2017, mốc quan trọng của thị trường ô tô Việt Nam đã đến. Đây là thời điểm, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế NK ô tô nguyên chiếc giảm từ 40% xuống 30% (năm 2018 sẽ xuống 0%). Thuế NK giảm theo lộ trình hội nhập, vậy sản xuất trong nước sẽ ra sao? Liệu các doanh nghiệp có chuyển sang NK thay vì đầu tư sản xuất?
Dung lượng nhỏ
Tính đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 400 DN sản xuất, kinh doanh ô tô với tổng công suất lắp ráp khoảng 460.000 xe/năm (bao gồm cả xe tải và xe con), trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, còn lại là DN trong nước. Đa số là DN có quy mô nhỏ và vừa.
Năm 2017, khi mốc thời điểm thuế trong khu vực giảm nhanh xuống 30% thì ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam còn đang ngổn ngang rất nhiều khó khăn. Có thể thấy hiện “vốn liếng” của ngành CN ô tô Việt Nam chẳng có là bao. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 17%/năm) nhưng dung lượng thị trường ô tô hiện nay rất nhỏ. Năm 2010, tổng lượng xe tiêu thụ chỉ đạt gần 185.000 xe và các năm tiếp theo cũng loanh quanh ở mức dưới 200.000 xe. Năm 2014, thị trường đạt tốc độ tăng trưởng đột biến nhưng cũng chỉ đạt gần 250.000 xe và năm 2016, ước tính thị trường sẽ đạt 300.000 xe.
Chỉ với dung lượng khoảng 300.000 xe/năm, nhưng Việt Nam hiện đang có mặt hầu hết các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới, nhất là các dòng xe du lịch. Sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam không nhiều, chủ yếu là những dòng xe chủ lực của những thương hiệu quen thuộc Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Mercedes, Ford, GM, Nissan… còn nhiều thương hiệu khác đều được NK nguyên chiếc.
Và tiếng là sản xuất, nhưng hầu hết các sản phẩm ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất tại Việt Nam mới đang dừng lại ở lắp ráp.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy: Tỉ lệ nội địa hóa (NĐH) đối với xe cá nhân được đặt mục tiêu đạt 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota đạt 37% với duy nhất dòng xe Innova. Kết quả này thấp hơn mục tiêu đề ra rất nhiều.
Mặc dù vậy, song Chiến lược phát triển ngành CN ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014 vẫn đưa ra mục tiêu phát triển ngành CN ô tô thành ngành CN quan trọng.
Nhưng với dung lượng thị trường nhỏ, nhiều thương hiệu cạnh tranh, thuế NK sản phẩm nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế ngày càng giảm sâu… liệu sẽ còn những DN nào tiếp tục đeo đuổi việc đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam?
Ai sẽ tiếp tục đầu tư?
Thực tế những năm qua, đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam có 3 DN lớn được nhắc đến, đó là Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco); Công ty Toyota Việt Nam (TMV) và Công ty Xuân Kiên (Vinaxuki).
Với Vinaxuki, sau khi đổ một lượng vốn rất lớn vào đầu tư máy móc, nhà xưởng với mục tiêu sản xuất ra 1 chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam, đến nay đang “sa lầy” trong khó khăn, nợ ngân hàng, khả năng phá sản rất lớn.
Còn lại 2 ông lớn được “trông đợi” là TMV và Thaco.
Hiện TMV đang đứng trước hai con đường: Hoặc sản xuất ô tô tại Thái Lan bán sang Việt Nam, hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam. Với thực tế mỗi năm Toyota Thái Lan sản xuất khoảng 1 triệu xe, trong khi TMV chỉ sản xuất khoảng 50.000 xe và chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn Thái Lan (khoảng 20%), thuế NK giảm, thì việc lựa chọn NK từ Thái Lan là bài toán kinh doanh có lợi hơn
Ông Yoshihisa Maruta nguyên TGĐ TMV, (từ 1-1-2017 TMV có TGĐ mới là ông Toru Kinoshita-PV), trong một lần trả lời phóng viên cũng từng thú thật: NK xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp và TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tiếp tục sản xuất hay chuyển sang NK.
Quan điểm này cũng được đại diện TMV nhắc lại tại Hội thảo Phát triển CN hỗ trợ của Việt Nam trong tháng 11-2016 rằng: Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây.
Một động thái cho thấy TMV bắt đầu “thích” NK hơn khi mở đầu năm 2017, mẫu Fortuner, vốn đang được lắp ráp tại Việt Nam và đang được tiêu thụ tốt, sẽ được TMV NK nguyên chiếc từ Thái Lan. Tuy chưa được chính thức công bố, song được biết chiến lược tương tự cũng sẽ được áp dụng với 2 mẫu xe “nổi” nhất của TMV tại Việt Nam là Innova hay Camry khi những dòng xe này nâng đời sản phẩm với công nghệ mới. Dòng xe duy nhất được đại diện Toyota khẳng định tiếp tục lắp ráp là Vios (do đã có sản lượng lên đến 2.200 xe/tháng và được nhận định là có khả năng tăng trưởng tốt, đủ sức cạnh tranh với xe nhập từ Thái Lan). Vì vậy có thể thấy khá rõ là trong tương lai gần liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất tại Việt Nam này sẽ không mở rộng thêm công suất nhà máy.
