Hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long: Ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo, thủy sản?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã công bố tình trạng thiên tai cấp 1, thậm chí một số tỉnh đã công bố tình trạng thiên tai cấp 2. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng gạo và thủy sản của vùng.

Hạn, mặn khốc liệt

Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Mùa khô năm nay, do thiếu nước ngọt, mặn đã xâm nhập sâu vào ĐBSCL sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm đến 2 tháng và có khả năng kết thúc muộn hơn. Các nguồn tin phổ cập đều cho biết hầu như tại các cửa sông trong vùng, mặn đã xâm nhập sâu 50-70km. Các vùng cách cửa biển từ 30-40km trải dài từ Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang không thể lấy nước ngọt. Trên sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn sâu trên 90km, sâu hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 15-25km. Có những nơi chưa từng bị xâm nhập mặn như Vĩnh Long thì nay đã bị nước mặn “tấn công”. Một số dự báo cho rằng, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL trong thời gian tới, thậm chí có thể kéo dài tới tháng 6.2016.

Các nhà khoa học đã phân tích khá nhiều về các nguyên nhân xảy ra đợt hạn và xâm nhập mặn khốc liệt này. Biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét ở ĐBSCL, nước biển dâng, mưa trái mùa bất thường, hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2015 đến nay. Trong khi đó, nước thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bên cạnh đó là những bất cập của nhiều công trình thủy lợi bấy lâu nay, hệ thống bao chống mặn cùng với việc san lấp các hồ chứa nước, việc chống ngập lũ cho các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên với hàng loạt kênh thoát lũ ra biển Tây trước đây… cũng làm cho khả năng điều tiết tự nhiên trở nên hạn chế.

Tác động ban đầu

Hạn, mặn không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái, cây công nghiệp, thủy sản và là nguy cơ dẫn đến cháy rừng.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong vụ Đông Xuân 2015-2016, 8 tỉnh ven biển ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu và Hậu Giang đã xuống giống hơn 971.200 ha (chiếm 62,2% diện tích lúa của toàn vùng), trong đó khoảng 339.234 ha có nguy cơ bị hạn hán, xâm nhập mặn (chiếm 35,51% diện tích xuống giống của vùng ven biển). Điển hình, tại tỉnh Kiên Giang, đã có hơn 34.000 ha lúa của tỉnh bị thiệt hại và con số đó sẽ còn tăng thêm nếu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài. Ước tính sơ bộ cho thấy, chỉ đến giữa tháng 2.2016, nông dân ĐBSCL đã bị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Sản lượng lúa ĐBSCL ước giảm khoảng 700.000 tấn so với cùng kỳ. Nếu mặn xâm nhập kéo dài đến tháng 6.2016, sẽ có 500.000ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng lớn, tương đương 1 triệu hộ với khoảng 5 triệu người gặp khó khăn, trong đó có 150.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Cũng do tác động của xâm nhập mặn, diện tích vùng nuôi thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Hầu như toàn bộ vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ đều bị tác động. Những vùng nuôi thủy sản ở hạ lưu sông Hậu thuộc tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Số liệu thống kê ban đầu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 3.771ha, chưa kể diện tích nuôi cá tra và cá lóc bị thiệt hại. Cà Mau có trên 70% diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại (2.700 ha), kế đến là Trà Vinh, Bến Tre có diện tích bị thiệt hại từ 30-70%. Một số địa phương có nhiều mô hình nuôi tôm được đánh giá là bền vững như tôm – lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… cũng bị thiệt hại nặng.

Số liệu được công bố từ cuộc họp giao ban quý 1 của Tổng cục Thủy sản vào cuối tháng 3.2016 cho thấy, sản lượng khai thác thủy sản 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 722.100 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khai thác biển ước đạt 683.800 tấn, tăng 3,9%, song khai thác nội địa chỉ đạt khoảng 38.000 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Về tôm nuôi, do hiện tại người dân ĐBSCL nuôi thả cầm chừng để thăm dò, chờ nước ngọt về, cùng với tình trạng chờ nước ngọt để tiến hành vụ sản xuất mới tại các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung, sản lượng thu hoạch tôm lũy kế 3 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, ước đạt khoảng 58.500 tấn, bằng 95,1%, trong đó tôm sú khoảng 36.000 tấn bằng 97,3%, tôm thẻ chân trắng 22.500 tấn, bằng 91,8%.

Tình hình đó đã dẫn đến thực tế thiếu nguồn nguyên liệu tại nhiều nhà máy chế biến thủy sản trong vùng. Theo Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), địa phương nuôi tôm lớn nhất nước, nguồn hàng cung ứng trong mấy tháng qua chỉ đạt 37-38% công suất chế biến của các nhà máy. Trong số 33 nhà máy chế biến của toàn tỉnh, có 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số nhà máy đang hoạt động. Trước tình trạng cung không đủ cầu, nhiều doanh nghiệp phải nhập tôm nguyên liệu về chế biến. Theo Bộ NN&PTNT, trong quý 1/2016, VN đã phải chi 228 triệu USD NK nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản XK. Trong đó, nguồn cung nguyên liệu thủy sản chủ yếu đến từ Ấn Độ (34,1%), Na Uy (8,1%), Đài Loan (6,8%), Nhật Bản (5,5%) và Hàn Quốc (5,1%).

Cùng với tình trạng hạn hán ở tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đã khiến ngành nông nghiệp VN tăng trưởng âm lần đầu tiên sau nhiều năm. Số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại cuộc họp báo về GDP và lao động – việc làm quý 1/2016 vào chiều 25.3 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, GDP cả nước có dấu hiệu chững lại khi chỉ tăng 5,46%, thấp hơn mức 6,12% cùng kỳ 2015. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm, giảm 1,23%, trong đó, ngành nông nghiệp giảm mạnh nhất là 2,69%. Hoạt động XNK cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá XNK hàng hóa giảm mạnh 4,8% so với cùng kỳ.

Ứng phó thế nào?

Các giải pháp để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác đã được Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ngành ngân hàng cũng đã vào cuộc, sẵn sàng khoanh nợ, giãn nợ và cung ứng nguồn vốn mới cho các địa phương bị thiệt hại. Một số giải pháp quan trọng về quan hệ quốc tế và các nước trong khu vực cũng đã được đề cập.

Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết về lâu dài là làm sao để ĐBSCL phát triển bền vững trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp sống chung với hạn, mặn, đặc biệt là tái cơ cấu ngành trồng lúa, chọn hướng sản xuất thâm canh những cây trồng vật nuôi theo các hệ thống canh tác làm giàu bền vững tại vùng nhiễm mặn, có cách nhìn tổng thể về toàn bộ hệ thống của vùng và tránh việc từng địa phương phát triển riêng mà không quan tâm mức độ ảnh hưởng đến vùng khác. Người dân ven biển, đặc biệt là người nghèo sẽ không đủ nguồn lực để tự lo cho mình mà cần được Nhà nước hỗ trợ. Đó là những giải pháp vĩ mô và dài hạn cần sự chung tay góp sức của tất cả các bộ, ngành liên quan.

 

TS. Bùi Văn Danh
Vietnam Logistics Review