Doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng

Năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như sự liên kết lỏng lẻo đang là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng

“Đỏ mắt”tìm cung ứng nội

Liên tục mở rộng vốn đầu tư lên đến gần 9 tỷ USD tại Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn, song đến nay, những gì mà Samsung làm được tại Việt Nam chủ yếu là nâng cao kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Trong khi đó, mục tiêu lớn nhất khi thu hút các nhà đầu tư lớn như Samsung vào Việt Nam là tạo sức lan tỏa, kết nối doanh nghiệp nội, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lại vẫn đang “dậm chân” tại chỗ.

Bày tỏ quan điểm chia sẻ khi công bố 170 linh kiện cần các doanh nghiệp Việt cung ứng để sản xuất các sản phẩm điện thoại thông minh, song những linh phụ kiện đơn giản như sạc pin, vỏ nhựa, tai nghe… doanh nghiệp Việt cũng “lắc đầu” với cơ hội lớn, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, phần lớn các hiệp hội và doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp điện tử đã có kinh nghiệm sản xuất lâu năm trên thị trường Việt Nam, cũng chưa làm được vì không đáp ứng được về mặt công nghệ và giá thành sản phẩm.

Điều này đã khiến các doanh nghiệp Việt đành phải “ngậm ngùi” đứng ngoài chuỗi giá trị cung ứng của Samsung, khi hiện chỉ có 7 doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn này.

Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì; một số tham gia ở khâu cao hơn nhưng chỉ làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4 với các đơn hàng nhỏ lẻ. Trước đó, với hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, doanh nghiệp nội địa cũng không thể đón bắt được các cơ hội.

Như trường hợp của tập đoàn sản xuất chíp hàng đầu thế giới Intel, mặc dù đã tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, song đến nay cũng chỉ có 20 doanh nghiệp nội trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho Intel.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, quản lý thu mua của Intel Việt Nam, cho biết, các doanh nghiệp cung ứng cho Intel chủ yếu trong lĩnh vực bao bì đóng gói, vật liệu làm sạch, thuốc tẩy… Còn với những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì doanh nghiệp nội vẫn chưa có khả năng đáp ứng, trong khi mỗi năm Intel vẫn phải chi ra cả tỷ USD để nhập khẩu.

Tương tự với hàng loạt các doanh nghiệp FDI khác, khả năng cung ứng linh kiện, thiết bị của doanh nghiệp nội còn hạn chế, khi tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp chỉ đạt ở mức thấp. Đơn cử như trường hợp với Cannon, đến cả các linh kiện đơn giản như cán cuộn, lò xo hay thậm chí cả… băng dính cho máy in, doanh nghiệp này cũng phải nhập khẩu.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (Vama), hiện có 18 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong ngành sản xuất ôtô, song chỉ có 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp và không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo VCCI, hiện doanh nghiệp lớn và vừa chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số doanh nghiệp, nên năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng để tham gia vào chuỗi cung ứng còn hạn chế, trong khi các doanh nghiệp chỉ hướng vào thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, dù đã có nhiều tập đoàn quốc gia có hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam nhưng do những hạn chế về năng lực sản xuất, hạ tầng cung ứng, logistics… nên phần lớn các doanh nghiệp Việt chỉ tham gia được ở những khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài lý do chính yếu về năng lực cung ứng của những doanh nghiệp Việt còn hạn chế, mà bản thân các chính sách liên kết, kết nối của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội cũng còn bất cập, chưa thực sự tạo ra sức lan tỏa cho doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của Samsung, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bày tỏ sự tán đồng cao khi tập đoàn này đã có chủ trương kết nối với doanh nghiệp nội khi chủ động tổ chức Hội nghị kết nối với các nhà sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, nếu hoạt động kết nối này chỉ dừng lại ở các hội nghị, hội thảo mang tính “hình thức” sẽ không mang lại kết quả thực sự, nếu ngay sau đó Samsung không có thêm những kế hoạch hành động và lộ trình cụ thể để doanh nghiệp nội tiếp cận chuỗi cung ứng của Samsung.

