Ông Ngô Chung Khanh (phải, ngoài cùng) tại buổi thảo luận hôm 14-4 về TPP tại TP.HCM. Ảnh: Thu Nguyệt
Tại hội thảo “TPP: Những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 14-4 tại TP.HCM với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Khanh nói ông nghĩ ngay đến ngành bán lẻ và logistics khi được hỏi ngành dịch vụ nào của Việt Nam chịu nhiều thách thức từ TPP.
Chưa bàn đến TPP, hiện cũng đã có nhiều câu hỏi được đặt ra là nếu cả hệ thống siêu thị Big C và Metro Cash&Carry đều bị doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại như thế nào. Trong khi đó, với cam kết của Việt Nam trong TPP, sau năm năm (tức vào năm 2023 nếu TPP có hiệu lực từ năm 2018), Việt Nam sẽ bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ các nước TPP, nghĩa là các nhà bán lẻ nước ngoài có thể mở cơ sở bán lẻ ở bất cứ đâu.
Lâu nay, ENT (xem xét dựa trên mật độ dân cư trên địa bàn quận, huyện) được áp dụng khi nhà đầu tư nước ngoài muốn lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất. Quy định này được đưa ra như một cách hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Việc kiểm tra ENT không áp dụng cho việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất có diện tích dưới 500 m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngành dịch vụ thứ hai chịu thách thức lớn, theo ông Khanh, là ngành logistics. Với cam kết của Việt Nam trong TPP, các tập đoàn lớn ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn khi cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Giải thích về nhận định này, ông Khanh đưa ra trường hợp cụ thể: Chẳng hạn như, công ty chuyển phát nhanh UPS (Mỹ) muốn có một đội xe riêng thay vì phải nhờ qua công ty Việt Nam. Với quy định hiện nay của Việt Nam, công ty không thể thực hiện được điều này. Ngoài ra, nếu muốn thực hiện các thủ tục hải quan, UPS phải lập một liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Có nghĩa là, với cam kết hiện nay của Việt Nam trong WTO, một doanh nghiệp nước ngoài không thể cung cấp một dịch vụ logistics trọn gói. Tuy nhiên, với TPP, họ có thể làm được việc này.
Ngoài ra, cũng theo ông Khanh, bất động sản, chứng khoán có thể là những ngành dịch vụ có cơ hội lớn, ngay cả trước và sau khi TPP có hiệu lực, vì những kỳ vọng của nhà đầu tư trong và ngoài nước về hiệp định này. Ngoài ra, đối với chứng khoán, trong TPP, Việt Nam có cam kết về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, tức tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, với Nghị định 60, doanh nghiệp Việt Nam được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100%, nếu lĩnh vực kinh doanh không thuộc ngành nghề hạn chế kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư. Nhưng với TPP, Việt Nam cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua không hạn chế cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực mà Việt Nam không có hạn chế trong biểu cam kết. Trong khi đó, trong TPP, Việt Nam gần như không có hạn chế trong lĩnh vực sản xuất.
Cũng theo ông Khanh, các nước trong TPP rất mạnh về dịch vụ, nên không có chuyện họ cho phép Việt Nam cam kết mở cửa trong TPP ngang với cam kết trong WTO. Do đó, có những lĩnh vực mà Việt Nam chấp nhận mở cửa, như cho phép thành lập công ty 100% sở hữu nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, nhìn chung, biểu cam kết về dịch vụ và đầu tư được liệt kê hầu hết giống với pháp luật hiện nay của Việt Nam, nên các ngành dịch vụ về cơ bản sẽ như điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, với phương pháp đàm phán chọn – bỏ trong TPP, Việt Nam chỉ có thể liệt kê ra những ngành hạn chế, còn lại phải mở cửa toàn bộ. Có nghĩa là, với nhiều ngành nghề dịch vụ mới (có thể xuất hiện trong tương lai – PV) không được liệt kê trong danh sách này, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho đầu tư nước ngoài.