Trước dự báo bước sang năm 2017 vẫn sẽ còn không ít thách thức, một trong những giải pháp mà các DN DM đang triển khai là đầu tư công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng.
|
Ảnh minh họa |
Phân tích nguyên nhân khiến ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sụt giảm nghiêm trọng về kim ngạch xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam (Vitas) cho biết, ngoài những yếu tố khách quan là kinh tế một số nước nhập khẩu DM của Việt Nam đang gặp khó khăn thì việc tỷ giá VND ổn định hơn so với một số đồng tiền của các nước cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ, Bangladesh… khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn và giảm sức cạnh tranh. Tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra khá phổ biến với DN Việt Nam.
Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu DM chủ lực là quần áo, vải các loại, phụ kiện, sợi các loại và vải địa kỹ thuật, đều có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, mặt hàng sợi các loại xuất khẩu rất tốt sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đang bị nước này áp thuế chống bán phá giá và sắp tới Ấn Độ cũng sẽ áp loại thuế này với mặt hàng sợi của Việt Nam. Khó khăn của các DN DM còn đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia như Lào, Campuchia là những nước được hưởng thuế ưu đãi 0% từ EU và Mỹ dành cho nước kém phát triển. Trong khi, Việt Nam phải chịu mức thuế suất 9,6%. Khoảng cách này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2017.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, trong lúc “đầu ra” gặp khó khăn thì các DN DM lại phải đối mặt với chi phí hoạt động tăng mạnh do tăng lương tối thiểu. Ông Trường phân tích, đặc thù mô hình kinh doanh của DN DM Việt Nam là sử dụng nhiều lao động. Sự tăng giảm trong chi phí nhân công chiếm 26-30% trong tổng chi phí, vì thế sẽ quyết định đến sự thành bại của một DN. Hơn nữa, để có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, DN phải chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó hạ giá thành sản phẩm. Thế nhưng khoản vốn vay có lãi suất quá cao 8-10,5%, gấp 2-4 lần so với nhiều nước trong khu vực.
Chuẩn bị nguồn lực
“Chưa bao giờ nhiều áp lực đồng thời đè nặng lên Ngành DM Việt Nam như lúc này – Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường nhận định, khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2017 vì các nước sẽ tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ DN DM như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng”.
Để giảm thiệt hại, theo ông Trường, các DN phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng. Cùng với việc giữ thị trường xuất khẩu truyền thống, cần khai thác, mở rộng thêm các thị trường “ngách” ở Trung Cận Đông, Châu Phi… và tăng cường chiếm lĩnh thị trường nội địa thông qua việc đa dạng hóa mặt hàng, phù hợp thị hiếu và thu nhập của người dân các vùng, miền, để tận dụng được tối đa sức mua của thị trường hơn 90 triệu dân.
Việc đầu tư cho công nghệ sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng đang là mục tiêu các DN DM Việt Nam hướng đến. Đặc biệt, khi thị trường tiêu dùng đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, thì việc đầu tư cho công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đầu tư cho công nghệ sản xuất mới, tiên tiến hiện đại là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của Hiệp hội DM Việt Nam, việc hợp tác với EU sẽ giúp các DN DM nâng cao khả năng thiết kế, kỹ năng quản lý sản xuất, tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi hình thức sản xuất, chuyển từ gia công thuần túy sang sản xuất FOB, ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối), nâng cao tính chủ động và giá trị gia tăng cho các DN trong ngành. Về dài hạn, việc hình thành các cụm ngành chuyên sâu được xem là một trong những nhân tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của DN. Trong đó, ngoài các DN sản xuất chủ chốt còn có sự tham gia của các DN phụ trợ, chuyên sâu vào một khâu nhất định như thiết kế, logistics, marketing…