Có nhiều người nói hơi quá khi cho rằng làm freight forwarder là một dạng “cò”, “buôn nước bọt” và không cần bỏ ra gì mấy, chỉ cần đứng giữa ăn chênh lệch. Trên thực tế, điều này phản ánh ít nhiều thực trạng các công ty forwarding ở Việt Nam, những công ty có quy mô nhỏ, dễ thành lập và cũng dễ giải thể, nhiều khi được thành lập chỉ để phục vụ một vài mối hàng nào đó...
Thực ra, nói như vậy không phải là tất cả các forwarder đều nhỏ bé. Việt Nam hiên cũng có nhiều công ty kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực này. Những tên tuổi như Vinatrans, Sotrans, Vinalink, Vitranimex… cũng là những công ty uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành. Rộng hơn trên tầm thế giới, những thương hiệu như Panalpina, K+N, Schenker, Expeditors … cũng làm dịch forwarding (và logistics), nhưng quy mô rất lớn, với hàng chục nghìn nhân viên và doanh thu hàng năm lên đến vài chục tỉ đô la Mỹ.
Tìm hiểu Forwarder là gì nếu bạn chưa rõ khái niệm này trước khi đọc tiếp!
Nghề forwarder
Với các bạn trẻ mới tốt nghiệp các trường đại học thuộc khối kinh tế, ngoại thương, hay hàng hải, thì nghề forwarding cũng là một trong những lựa chọn đáng được xem xét. Tại các công ty giao nhận vận tải, bạn có thể được làm những công việc đặc trưng như sau:
- Bán hàng (sales). Nghề này khá “hot” và được trao đổi nhiều trên các diễn đàn liên quan đến giao nhận vận tải.
- Chăm sóc khách hàng (customer service)
- Chứng từ (documentation)
- Khai thác (operation)
- Thông quan (customs clerance)
- Quản lý vận tải bộ (trucking operation)
Những công việc nêu trên đều có những yêu cầu chuyên biệt riêng. mặc dù vậy, những người làm nghề giao nhận vận tải đều cần tìm hiểu một số lĩnh như:
- Các bên liên quan: hãng tàu (hàng không), cảng, hải quan, kiểm dịch, CFS/Depot…
- Các chứng từ vận tải, ngoại thương: Vận đơn, Packing List, Cargo Manifest, Hợp đồng thương mại, C/O, L/C…
- Các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms), nhất là những điều khoản phổ biến như: FOB, CIF, CNF, DDU…
Freight forwarding & dịch vụ logistics
Nhiều người hiện nay vẫn dùng 2 cụm từ trên như nhau, và quả thật có sự không thống nhất trong cách hiểu 2 loại hình dịch vụ này. Thường thì, một công ty làm về forwarding (giao nhận) tự nhận mình đang làm logistics, hay nói đầy đủ phải là logistics bên thứ ba (3PL), còn gọi là logistics thuê ngoài.
Liệu logistics có phải chỉ là một cách gọi bóng bẩy của dịch vụ giao nhận vận tải hay còn thực sự cung cấp những dịch vụ gì khác mà các công ty forwarder truyền thống không có? Nên phân biệt 2 thuật ngữ như thế nào?
Như trên tôi đã nêu, về cơ bản freight forwarding (hay giao nhận vận tải) là dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ một điểm này đến một địa điểm khác (bằng một hay nhiều phương thức vận tải). Trong khi đó, logistics bên thứ ba (3PL) bao gồm vận chuyển, lưu kho, quản lý hàng tồn… và có thể cung cấp cả dịch vụ forwarding theo cách hiểu truyền thống trước đây nữa.
Điều dễ gây nhầm lẫn là ở chỗ dịch vụ logistics bao gồm nhiều dịch vụ nhỏ khác nhau, nhưng không nhất thiết phải là tất cả các các dịch vụ này. Vì thế, nếu một công ty nhỏ chỉ làm một hoặc một vài các dịch vụ đơn lẻ như lưu kho, đóng gói, khai thuê hải quan, vận tải bộ … tức là đang làm một phần của dịch vụ logisitics tổng thể/tích hợp (integrated logistics), thì cũng có nghĩa công ty này đang làm dịch vụ logistics.
Như vậy thì, các công ty forwarding cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (seafreight), đường hàng không (airfreight), hay vận tải bộ (trucking) đều rất phù hợp với cách lập luận trên, và công ty này thừa nhận rằng đang làm logistics. Theo cách này, hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều công ty lớn nhỏ có chữ logistics trong tên gọi của mình, kiểu nhưXYZ Logistics Company.
Theo TransCont