Manh mún trong phát triển logistics

Đồng Nai là tỉnh hội tụ rất nhiều ưu thế để phát triển lĩnh vực logistics. Nhưng những năm qua, lĩnh vực này được các doanh nghiệp (DN) phát triển hết sức manh mún.

Theo các chuyên gia trong ngành, đã đến lúc Đồng Nai có chiến lược phát triển một trung tâm logistics, không chỉ phục vụ cho tỉnh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thiếu chuyên nghiệp

Anh Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH Wasea (TP.Hồ Chí Minh) – chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng cho một số DN tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Amata, cho rằng dịch vụ logistics chưa phát triển nên chi phí của các DN sản xuất trong nước hiện nay cao hơn khoảng 15% so với các DN làm hàng xuất khẩu trong khu vực. Điều đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN sản xuất.

Máy nông nghiệp được nhập khẩu từ Nhật Bản đang lưu tại Trung tâm kho vận logistics của Công ty Sankyu Logistics Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.
Máy nông nghiệp được nhập khẩu từ Nhật Bản đang lưu tại Trung tâm kho vận logistics của Công ty Sankyu Logistics Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, hiện tại dịch vụ logistics trong nước mới dừng lại ở khâu làm thủ tục hải quan và chở hàng ra đến cảng. Đây mới chỉ là một phần của dịch vụ logistics. “Hiện nay các DN dịch vụ logistics chủ yếu làm thủ tục hải quan, DN nào khá hơn một chút thì có được vài chiếc xe kéo container. Logistics như vậy là thiếu chuyên nghiệp” – ông Tuấn nói.

Ông Morikawa Akira, tổng quản lý Trung tâm kho vận logistics tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 thuộc Công ty Sankyu Logistics Việt Nam chia sẻ, logistics ở Việt Nam còn khá mới chưa phát triển mạnh. Hệ thống giao thông  phát triển chậm cũng là một trở ngại cho ngành dịch vụ logistics. Là một trong những DN hoạt động trong lĩnh vực hậu cần gần 100 năm ở Nhật Bản, Công ty Sankyu đã nhìn thấy rõ những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam và đang tập trung đầu tư mạnh vào ngành này. Tại Nhơn Trạch, Công ty Sankyu Logistics Việt Nam đã xây dựng cả những kho ngoại quan chuyên nghiệp để cho các DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước thuê.

Tạo sức hút đầu tư

TS.Lý Bách Chấn, chuyên gia về logistics, người đang tư vấn cho Đồng Nai về quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, phân tích: “Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, vì vậy dịch vụ  logistics hết sức quan trọng. Đây là ngành dịch vụ thực hiện quá trình lưu thông phân phối hàng hóa, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế không chỉ riêng cho Đồng Nai mà còn tác động đến cả vùng”.

Cũng theo TS.Chấn, Đồng Nai có vị trí địa lý và hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy hết sức thuận tiện trong giao thương với các tỉnh trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa. Hai dự án mà TS.Chấn hết sức tâm đắc là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, khi được xây dựng sẽ thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh.

Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải  quan Đồng Nai, cho rằng phát triển logistics của tỉnh đã đến lúc cần phải thực hiện bài bản. Việc quy hoạch phát triển logistics là hết sức cần thiết để các DN trong lĩnh vực này mạnh dạn đầu tư. Ông Danh nhấn mạnh: “Nếu không có quy hoạch, các DN sẽ không dám đổ vốn đầu tư. Trong khi đó, Đồng Nai đang cần xây dựng một trung tâm logistics mang tầm khu vực”. Ông Danh cũng cho biết thêm, mới đây Cục Hải quan Đồng Nai đã phối hợp với một trường đại học của Hàn Quốc đào tạo cán bộ chuyên ngành về logistics để phục vụ cho việc phát triển ngành này trong thời gian tới.

Theo Báo Đồng Nai