Kênh đào Panama – Một công trình huyền thoại

(HQ Online)- Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhắc tới “Hồ sơ Panama” – vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Thế nhưng, Panama không chỉ là một “thiên đường thuế” như trong hồ sơ trên mô tả mà quốc gia Trung Mỹ này còn nổi tiếng với những nét đẹp văn hóa lịch sử, tự nhiên vốn có của mình, với những loài bướm độc đáo nhiều vô kể mà chỉ nơi đây mới có, với kênh đào Panama – tuyến đường thủy quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương…

Kênh đào Panama - Một công trình huyền thoại
Kênh đào Panama nhìn từ trên cao

 

Chỉ sau 10 phút chạy xe ra khỏi thành phố Panama, qua một con đường nhựa chạy giữa cánh rừng rậm rạp và một bốt gác bỏ hoang là tới khu vực khá yên tĩnh với nhiều biệt thự sang trọng. Đây là khu vực kênh đào, từng là Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Mỹ – nơi mà 17 năm về trước, ngay cả người Panama cũng không được phép vào. Đi qua một tấm biển lớn với hàng chữ: “Chào mừng quý khách đến kênh đào Panama”, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một công trình vĩ đại được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.

Thoạt nhìn, kênh đào và những âu tầu không có gì quá to tát đối với sức người và khoa học – kỹ thuật hiện nay. Nhưng việc xây dựng nó ở thời điểm cách đây hàng thế kỷ thật không đơn giản chút nào. Nhà hàng hải Cristophe Colombus đặt chân lên vùng đất mà nay là Panama năm 1502 và 8 năm sau đó người Tây Ban Nha bắt đầu đến định cư. Người Tây Ban Nha đã sớm nhận ra lợi ích của việc mở một đường thủy giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua phần hẹp nhất của Trung Mỹ để rút ngắn hành trình của các con tàu. Năm 1534, Vua Carlos V của Tây Ban Nha đã ra lệnh khảo sát địa hình để đào một con kênh qua “cái eo” chỉ rộng 80 km của châu Mỹ. Nhưng một công trình khổng lồ như vậy vượt quá khả năng của thời đó.

Năm 1894, người Pháp lại thành lập công ty Compagnie Nouvelle du Canal de Panama và quyết định xây dựng kênh đào có những âu tàu để nâng tàu từ mặt biển lên mặt hồ tự nhiên Gatun, rồi hạ nó xuống mặt biển ở bờ bên kia, như vậy sẽ tránh phải đào một khối lượng đất đá khổng lồ nếu xây kênh đào sâu bằng mực nước biển. Nỗ lực thứ hai này của người Pháp cũng thất bại do thiếu kinh phí và các đại diện công ty phải bán dự án cùng trang thiết bị cho người Mỹ.

Năm 1904, Mỹ mua quyền sở hữu công ty kênh đào Panama của Pháp với giá 40 triệu USD. Nhưng trước đó, năm 1903, sau khi Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia, nước này đã ký với Mỹ Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, theo đó Mỹ đảm nhận việc xây dựng kênh đào. Sau 10 năm xây dựng với sự tham gia của 75.000 người và chi phí 400 triệu USD, kênh đào đã được khánh thành ngày 15-8-1914.

Năm 1977, Tổng thống Panama Omar Torrijos và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký Hiệp ước Torrijos- Carter về việc trao trả kênh đào cho Panama. Năm 1979, hiệp ước bắt đầu có hiệu lực và hai bên tiến hành quá trình bàn giao kênh đào. Trưa 31-12-1999, Panama tiếp quản kênh đào và khôi phục chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Phần lớn tuyến kênh dài 80 km không phải đào mà đi qua các hồ tự nhiên. Các con tàu qua được kênh là nhờ ba hệ thống âu tàu. Mỗi âu có hai làn kênh hoạt động như một thang máy bằng nước để nâng tàu lên độ cao 26 mét của mặt hồ Gatun, sau đó lại hạ tàu xuống mực nước biển của bờ bên kia. Phần lời thời gian hành trình qua kênh, các tàu đều tự vận hành, nhưng khi qua các âu tàu, tàu được hỗ trợ thêm bởi bốn hoặc tám đầu máy xe lửa chạy bằng điện trên đường ray răng cưa.

Để xây dựng con kênh này, người ta đã phải đào và di chuyển 152,9 triệu mét khối đất đá. Nếu vận chuyển khối lượng này trên tàu hỏa thì đoàn tàu dài bốn lần chu vi trái đất.

Ngày 7-1-1914, tàu Alexander La Verlly là con tàu đầu tiên đi qua kênh đào nhưng lễ khánh thành chính thức được tiến hành ngày 15-8-1914 với chuyến đi cuả tàu SS Ancon.

Hơn 100 năm nay, từng chiếc tàu vẫn xếp hàng qua kênh đào cả ngày lẫn đêm. Con đường hàng hải nhân tạo này mãi là niềm tự hào của người dân Panama.

Thanh Phương