Hàng hóa ứ, sập cầu Ghềnh gây thiệt hại kinh tế

Vụ sập cầu Ghềnh kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có việc hàng hóa từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam ùn ứ. Thiệt hại ra sao?

Hàng hóa ứ, sập cầu Ghềnh gây thiệt hại kinh tế

Chuyến tàu SE22 khởi hành từ TP.HCM đi Nha Trang đã phải quay về ga Sài Gòn vì sự cố sập cầu Ghềnh. Nhiều hành khách trả lại vé để đi bằng phương tiện khác – Ảnh: Quang Định

Trao đổi với TTO sáng ngày 22-3, ông Đỗ Quang Văn – giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết lượng hành lý ký gửi của khách tại ga Sài Gòn đang được trung chuyển lên Biên Hòa để tiếp tục hành trình. Một số hành lý ký gởi từ hướng ngược lại cũng được trung chuyển về ga Sài Gòn từ hôm 21-3 để giao lại cho khách.

Về hàng hóa, ông Phạm Văn Sơn – tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết hàng trên hóa đường từ Nam ra Bắc đang bị nghẽn lại, theo ông Sơn là khoảng vài chục toa xe (mỗi toa hạng nhẹ khoảng 20 tấn, tối đa là 30 tấn hàng hóa các loại).

Ở chiều ngược lại, lượng hàng nằm trên các toa xe từ Bắc vào Nam là khoảng vài trăm toa.

Ông Sơn cho biết đây là thiệt hại rất lớn đối với ngành đường sắt.

“Trước mắt chúng tôi ưu tiên vận chuyển hành khách. Có thể từ chiều nay hoặc sáng mai, khi việc vận chuyển hành khách tương đối ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành vận chuyển đến hàng hóa. Tất cả mọi người trong công ty đang phải đi khắp nơi để giải quyết từng việc một”- ông Sơn cho biết thêm.

Dù khách hàng hiểu đây là sự cố khách quan nhưng vẫn rất lo lắng vì hàng hóa không về kịp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

“Họ nóng ruột, mình cũng nóng ruột nên chúng tôi đang tìm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên”- ông Phạm Văn Sơn chia sẻ.

Hiện ngành đường sắt đang thống kê mức độ thiệt hại.

Khách hàng đổi hướng vận chuyển hàng hóa

Ông Đỗ Xuân Quang, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết đối với những doanh nghiệp trong hiệp hội, lượng hàng hóa giao – nhận đi qua đường sắt không lớn, khách hàng chủ yếu vận chuyển qua đường xe tải, máy bay và đường biển.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, trong ngành logistics, khi xảy ra sự cố bất khả kháng (như sập cầu) thì giải pháp tốt nhất là tìm hướng chuyển tải hàng hóa càng sớm càng tốt.

Nếu trong hợp đồng giữa công ty vận chuyển và khách hàng có ghi rõ điều khoản nếu chậm trễ phải chịu trách nhiệm thì phía khách hàng có quyền yêu cầu công ty vận chuyển đền bù.

Nếu khách hàng đã mua bảo hiểm trọn gói cho sản phẩm (bao gồm cả bảo hiểm chậm trễ) thì sẽ làm việc với công ty bảo hiểm để được đền bù, nếu việc chậm trễ gây thiệt hại rõ ràng cho doanh nghiệp.

Thiệt hại về kinh tế: chưa thể tính toán ngay

TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá sự cố sập cầu Ghềnh dẫn đến những đứt gãy trong chuỗi vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường sắt cho thấy sự thiếu liền mạch trong việc kết nối của các loại hình vận tải với nhau.

“Liên kết chuỗi chưa tốt, sự đa dạng hóa không cao. Nếu liên kết tốt thì khi đường sắt xảy ra sự cố sẽ có ngay những điểm đầu mối trung chuyển bằng các đường khác để ứng cứu”- chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.

Nói về những thiệt hại kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng không thể tính được vì sự cố này kéo theo những hệ lụy về việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nhiều tháng tới đây. Đó là chưa kể các hợp đồng có thể bị điều chỉnh, giá cả tăng lên…

“Phải tính rất lâu mới ra được con số nhưng chắc chắn đó là con số khổng lồ”, TS Nguyễn Minh Phong nhận xét.

AN NHIÊN