Đánh thức logistics đường sắt

Nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn phát triển vận tải đường sắt đều có chung nhận định dịch vụ logistics đường sắt (vận tải, thông quan đến lưu thông hàng hóa) đang “ngủ quên” quá lâu và cần sớm được “đánh thức” để phát huy tiềm năng vận tải đường sắt, đồng thời “chia lửa” với đường bộ, đường thủy…
Ngủ quên
Thực tế tại các ga đường sắt hiện nay cho thấy, hệ thống kho bãi của hầu hết các ga đều chưa được quy hoạch, sắp xếp thiếu hợp lý, khâu bốc xếp thiếu chuyên nghiệp… Điều này khiến cho các doanh nghiệp mất nhiều thời gian vận hành, chi phí tốn kém, do vậy, không thu hút được những khách hàng có nguồn hàng ổn định. Điều này cũng làm hạn chế vai trò, vị trí địa lý của các nhà ga, nơi trung chuyển, kết nối vận tải với các tuyến đường sắt liên vận hay với các cảng biển lớn: Hải Phòng, Cái Lân…

Ga Yên Viên sẽ được xây dựng thành ga trung chuyển hàng hóa lớn nhất miền Bắc.

Bên cạnh đó, do nguồn vốn hạn hẹp, nên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR – Bộ GTVT) không thể đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa cải tạo thường xuyên các nhà ga, kho bãi, dẫn đến tình trạng hàng hóa trung chuyển qua các ga ngày càng sụt giảm. Đơn cử như tại ga Yên Viên, đến nay VNR mới chỉ đầu tư cải tạo được khoảng 3.000/17.000 m2 bãi hàng container. Thực tế này cũng khiến hàng chục năm qua, hàng hoá trung chuyển qua ga chỉ đạt gần 1/3 công suất và lượng hàng trung chuyển có xu hướng giảm từ 10 – 15% mỗi năm.
Các doanh nghiệp vận tải đường sắt thống kê: Tỷ lệ logistics đường sắt hiện rất nhỏ so với đường bộ, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng rất thấp. Tính chung, dịch vụ logistics đường sắt chỉ đáp ứng khoảng 10% khối lượng vận chuyển hàng hóa, tập trung vào tuyến Bắc – Nam và Hải Phòng – Lào Cai.
Chưa hết, nhiều chuyên gia đường sắt còn đặt câu hỏi: Tại sao trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với hệ thống giao thông đô thị hiện đại, nhưng tuyến đường sắt huyết mạch vẫn lưu thông với tốc độ “rùa” và công nghệ lạc hậu. Đã đến lúc, ngành đường sắt phải xã hội hóa đầu tư để xây dựng lại.
Ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt (ITL) nhận định: Do “ngủ quên” một thời gian khá dài so với các loại hình vận chuyển khác, nên ngành đường sắt hiện nay cần rất nhiều vốn và công nghệ để hiện đại hóa các quy trình tác nghiệp. Theo mô hình chuỗi cung ứng logistics trên thế giới, đường sắt phải kết nối với các cảng biển nhằm đảm bảo sự lưu thông trong vận hành hàng hóa, container và chia sẻ gánh nặng cho đường bộ. Tuy nhiên, khâu kết nối và chia sẻ với đường bộ hiện lại đang yếu nhất.
Ga Yên Viên “mở hàng”
Trước thực tế trên, để “mở hàng” cho chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư đường sắt, phát triển logistics đường sắt, nhằm giảm tải cho đường bộ và kết hợp hài hòa với các phương thức vận tải khác, nhà đầu tư ITL đã được Bộ GTVT phê duyệt thực hiện dự án đầu tư kinh doanh Trung tâm đường sắt logistics Yên Viên theo hình thức BOT. Đây được ví như tiếng gọi thức tỉnh sau nhiều năm “ngủ quên” của ngành đường sắt.
Theo dự án này, ngoài những dịch vụ đường sắt cơ bản, trung tâm logistics Yên Viên sẽ cung cấp những dịch vụ chuyên biệt, đáp ứng yêu cầu đa dạng khác nhau của các khách hàng như: Cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt với các loại hàng nguyên container; quản lý kho hàng; vận tải, chuyển kho; dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng… Từ đó, có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào đường bộ, vì khi đưa vào sử dụng cũng sẽ giảm thời gian thao tác vận hành xếp dỡ hàng tại ga Yên Viên, đi kèm với việc giảm đáng kể thời gian giao nhận hàng đối với chủ hàng, cũng như kết nối hiệu quả với các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường biển.
Ông Bùi Quang Liên cho biết: Dự án xây dựng Trung tâm logistics đường sắt sẽ được hoàn thành trong vòng 4 tháng, với tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, dự kiến vận hành trong quý II/2016. Sau khi hoàn thành, trung tâm sẽ có diện tích rộng 15.700 m2 chia làm ba khu vực văn phòng, xếp container rỗng và đường đi tác nghiệp xe hàng. Trung tâm hoạt động dịch vụ tổng hợp gồm: Vận chuyển đường sắt, đường bộ, kho bãi, hải quan… kết nối khép kín với các cảng Hải Phòng, Cái Lân, giảm chi phí logistics cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận và giảm tải cho QL5, QL18. Ngoài ra, dự án còn giúp tăng nhanh tốc độ quay vòng các đoàn tàu Bắc – Nam nhờ vào công nghệ quản lý và thiết bị xếp dỡ hiện đại.
Tiến Hiếu