Phân phối sản phẩm công nghệ: Khi miếng bánh…“khó nhằn”!

Lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ ba bốn năm trước còn là một mảnh đất màu mỡ, nay, miếng bánh ngày càng teo tóp, “khó nhằn”…

Phân phối sản phẩm công nghệ: Khi miếng bánh…“khó nhằn”!

DGW vẫn tiếp tục chọn công nghệ thông tin là mảng kinh doanh chính và trong đó mảng điện thoại đi động vẫn đóng góp lớn cho doanh thu.

Lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ ba bốn năm trước còn là một mảnh đất màu mỡ và hái ra tiền, nay, miếng bánh ngày càng teo tóp, “khó nhằn”, do sức ép từ chính các chuỗi bán lẻ lớn và chính sách kinh doanh của nhà cung cấp sản phẩm.

Tại… anh bán lẻ

Ba nhà phân phối sản phẩm công nghệ thông tin lớn nhất hiện nay gồm Công ty TNHH phân phối FPT (FPT Trading), Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) và Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 của Petrosetco, mảng kinh doanh điện thoại và sản phẩm công nghệ thông tin của công ty đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, doanh thu mảng điện thoại giảm đến 291 tỷ đồng so với năm 2014.

Petrosetco ngoài mảng phân phối còn kinh nhiều mảng khác như bất động sản, mảng dịch vụ và đời sống, dịch vụ cung ứng và hậu cần, tuy nhiên, phần lớn doanh thu của công ty đến từ mảng dịch vụ phân phối, chiếm hơn 80% tổng doanh thu, dù vậy lợi nhuận chỉ chiếm hơn 50%.

Với Digiworld (DGW), khó khăn dường như đến sớm hơn. Năm 2014, hãng điện thoại Nokia thay đổi chiến lược, bỏ phần cứng (điện thoại) để chuyển sang phần mềm nên DGW bị mất hẳn 64% doanh số từ Nokia, bởi thị phần điện thoại Nokia luôn chiếm phần lớn tỷ trọng doanh số của DGW.

Việc thay đổi của hãng điện thoại đến từ Phần Lan đã không chỉ làm ảnh hưởng đến DGW, mà ảnh hưởng toàn bộ thị trường điện thoại di động từ bán buôn đến bán lẻ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Digiworld đã nhanh nhạy và thức thời đi tìm quyền phân phối nhiều thương hiệu điện thoại mới để dần lấp vào khoảng trống mà Nokia bỏ lại.

FPT Trading là nhà phân phối chiếm thị phần lớn nhất. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ nhập khẩu iPhone chính hãng, chiếm 23% tổng doanh thu (năm 2015). Tuy nhiên, Apple mới đây đã đồng ý cho các hệ thống bán lẻ là Thế Giới Di Động và FPT Shop được nhập khẩu trực tiếp từ hãng, bên cạnh đó có Viettel, Digiworld.

Việc Apple mở rộng các kênh nhập hàng trực tiếp làm cho “miếng bánh iPhone” của FPT Trading tới đây sẽ không còn được ngon ăn như trước nữa.

Theo các nhà phân phối, những năm qua, nhiều nhà sản xuất như Samsung, HTC, LG, Sony, Oppo… thay vì thông qua các nhà phân phối độc quyền để cung cấp sản phẩm đến các đại lý, cửa hàng, thì các hãng đã chỉ định thêm các hệ thống đại lý bán lẻ nhập hàng trực tiếp mà không còn độc quyền dành cho các nhà phân phối.

Thậm chí, nhiều thương hiệu điện thoại mới vào thị trường Việt Nam còn tìm đến thẳng các nhà bán lẻ và trực tiếp bán hàng mà không qua nhà phân phối.

Việc các nhà sản xuất “đưa” hàng đến thẳng hệ thống đại lý bán lẻ khiến lợi thế và giá trị gia tăng của nhà phân phối – khâu trung gian – gần như bằng không. Đấy chưa kể, nếu không có những chiêu thức kinh doanh hợp lý và đa dạng các dòng sản phẩm, thương hiệu thì nguy cơ “sập tiệm” với nhà phân phối này là vô cùng lớn.

Tìm lối rẽ mới?

Phân phối sản phẩm công nghệ: Khi miếng bánh…“khó nhằn”!
Phân phối sản phẩm công nghệ: Khi miếng bánh…“khó nhằn”!

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn và sức ép như phân tích trên, tuy nhiên, các nhà phân phối đều cho rằng, thị trường sản phẩm công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, ít nhất là đến trước năm 2020 mới có xu hướng rơi vào bão hòa.

Thực tế, năm 2015, thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó mảng điện thoại di động chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất (gần 32%). Riêng trong quý 4/2015, doanh thu từ mặt hàng này lên tới gần 20 nghìn tỷ đồng và doanh thu cả năm 2015 là gần 66 nghìn tỉ đồng.

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, xu hướng của nhóm sản phẩm công nghệ có giá trị thị trường như sau: điện thoại di động năm 2016 đạt 77.551 tỷ đồng, 2017 là 82.204 tỷ; đối với máy tính xách tay, năm 2016 là 12.828 tỷ và 13.212 tỷ đồng vào năm 2017; máy tính bảng là 9.737 tỷ đồng (2016) và 9.834 tỷ đồng (2017).

