Được coi là có nhiều lợi thế khi gia nhập Hiệp định TPP nhưng ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về chuỗi cung ứng toàn cầu để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Các chuyên gia trong ngành dệt may cho hay, trước ngưỡng cửa TPP, thực hiện quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 và tầm nhìn 2035, ngành dệt may cần xây dựng chuỗi liên kết để phát triển. Đây là hướng đi mà các doanh nghiệp cần làm ngay.
Toàn ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, chiếm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo các chuyên gia, hiện nay mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may còn yếu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân là số lượng sản xuất của ngành mất cân đối, quy mô sản xuất nhỏ.
Hơn nữa, địa bàn hoạt động của các công ty, nhà máy nằm rải rác trong cả nước, chưa hình thành nhiều cụm công nghiệp dệt may.
Trong khi chất lượng sản phẩm của phần lớn doanh nghiệp dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chủng loại các mặt hàng cũng hạn chế và giá thành cao, tính cạnh tranh không cao.
Con số xuất khẩu của ngành may mặc dù gây ấn tượng mạnh trong những năm qua, nhưng giá trị gia tăng đạt được của ngành lại rất thấp.
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may như: xơ, sợi, hàng dệt may, vải mành và vải kỹ thuật khác đạt 27,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành dệt may phải nhập khẩu tới 16,6 tỷ USD nguyên phụ liệu; trong đó, nhập khẩu bông là 1,6 tỷ USD, xơ sợi các loại là 1,5 tỷ USD, vải 10,2 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may là 3,2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cùng với các nước trong khu vực, dệt may Việt Nam đang nằm dưới đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu, do chỉ đảm nhận khâu cắt và may.
Ngành này đã chọn con đường dễ đi, ít tốn kém nhất, đó là sản xuất gia công và kéo dài cho đến nay. Ngành cũng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Hiện nay, dệt may trong nước đang phải nhập khẩu tới 60% nguyên liệu của Trung Quốc.
Còn lại do trong nước sản xuất nhưng chủ yếu là hàng dệt kim, công nghệ đơn giản. Riêng đối với dệt thoi thì từ 70 đến 80% lại là nhập khẩu.
Việc sản xuất vải, sợi trong nước cũng đang gặp rất nhiều vấn đề khi lỗi sợi, lỗi vải diễn ra thường xuyên.
Thừa nhận những hạn chế của ngành dệt may, ông Phan Thế Vịnh, Giám đốc Công ty cổ phần May nông nghiệp cho biết, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu tham gia công đoạn gia công, còn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu.
Mặc dù có một số doanh nghiệp lớn như Dệt 8/3 hay Dệt Nam Định… đã tham gia sản xuất nguyên phụ liệu nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài hoặc nếu sản xuất được thì giá thành lại cao.
Ông Phan Thế Vịnh mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất được nguyên phụ liệu đầu vào đảm bảo chất lượng và giá thành cạnh tranh từ đó hạn chế nhập từ bên ngoài. Bởi nhập nguyên phụ liệu kể từ chiếc khuy áo cũng sẽ hạn chế giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bà Nguyễn Hoàng Yến, Viện Dệt may Việt Nam cho biết, doanh nghiệp dệt may mới đang dừng lại ở phần may là chủ yếu, muốn bắt đầu từ khâu sợi, nhuộm, dệt, doanh nghiệp phải đầu tư vào các nhà máy, cũng như con người…
Theo đó, các doanh nghiệp cần đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu để đáp ứng được với xu thế hiện tại. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức, tầm quan trọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Muốn mạnh phải sâu chuỗi, giá đồng đều, cạnh tranh nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí khách hàng.
Các doanh nghiệp trong ngành dệt may hiện vẫn đang mạnh về phần may theo hình thức gia công khiến chuỗi giá trị chỉ dừng ở mức độ thấp”- bà Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với một số thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) để tiến hành một số nghiên cứu về tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành dệt may tại một số nền kinh tế thành viên APEC; trong đó có Trung Quốc, Indonesia và Mexico.
Chia sẻ từ kinh nghiệm từ Indonesia, ông Acuviarta, chuyên gia kinh tế, Đại học Pasundan, Indonesia cho rằng, ngành dệt may đóng góp quan trọng về xuất khẩu của nước này.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu.
Đồng thời, hỗ trợ vay vốn ngân hàng; quy hoạch logistic, cảng kho bãi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; định hướng sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và áp dụng công nghệ để sản xuất các sản phẩm giá trị cao…./.
Hằng Trần
BNEWS/TTXVN