Bộ Tài chính đã bác đề xuất xin nộp thuế như Uber, Grab của các doanh nghiệp taxi truyền thống do “không có cơ sở”.
Trong văn bản gửi Hiệp hội taxi TP.HCM, Bộ Tài chính đã bác kiến nghị cho doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn với Uber, Grab hoặc cho nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5%, thay vì 10% như hiện nay.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp trực tiếp.
“Còn doanh nghiệp taxi truyền thống xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai”, Bộ lý giải.
Với kiến nghị cho taxi truyền thống nộp VAT 5%, Bộ cho rằng không có cơ sở. Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 thì thuế suất thuế giá trị gia tăng dần được quy về áp dụng thống nhất 10%. Thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hoá thiết yếu; thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu.
Trước việc Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber, Bộ khẳng định chưa có cơ sở để nói như vậy.
Cơ quan này dẫn chứng, về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hầu hết doanh nghiệp đều có mức tỷ lệ nộp thuế TNDN/doanh thu nhập hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06%. Riêng Công ty Ánh Dương (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun), mức tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97%/doanh thu, tương đương mức khoán của Uber.
“Tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber cũng phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng”. Bộ nhấn mạnh đồng thời cho hay đang rà soát trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế, để xử lý theo quy định của pháp luật.