Máy bay ‘made in China’vừa bay thử nghiệm thành công ở Thượng Hải hôm 5.5 được sản xuất với linh kiện, máy móc từ ít nhất 15 nhà cung ứng phương Tây, trong đó có General Electric, Honeywell và Parker Aerospace.
Theo Bloomberg, trong số hơn 1.000 chuyến bay được lên lịch cất cánh và hạ cánh ở Sân bay Quốc tế Phố Đông – Thượng Hải hôm 5.5, chỉ có một chuyến bay đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên mới trong ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Quốc gia Đông Á đang thực hiện nhiều nỗ lực lớn nhất để vượt qua các tên tuổi lớn trên thị trường máy bay thương mại là Airbus và Boeing. Sau nhiều năm trì hoãn, máy bay cỡ lớn và hiện đại đầu tiên “made in China” vừa bay thử.
CEO Corrine Png của hãng Crucial Perspective nhận định: “C919 sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc”. C919 có sức chở từ 158 đến 174 hành khách, do hãng Commercial Aircraft Corp. of China (Comac) thực hiện.
Trước đó, Comac phát triển tàu bay khu vực nhỏ hơn là mẫu ARJ21. ARJ21 được một hãng hàng không Đại lục cho vận hành lần đầu vào năm ngoái. C919 đưa Comac bước vào một trong những lĩnh vực sản xuất sinh lợi nhất của ngành hàng không thương mại, cạnh tranh với mẫu Boeing 737 và Airbus A320.
Song đằng sau sự ăn mừng về phi cơ “made in China” là một thực tế khác. Comac hoàn tất C919 bằng cách sử dụng linh kiện, bộ phận và máy móc từ một loạt nhà sản xuất phương Tây. Ít nhất 15 nhà cung ứng nước ngoài, trong đó có General Electric, Safran và Honeywell International đóng góp xây dựng thành phần và hệ thống của C919.
Giám đốc tài chính Tom Szlosek của hãng Honeywell cho hay: “Comac thực sự đã dựa vào kinh nghiệm của các nhà cung ứng. Chúng tôi thêm vào tàu bay rất nhiều giá trị”. Khai thác chuỗi cung ứng mà Airbus và Boeing cũng dùng cho phép Comac bỏ qua không ít thách thức kỹ thuật để chế tạo máy bay thương mại từ con số 0 và xây dựng độ chuyên nghiệp của công ty trong các mẫu thiết kế tương lai.
“Thật không thực tế nếu Comac không tận dụng các lợi thế công nghệ đã có ngoài kia. Nếu bạn cứ khăng khăng tự làm mọi thứ, bạn rất có thể chẳng giống ai”, chuyên gia Yu Zhanfu thuộc hãng Roland Berger Strategy Consultants ở Bắc Kinh cho biết.
Các doanh nghiệp ngoài Đại lục cung cấp cho C919 hệ thống kiểm soát máy bay, điện, ánh sáng, điều khiển buồng lái và nhiều bộ phận khác. Động cơ và thiết bị hạ cánh cũng không phải hàng “made in China”.
Máy bay phản lực chở khách đầu tiên của Trung Quốc thể hiện mức độ toàn cầu hóa có mặt trong việc sản xuất các sản phẩm cơ khí chính. Cũng như việc dựa vào các hệ thống do nhiều công ty trên thế giới cung cấp, nhiều hệ thống của C919 được xây dựng với các bộ phận có nguồn gốc từ Đại lục.
Đơn cử, động cơ của C919 do hãng CFM sản xuất. Công ty mẹ của CFM là Safran Aircraft Engines, ngược lại, mua hơn 500 triệu USD linh kiện “made in China” cho dòng động cơ máy bay phản lực có một lối đi.
Nhà quản lý dự án C919 Bao Pengli của Comac cho hay một tàu bay “made in China” không đồng nghĩa với việc tất cả bộ phận đều do Trung Quốc sản xuất. Một số thiết bị có nguồn gốc nước ngoài được thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn của Comac và các nhà cung ứng không chỉ cung cấp sản phẩm cho Comac mà còn cho các hãng sản xuất máy bay trên toàn thế giới.
Cách tiếp cận của Đại lục gần như trái ngược với chiến lược mà Nhật Bản từng dùng khi họ phát triển ở mức độ tương tự. Theo Boeing, các hãng hàng không vũ trụ Nhật trở thành nhà cung ứng cho Boeing, và gần đây nhất là Airbus. Hiện 35% khung máy bay của Boeing 787 là hàng “made in Japan”.
Dù vậy theo giám đốc Michel Merluzeau của AirInsightResearch ở Seattle (Mỹ), việc Trung Quốc quyết định tự chế tạo máy bay với sự trợ giúp của các hãng ngoại là một trong những lý do khiến C919 tương đương với chiếc Boeing 737 Max và Airbus A320. Nó cũng giúp bảo đảm rằng C919 sẽ thành công.
Công ty Mỹ Boeing đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Trung Quốc. Hãng này vừa chúc mừng Comac vì sự phát triển của C919. Airbus thì đã và đang lắp ráp dòng A320 tại nhà máy ở Thiên Tân. Công ty Pháp nói rằng cạnh tranh là điểm tốt cho ngành công nghiệp.
Lúc này, Liên đoàn Lao động Mỹ không thật sự chắc chắn về lời chúc mừng dành cho máy bay “made in China”. Owen Herrnstadt, giám đốc thương mại và toàn cầu hóa của International Association of Machinists and Aerospace Workers cho hay: “Chúng tôi đã gửi hồi chuông cảnh báo trong nhiều năm nay về ngành công nghiệp hàng không đang phát triển của Đại lục. Họ để các hãng hàng không vũ trụ phương Tây chống lại nhau”.
Ở thị trường nội địa Trung Quốc, Comac sẽ hưởng lợi từ nguồn hậu thuẫn lớn từ chính phủ. Nhà phân tích George Ferguson thuộc Bloomberg Intelligence, người cho rằng chính phủ Bắc Kinh bơm ít nhất 7 tỉ USD cho chương trình phát triển máy bay, cho biết: “Đến lúc nào đó, chính phủ sẽ nói với các hãng hàng không: “Bạn phải mua chiếc máy bay này đi””. Theo hãng RAND, sự hỗ trợ trên là một lý do giải thích vì sao nỗ lực xây dựng máy bay lớn của Trung Quốc khá hơn nhiều so với Nhật Bản và Brazil.
Thu Thảo
Theo Thanh Niên