Hầu như các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam vẫn chưa thể phát hành vận đơn FBL cho những lô hàng đi Mỹ hay từ Mỹ về Việt Nam.
Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ có hiệu lực đến nay đã 22 năm, kim ngạch hàng hóa trao đổi hai bên năm 2016 đạt hơn 50 tỷ USD, con số này dự kiến có thể lên tới gần 100 tỷ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận hàng hóa buôn bán giữa hai nước, dù theo điều kiện FOB hay CIF đều do các hãng tàu Mỹ hoặc các hãng tàu nước ngoài vận chuyển. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam chỉ có thể tham gia với tư cách là đại lý, một vài công đoạn phụ như lập chứng từ, thông quan, thu cước, nộp thuế, thu xếp vận tải nội địa, giao trả hàng… trong toàn bộ dây chuyền logistics liên quan khi vận hành các lô hàng đó. Khi làm đại lý thực hiện những khâu cụ thể trong các chuỗi dịch vụ logistics đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ được hưởng hoa hồng hoặc phí dịch vụ hết sức khiêm tốn.
Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã là hội viên của FIATA, khi tự mình tìm kiếm được những lô hàng xuất khẩu đi các thị trường EU, Nhật, Úc… theo điều kiện CIF hoặc những lô hàng nhập khẩn từ những thị trường này về Việt Nam theo điều kiện FOB. Họ hoàn toàn có khả năng trở thành người vận chuyển theo hợp đồng (Contracting Carrier) bằng cách mua chỗ (Slot Charter) trên các tàu nước ngoài có lịch trình đi từ hoặc đến cảng Việt Nam và phát hành vận đơn thứ cấp (House Bill of Lading) theo mẫu của FIATA, gọi tắt là FBL (FIATA Negotiable Multimodal Transport Bill of Lading). Trong trường hợp đó, theo thông lệ quốc tế và Bộ luật Hàng hải Việt Nam, họ là người vận chuyển theo hợp đồng chứ không phải là đại lý của hãng tàu. Rõ ràng, thu nhập về giá cước sẽ cao hơn đáng kể so với các khoản hoa hồng hay phí dịch vụ cũng chính từ những lô hàng đó nếu họ chỉ làm đại lý cho các hãng tàu nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến nay hầu như các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, kể cả những bậc “tiền bối lập quốc công thần” về nghề vận tải như Vietfracht, Vietrans, Vinatrans … vẫn chưa thể phát hành vận đơn FBL cho những lô hàng đi Mỹ hay từ Mỹ về Việt Nam. Lý do đơn giản vì hiếm có doanh nghiệp logistics nào của Việt Nam được Cục Hàng hải Mỹ (US Federation Maritime Commission – FMC) cấp phép phát hành vận đơn FBL khi vận hành các lô hàng xuất nhập khẩu với Mỹ theo hình thức trên.
Theo luật pháp Mỹ (CFR, Phần 515), những doanh nghiệp logistics vận hành hàng hóa và phát hành vận đơn theo phương thức trên cho những lô hàng đi từ hoặc đến Mỹ đều gọi là NVOCC (Non-Vessel Operating Common Carrier) và cần phải có giấy phép khai thác do FMC cấp. Để được cấp giấy phép, các NVOCC phải tuân thủ 3 bước: Bước một ký quỹ bảo lãnh (FMC Surety Bond Requirements) để chứng minh khả năng tài chính của mình. Có thể bảo lãnh riêng từng doanh nghiệp hoặc bảo lãnh tập thể theo nhóm. FMC khuyến khích hình thức bảo lãnh theo nhóm của FIATA (FIATA Surety Group Bond) vì tính ưu việt của nó và chi phí mỗi thành viên bỏ ra tương đối thấp. Nếu bảo lãnh riêng từng doanh nghiệp thì số tiền bảo lãnh là 150.000 USD/năm, một con số khá cao so với tiềm năng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngược lại, nếu bảo lãnh theo nhóm dưới hình thức FIATA Surety Group Bond thì mỗi thành viên có thể chỉ cần đầu tư khoảng trên 3.000 USD/năm để kinh doanh theo hình thức trên. Dù là bảo lãnh riêng hay bảo lãnh theo nhóm thì luật pháp Mỹ yêu cầu phải mua bảo hiểm cho các bảo lãnh đó với các công ty bảo hiểm có uy tín. Bước tiếp theo là phải đăng ký hành nghề kinh doanh NVOCC và đăng ký vận đơn với FMC và bước sau cùng là phải công bố công khai bảng giá cước và giá dịch vụ liên quan kể cả các loại phụ phí trên mạng Internet. Trong 3 bước này, bước đầu tiên và bước sau cùng là phức tạp và khó khăn nhất, thường phải thuê các luật sư hoặc chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng.
Sở dĩ FMC quy định các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh với tư cách NVOCC trên đất Mỹ phải ký quỹ bảo lãnh như trên là để bảo đảm khả năng tài chính trang trải các khoản phạt (nếu có) liên quan tới trách nhiệm trong các lĩnh vực sau đây:
Mua bán dịch vụ vận tải;
– Thanh toán tiền cước cho các lô hàng vận chuyển theo hình thức vận tải đơn phương thức hay đa phương thức;
– Chi phí về việc vận chuyển hàng phát sinh từ vận đơn hoặc chứng từ tương tự với chủ hàng;
– Chi phí về việc cấp vận đơn và các chứng từ tương tự;
– Chi phí vận tải nội địa hoặc vận tải suốt;
– Chi phí bồi thường cho đại lý giao nhận theo quy định;
– Chi phí thuê container;
– Chi phí thuê đại lý ở địa điểm tiếp nhận hàng đi hoặc địa điểm giao trả hàng ở cảng đích.
Để được hưởng các quyền lợi khi áp dựng hình thức ký quỹ theo nhóm FIATA Group Bond với FMC, phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Phải là hội viên của Hiệp hội Logistics quốc gia nơi mình có trụ sở chính;
– Phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với các công ty bảo hiểm có uy tín để bồi thường cho khách hàng khi xẩy ra tổn thất hàng hóa vận chuyển theo FBL;
– Đơn xin tham gia ký quỹ theo FIATA Group Bond phải gửi cho cả FIATA và công ty bảo hiểm mà FIATA chấp nhận;
– Phải trình mẫu vận đơn của mình phát hành để FMC duyệt;
– Phải công bố giá cước và giá dịch vụ trên Internet;
– Phải nộp lệ phí hàng năm khi đã chấp nhận các điều kiện do FMC quy định.
Như vậy, nếu các doanh nghiệp logistics Việt Nam muốn sớm bắt đầu khai thác kinh doanh vận hành các lô hàng xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ theo hình thức NVOCC như trên khi phát hành vận đơn FBL, cần nhanh chóng trao đổi liên kết với nhau thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) để thực hiện các quy định cụ thể cả với FIATA cũng như với FMC.
Tạp chí GTVT