Không chỉ TMV “tính” như vậy, nhiều DN khác cũng nghiêng về NK. Năm 2017, Honda Việt Nam cũng có quyết định chuyển từ lắp ráp trong nước sang NK nguyên chiếc mẫu xe Civic với lý do doanh số thấp không đủ để duy trì lắp ráp.
Triển lãm ô tô Việt Nam – VMS 2016 do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa qua là một minh chứng cho sự chuyển dịch này, khi chỉ có mẫu KIA Optima (của Thaco) là xe lắp ráp trong nước, còn lại, toàn bộ các mẫu xe mới được giới thiệu đều là xe NK nguyên chiếc từ Thái Lan, Nhật Bản… Đơn cử như “át chủ bài” của các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam như Toyota Việt Nam là Fortuner 2017, Hilux 2017; Ford Việt Nam là Explorer, Ranger; GM Việt Nam là Colorado 2017 mới, Trax 2017, Honda Việt Nam là Civic mới… Đây đều là các mẫu xe NK nguyên chiếc đến từ các nước trong khu vực.
Có thể thấy các nhà sản xuất ô tô lớn trong nước đều đang “tính” đến xu thế thuế NK trong khu vực giảm nhanh (xuống 0% vào năm 2018) để đưa ra kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam vào thời gian tới. Việc đầu tư sản xuất đang được các liên doanh này đắn đo, cân nhắc rất kỹ, trong khi những mẫu sản phẩm nguyên chiếc NK trong khu vực đều đang được “nhắm” sẵn chờ thời điểm thuế giảm là đưa vào Việt Nam.
Nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, các liên doanh đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ không bỏ hẳn mảng lắp ráp (đề phòng khi thị trường tốt lên) nhưng sẽ không đầu tư mới mà tận dụng hạ tầng cũ và duy trì lắp những dòng sản phẩm có sản lượng đủ lớn từ 10.000 xe/năm trở lên. Dự đoán các sản phẩm lắp ráp có sản lượng dưới 5.000 xe/năm sẽ dần chuyển sang NK nguyên chiếc nếu có hàng từ khu vực ASEAN.
“Trông” vào nội tại
Đến thời điểm hiện tại, Thaco đang vươn lên là DN trong nước lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết: Khác với nhiều liên doanh khác, Thaco nếu không làm ở Việt Nam thì sẽ không có gì.
Năm 2017, Thaco “bỏ” ra 2.000 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco với sản phẩm xe bus lớn và mini bus. Nhà máy xe bus mới có công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus lớn và 12.000 xe mini bus sẽ do 2 đối tác là Thaco và Hyundai cùng triển khai. Dự án Đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) sẽ giúp Việt Nam sản xuất ra xe bus có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và hướng đến XK sang thị trường khu vực ASEAN.
Không chỉ có dự án xe bus Hyundai, Thaco đang ráo riết chuẩn bị nhấn nút Dự án Sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm (giai đoạn I là 50.000 xe) tại Khu công nghiệp Ô tô Chu Lai – Trường Hải ở Quảng Nam, với sự hợp tác của Công ty Mazda (Nhật Bản). Ở dự án này, ngoài Mazda, còn có hàng loạt DN Nhật Bản là vệ tinh cho Mazda cùng tới Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đầu tư.
Tuy nhiên để dự án này có thể thực hiện được Thaco phải đạt được mục tiêu bán được 35.000 xe Mazda tại thị trường nội địa. Theo đó chiến lược của Thaco là giảm giá sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ.
Như vậy theo tiết lộ của Thaco, tổng mức đầu tư cho công nghiệp ô tô của Trường Hải tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải kể từ năm 2002 đến tháng 10-2016 là khoảng 32.000 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD). Giai đoạn 2016 -2018 Thaco có kế hoạch đầu tư mới 30.470 tỷ đồng cho xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển… tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải. Mục tiêu là tới năm 2018, Trường Hải sẽ có 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy công nghiệp phụ trợ, 5 DN logistics và một số DN trong lĩnh vực dịch vụ, hậu cần. Cùng với hoạt động đầu tư chiều sâu này, số lao động trong chuỗi giá trị của Trường Hải sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay lên 150.000 người sau năm 2018. Số DN cung cấp phụ tùng, linh kiện cũng sẽ được mở rộng mạnh mẽ.
Cùng với Thaco, cũng có những DN trong nước khác, đang có những bước đi chiến lược để đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, đơn cử như Hyundai Thành Công. Hiện DN này đang lắp ráp 3 mẫu xe tại Nhà máy ô tô của mình đặt tại Ninh Bình và tới đây mẫu xe bán chạy nhất, hiện đang được NK nguyên chiếc từ Ấn Độ, mẫu Hyundai Grand i10, sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Không dừng ở đó, Hyundai Thành Công đã đạt được những thoả thuận ban đầu và hoàn tất những bước quan trọng trong việc hợp tác với Hyundai để đầu tư sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp xe Hyundai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quyết tâm đầu tư, song điều mà các DN mong mỏi đó là Chính phủ phải nhanh chóng có những ưu đãi thực sự và khác biệt thì sản xuất trong nước mới đủ mạnh để cạnh tranh với sản phẩm NK từ ASEAN có thuế suất 0% vào năm 2018.