Xi măng Việt Nam trước bài toán tăng trưởng “nóng”

Hiện Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng, song khó khăn đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu đều chưa có kinh nghiệm, đang phải tự bươn chải, thiếu sự liên kết, chưa có hợp đồng dài hạn, hầu như chỉ quan hệ với một khách hàng…

Bỏ “giải pháp tình thế”

Tại Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” diễn ra sáng 23/4 tại Hà Nội,  Thứ trưởng  Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sau nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker.

Đến nay, sau bốn năm gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu  với mức tăng trưởng nhanh và ấn tượng, trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng đầu các nước  Đông Nam Á. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần so với 2010.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2014, tổng tiêu thụ đạt 71 triệu tấn sản phẩm, trong đó nội địa là 50,6 triệu tấn và xuất khẩu là 20,4 triệu tấn. Hiện công suất toàn ngành ximăng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%.

Dù vậy, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, hoạt động xuất khẩu của ngành xi măng Việt Nam còn khá nhiều khó khăn và phát triển không bền vững. Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung không cao, lại mới bắt đầu gia nhập thị trường quốc tế nên chỉ có nhiều kinh nghiệm trong buôn bán thương mại quốc tế, cạnh tranh thương trường cũng như đáp ứng các quy định khắt khe của các nhà nhập khẩu.

rez_567_sxximang
Xi măng Việt Nam trước bài toán tăng trưởng “nóng”

Cùng quan điểm trên, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng,  doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp, cho nên việc khai thác tận gốc thị trường xuất khẩu chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian.

Mặt khác, việc vận chuyển ximăng xuất khẩu còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp xi măng mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.

“Ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế, cho nên ngành ximăng phát triển thiếu bền vững cũng như không có hiệu quả lâu dài”, ông Lê Văn Tới nhấn mạnh.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, yếu tố đầu vào đang ảnh hưởng tới ngành xi măng và có thể đẩy chi phí lên cao. Ngoài ra, các nhà máy chủ yếu phục vụ sản xuất trong nước nên ưu tiện đặt gần nguyên liệu, xa các cảng biển trong khi chủ yếu xuất khẩu chủ yếu phải gần các cảng.

“Việc vận chuyển ngay trong nội địa cũng khó khăn chứ chưa nói đến xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam, bên cạnh các thị trường Đông Nam Á còn có nhiều thị trường có khoảng cách địa lý rất xa. Vì vậy, nếu để lâu xảy ra sự đông kết của xi măng thì rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó, các khó khăn khác đặt ra là các doanh nghiệp đều đang phải tự bươn chải, thiếu sự liên kết,  chưa có hợp đồng dài hạn, hầu như chỉ quan hệ với một khách hàng…”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Phải giải được bài toán “tăng trưởng bền vững”

Do nguồn tài nguyên để sản xuất xi măng trong nước rất dồi dào với dự báo đến năm 2020, công suất của ngành này có thể đạt 100 triệu tấn ximăng/năm, Thứ trưởng  Nguyễn Trần Nam cho rằng, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này cần được ủng hộ, đầu tư…để  trở thành lĩnh vực xuất khẩu ổn định, bền vững, trở thành kênh tiêu thụ cho ngành xi măng và đóng góp nguồn thu ngoại tệ cho đất nước…

“Quan điểm của tôi là ủng hộ xuất khẩu vì tiềm năng trong nước còn rất lớn. Tuy nhiên, do công suất lớn như vậy nên ngành xi măng cũng cần giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững, cũng như ít tác động đến môi trường”, ông Nguyễn Trần Nam cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Tới cho rằng, Nhà nước cần định hướng cho việc xuất khẩu sản phẩm xi măng lâu dài với khối lượng từng thời kỳ hợp lý. Như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp có điều kiện xuất khẩu có sự đầu tư về khai thác thị trường, phương tiện logistics …một cách lâu dài.

“Việc điều tiết của Nhà nước sẽ được thực hiện bằng thuế. Ví dụ khu nguồn cung cân bằng hoặc thiếu so với nhu cầu, có thể áp dụng thuế xuất khẩu 5%-10%”, ông Lê Văn Tới nêu quan điểm.

Nêu giải pháp về logistics cho vận chuyển xi măng, clinker- một trong những khó khăn của vận chuyển xi măng trong nước và xuất khẩu- đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất xi măng và doanh nghiệp logistics, tạo thành một chuỗi cung ứng, từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm đầu ra trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

“Trong chuỗi cung ứng này, vai trò của doanh nghiệp logistics rất quan trọng, góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất xi măng có giải pháp giảm giá thành sản phẩm.  Ngoài ra, để mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho chính doanh nghiệp thì họ cần phải thay đổi dần phương thức xuất nhập khẩu “mua CIF, bán FOB” sang bán CFR, CIF, mua FOB”, đại diện này chia sẻ.

Và trên hết, đề xuất  về tìm hướng đi lâu dài, bền vững cho xuất khẩu xi măng, ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Bên cạnh những nỗ lực và đổi mới của doanh nghiệp, xuất khẩu cần được xác định là một hướng đi rõ ràng. Khi đó, cần phải có đầu tư và chiến lược riêng rẽ, hơp lý hóa giao – nhận…Ngoài ra, vai trò của Hiệp hội Xi măng phải được thúc đẩy, phát huy cao hơn nữa, đặc biệt cần có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xi măng đồng thời là cầu nối với các cơ quan Nhà nước”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh./.

Quỳnh Anh