“Hòn đá tảng” của công tác kiểm tra chuyên ngành

 Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 với mục tiêu “Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ XNK phù hợp với thông lệ quốc tế và chuyển mạnh sang hậu kiểm”. Tuy nhiên, quyết tâm này của Chính phủ dường như đang gặp phải “tảng đá” lớn.

kiem-tra-chuyen-nganh
Công tác kiểm tra chuyên ngành đang là ột trong những hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính

Theo số liệu khảo sát cộng đồng DN của Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện – GIG (do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ – USAID tài trợ), thời gian thông quan hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành thường bị kéo dài hơn so với hàng hóa thông thường, đặc biệt là đối với hàng nhập khẩu.

Đụng đâu vướng đó

Nguyên nhân là do nhiều danh mục hàng hóa được các bộ, ngành ban hành chưa phù hợp với yêu cầu quản lý, còn thiếu mã số HS, thiếu thông tin kỹ thuật, mô tả hàng hóa… Có nhiều hồ sơ yêu cầu phải có tới 10 loại giấy tờ, chứng từ nhưng có những thứ không thực sự cần thiết. Cách thức giải quyết thủ tục cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Phần lớn hàng hóa kiểm tra chuyên ngành DN phải nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý bằng phương thức thủ công trong khi mục tiêu cải cách thủ tục đang hướng tới một cửa quốc gia khiến thời gian cấp phép thông thường kéo dài từ 7 – 15 ngày.

Ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Với chức năng đại diện cho các bộ, ngành trong thực hiện các thủ tục cuối cùng trước khi thông quan hàng hóa, cơ quan Hải quan thấy công tác quản lý chuyên ngành hiện nay đang là gánh nặng với cả cộng đồng DN và cơ quan Hải quan bởi thực tế thiếu nhiều văn bản hướng dẫn của bộ, ngành đối với các mặt hàng trong danh mục cấm.

Đại diện Phòng Kế hoạch, Khoa học và Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị quản lý chuyên ngành cũng thừa nhận: Khi ban hành một số văn bản, Cục mới chỉ đưa ra thông tin chung chung nên khó thực hiện trong thực tế. Ví dụ, khi đưa mặt hàng sợi vào diện kiểm dịch thực vật, Cục chưa ban hành mã số, trong khi thực tế riêng mặt hàng sợi có tới hàng chục loại khác nhau, chiếm tới 2 trang trong mã số HS của Biểu thuế XNK của cơ quan hải quan. Trong khi đó nhiều mặt hàng sợi trong danh mục này không cần phải kiểm dịch vì đã được xử lý trước đó.

Hải quan tìm cách gỡ

Để giải quyết tận gốc của vấn đề, ngành hải quan đề nghị nên quy định lại danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng chọn lọc, trọng điểm. TCHQ cũng chủ động xây dựng hoàn thiện Đề án “giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu”. Theo đó, ngành hải quan đề xuất, ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này thì cần phải đổi mới về phương pháp kiểm tra chuyên ngành. Các bộ cần giảm số lượng hàng hóa tại danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan để kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả cao. Tăng cường biện pháp để thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại 3 thời điểm khác nhau: Kiểm tra tại nước XK; Kiểm tra hàng hóa hoặc căn cứ vào giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước XK để miễn, giảm kiểm tra khi NK vào Việt Nam; Kiểm tra tại nước NK; Chỉ áp dụng bắt buộc đối với trường hợp hàng hóa có độ rủi ro cao, không có chứng nhận của nước XK… Kiểm tra hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng đối với hàng hóa có độ rủi thấp. Việc phối hợp kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK tại cửa khẩu phải được phối hợp chặt chẽ với kiểm tra trước khi hàng đến cửa khẩu để XK, NK  và kiểm tra hàng hóa đưa vào nội địa; lấy mẫu đưa vào trong nội địa để kiểm tra.

Định hướng giai đoạn 2018-2020 sẽ thành lập tổ chức bộ máy kiểm tra chuyên ngành chung tại cửa khẩu.

M.Linh
Theo DDDN