linh kiện điện tử, xăng dầu. Nhìn chung cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam không có sự thay đổi đáng kể so với những năm trước nhưng không bị thâm hụt cán cân thương mại.
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh
Trong 11 tháng năm 2016, sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,3%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11% và khai khoáng giảm 6,3%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như ti vi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, xi măng. Sản lượng dầu thô giảm mạnh ở mức 10%, dẫn đến phải nhập khẩu 595 triệu USD dầu thô trong 10 tháng đầu năm 2016.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 10 tháng 2016, là 66,9%, giảm so với mức 72,9% năm 2015. Tổng lao động ngành công nghiệp tăng 4,3%, trong đó lao động ngành khai khoáng giảm 7,2%, ngành chế biến, chế tạo tăng 5%.
Xu hướng hiện đại hóa bán lẻ
Thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng mạnh và đều hơn ở 4 thành phố chính so với vùng nông thôn. Tại khu vực thành thị, những mặt hàng tiêu dùng phi thực phẩm tăng trưởng mạnh. Tại thị trường nông thôn, ngoài mặt hàng sữa vốn là mặt hàng tăng trưởng nhanh từ trước đến nay, thì xu hướng người tiêu dùng đang bắt đầu hướng đến những sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân ghi nhận mức tăng trưởng về cả khối lượng và giá trị từ 5-6% tại khu vực nông thôn, so với tăng trưởng 7% của ngành hàng sữa tại khu vực này. Tại khu vực thành thị, mặt hàng thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc gia đình phát triển đồng đều với mức tăng 5-6%.
Tại khu vực thành thị, các kênh mua sắm phát triển mạnh bao gồm cửa hàng bách hóa (11%) và cửa hàng tiện lợi (34%).Tiêu biểu cho kênh của hàng tiện lợi là chuỗi cửa hàng VinMart. Tính đến cuối tháng 10, VinMart hiện có khoảng 650 cửa hàng trên toàn quốc và hướng đến đạt mốc 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2016. Nhìn chung trong năm nay, với sự phát triển mạnh của mô hình bách hóa nhỏ và các cửa hàng tiện lợi với độ phủ rộng và gần với khu dân cư, thị phần của các kênh chợ truyền thống ở cả thành thị và nông thôn có xu hướng giảm. Đặc biệt tại nông thôn, chỉ riêng trong tháng 10, kênh chợ truyền thống ghi nhận giảm giá trị với tốc độ 8%, tăng 4% so với tháng 9. Mô hình cửa hàng chuyên doanh cũng có xu hướng giảm giá trị trên toàn quốc. Mặc dù tại nông thôn, mô hình tạp hóa gia đình vẫn phát triển bình ổn, nhưng tại khu vực thành thị kênh mua sắm này cũng ghi nhận giảm đều. Có thể thấy là trong năm 2016, kênh cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ nhất, kênh siêu thị có xu hướng ổn định và kênh mua sắm truyền thống đang dần mất thị phần. Nếu xu hướng này tiếp tục thì việc hiện đại hóa kênh mua sắm ở Việt Nam có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Ngoài việc thay đổi cơ cấu kênh mua sắm, xu hướng hiện đại hóa bán lẻ còn thể hiện ở xu hướng cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Các thương vụ thâu tóm lớn giai đoạn 2015 – 2016
Ngành | Bên mua | Bên bán | Tỷ lệ | Giá trị (triệu USD) |
Bán lẻ | Central Group | BigC Vietnam | 100% | 1140 |
Thực phẩm | Singha | Masan Consumer Holdings
Masan Brewery |
25%
33.3% |
1100 |
Bán lẻ | TCC Holding | Metro Vietnam Cash & Carry | 100% | 711 |
Bất động sản | Mirae Asset, AON BGN | Keangnam Landmark Tower 72 | 100% | 382 |
Bất động sản | Keppel Land | Empire City | 100% | 234 |
Bất động sản | Mapletree Investment | Kumho Asiana Plaza | 100% | 215 |
Hóa chất | JX Nippon Oil & Energy | Petrolimex | 8% | 183 |
Hàng không | ANA Holdings | Vietnam Airlines | 8.77% | 108 |
Dược phẩm | Taisho | Duoc Hau Giang | 24% | 100 |
Thực phẩm | Masan Nutri Science | VISSAN | 24.90% | 96.8 |
Bán lẻ | Alibaba | Lazada (Rocket Internet) | 64% | 1550 |