Điện thoại di động là nhóm sản phẩm tăng trưởng tốt, riêng điện thoại di động thông minh (smartphone) năm 2015 có 14,1 triệu chiếc bán ra; sẽ tăng lên 19,4 triệu chiếc năm 2016 và tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao trong 3 năm tới trước khi đạt điểm bão hòa.

Trong miếng bánh điện thoại di động nói chung, nếu như năm 2014 điện thoại thông minh (smartphone) và điện thoại phổ thông (featured phone) có tỷ lệ ngang bằng nhau 50% – 50%, thì năm 2015 tỷ lệ này nghiêng hẳn về smartphone chiếm 60%, feature phone còn 40%.

Điều này cho thấy nhu cầu thị trường điện thoại di động đang chuyển dần sang smartphone, tuy nhiên tăng trưởng này sẽ mạnh mẽ hơn ở phân khúc cấp thấp, ở địa bàn ngoài.

Thời cuộc trên đang đặt các nhà phân phối sản phẩm công nghệ thông tin buộc có những vận động, thay đổi mạnh mẽ để tồn tại và tiếp tục phát triển. Dẫu vậy, top 3 nhà phân phối sản phảm công nghệ lớn nhất hiện nay đang đứng trước những ngã rẽ.

Khó khăn với Petrosetco là không còn được làm nhà phân phối cho một số hãng lớn, doanh thu bán lẻ cũng khiêm tốn dần, khách hàng chủ yếu là những hãng đang khó khăn ở Việt Nam như BlackBerry, Pantech, Philips…

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhà phân phối này lại chưa cho thấy một hướng đi rõ ràng để tạo đà phát triển trước miếng bánh ngày càng bé lại và doanh thu mảng phân phối cũng đang giảm.

Trong khi đó, “đại gia FPT Trading” thì đang “thấp thỏm” với “bến đỗ” mới. Bởi, mới đây, FPT công bố sẽ bán mảng phân phối và bán lẻ (FPT Trading & FPT Retail) để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông.

Kế hoạch này của FPT cũng như Apple cho một số nhà bán lẻ nhập hàng trực tiếp iPhone – nguồn thu lớn nhất của FPT Trading – vì thế, uy thế của FPT Trading trong mảng phân phối điện thoại di động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Trong số ba nhà phân phối trên, Digiworld được đánh giá là nhà phân phối khá thức thời và cần mẫn, vì sau “khoảng trống Nokia”, Digiworld đã liên tục tìm kiếm những thương hiệu mới trên thế giới đưa vào thị trường để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng và tránh phải lệ thuộc vào các thương hiệu lớn.

Miếng bánh feature phone 40% chính là chiến lược đón đầu được DGW lựa chọn để ứng phó với những biến động, cách thức kinh doanh mới trên thị trường đã được định hình rõ nét. Điều cốt lõi được nhà phân phối này chia sẻ chính là tạo nên sự khác biệt cho chính mình trong xu thế mới của thị trường.

Trong đại hội cổ đông thường 2016 mới đây, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Điều hành Digiworld, cho biết, DGW vẫn tiếp tục chọn công nghệ thông tin là mảng kinh doanh chính và trong đó mảng điện thoại đi động vẫn đóng góp lớn cho doanh thu khi đạt tăng trưởng 186% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thay vì đặt hết canh bạc vào tay các nhãn hàng điện thoại lớn, DGW tìm kiếm và giúp các nhãn hàng mới phát triển thị trường như OBI, Wiko, và mới đây nhất là thương hiệu điện thoại số 1 của Ấn Độ là Intex với vai trò là nhà phân phối chính thức độc quyền tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ phát triển thị trường.

“Chúng tôi dám chơi canh bạc với các nhãn hiệu mới và nhỏ này vì Digiworld không đơn thuần chỉ làm dịch vụ bán hàng và logistics như những nhà phân phối khác mà Digiworld có năng lực thực hiện đầy đủ 5 dịch vụ phát triển thị trường: phân tích thị trường, marketing, bán hàng, hậu cần và hậu mãi”, ông Việt nói và cho biết, kết quả của cuộc “phiêu lưu” trên là các nhãn hàng mới Wiko, Obi… đều được nhận diện thương hiệu khá tốt và bước đầu đã có doanh số bán tương đối ổn định.

Vị Chủ tịch Digiworld cũng cho biết, chiến lược của Digiworld là không tập trung hết vào các chuỗi bán lẻ lớn (chiếm khoảng 55% thị phần), mà phủ hết kênh nhỏ lẻ hiện vẫn chiếm hơn 45% thị phần, và đây là nguồn đại lý ổn định và bền vững.

Với 6.000 đại lý phủ rộng khắp 63 tỉnh thành cả nước, các cửa hàng này có khả năng bán dãy sản phẩm rộng từ cao cấp cho đến phổ thông, giá rẻ và tạo thế chân rết vững chắc cho hệ thống phân phối của Digiworld.