Với hàng loạt các chính sách thu hút FDI, đặc biệt ưu tiên cho các tập đoàn lớn đa quốc gia, đã giúp cho hoạt động đầu tư nước ngoài có nhiều điểm mới khi có sự xuất hiện của nhiều dự án của những nhà đầu tư tên tuổi trên thế giới như: LG, Samsung, Intel, Microsoft, Mitsubishi… Đây được xem là “cơ hội vàng” cho doanh nghiệp sản xuất thiết bị, linh phụ kiện Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực sản xuất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài những đóng góp về tạo việc làm, gia tăng kim ngạch, mục tiêu lớn nhất của thu hút FDI là kết nối với doanh nghiệp nội vẫn chưa đạt được. Trên thực tế, trong phần lớn các ngành thì doanh nghiệp Việt vẫn phải “ngậm ngùi” nằm ngoài chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp FDI luôn đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi “quá sức” với doanh nghiệp nội.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có chính sách mới về thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều ưu tiên, ưu đãi. Bản thân các nhà sản xuất nội địa cũng đang dần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm để có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trình độ người Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, vì tại các nhà máy công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI, phần lớn người Việt Nam đều đang làm việc. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu về chất lượng, chúng ta cần phải đáp ứng yêu cầu về giá cả và thời gian giao hàng, năng lực sản xuất.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư sản xuất, công nghệ, giới thiệu sản phẩm… hơn là chờ hỗ trợ. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần chủ động xây dựng các kế hoạch kết nối với doanh nghiệp để từ đó, doanh nghiệp đánh giá được các cơ hội, thách thức và năng lực cung ứng để hoàn thiện mình.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cần phải xác định rõ công nghiệp hỗ trợ là ngành đóng vai trò “xương sống” trong nền công nghiệp. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, cụ thể là các ngành dệt may, cơ khí – điện tử, lắp ráp máy… với các nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, đối với doanh nghiệp, phải nhìn nhận dưới hai góc độ: Năng lực tư duy và năng lực thực hành.

Về năng lực tư duy, có thể khẳng định doanh nghiệp Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện đầu tư rất ít cho khoa học công nghệ, nên năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu. Điều này cản trở việc doanh nghiệp có đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh và hội nhập

Doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường 2016 sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Xu hướng chung là các doanh nghiệp sẽ phải tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, định vị rõ hơn vị trí của mình trên thị trường. Trong giai đoạn khó khăn nhưng lại cũng là thời điểm để doanh nghiệp gạn lọc, phát triển tốt hơn từ tinh thần đến hệ thống kinh doanh.

Theo đó, để tồn tại, mỗi doanh nghiệp phải tự định hình cho mình một mô hình kinh doanh phù hợp… Đồng thời, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật những thông tin về tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tránh tình trạng không kịp xoay sở trước khả năng cạnh tranh lớn của các đối tác khác khi thị trường mở cửa hoàn toàn.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và chủ động hội nhập, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế.

Thực hiện nghiêm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm bớt chi phí và thời gian của doanh nghiệp trong thành lập, phá sản doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng…

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp, chương trình hành động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 – 2015, đề xuất nội dung xây dựng kế hoạch phát triển các doanh nghiệp này giai đoạn 2016 – 2020. Chính phủ yêu cầu sớm đưa quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 11855/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015 gồm 212 đề án của 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng.

Việc phê duyệt sớm chương trình tạo điều kiện chủ động đẩy nhanh quá trình triển khai đề án của các đơn vị chủ trì, giúp các doanh nghiệp có thể tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm như thông lệ quốc tế. Tránh dồn các hoạt động của chương trình vào thời điểm cuối năm. Qua đó, giúp doanh nghiệp tận dụng được thêm nhiều các cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất với Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn những vấn đề doanh nghiệp gặp phải khi hội nhập, hoặc hỗ trợ về tài chính, hay lựa chọn và hỗ trợ những doanh nghiệp lớn nằm trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu để cạnh tranh, đối ứng với doanh nghiệp nước ngoài nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước…

Giống như Hàn Quốc từng có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn trong nước phát triển mạnh, đủ sức cạnh trạnh và có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Theo Thông tin Tài chính