Logistics và Chuỗi cung ứng là các ngành hoạt động liên tục với cường độ rất cao. Và có rất nhiều các yếu tố cần phải chú ý tới để cả hệ thống vận hành một cách trơn tru và hiệu quả. Ta có thể dùng các KPI để kiểm soát chất lượng của từng khâu, nhưng liệu ta có thể kiểm soát được hết tất cả các khâu, có thể liên quan phức tạp với nhau, bao gồm cả phân phối thông tin và tài chính, và dòng logistics ngược? Câu trả lời là có, chỉ cần các bạn theo các bước sau đây:
Đầu tiên, phải hiểu về nguyên lý Pareto (Nguyên lý 80/20)
Khái niệm: Nguyên lý Pareto nói rằng trong nhiều sự kiện, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. Nhà tư tưởng quản trị doanh nghiệp Joseph M. Juran đề xuất quy luật này và đặt theo tên của nhà kinh tế người Ý Vilffredo Pareto, người đã quan sát được 80% đất ở Ý là thuộc sở hữu của 20% dân số.
Thông thường, quy tắc Pareto sẽ chỉ ra rằng, một bộ phận nhỏ dân số sẽ nắm được phần lớn tài sản của cả thế giới. Tuy nhiên, nguyên lý này còn được nêu ở các dạng khác:
- 20% đầu vào tạo ra 80% kết quả
- 20% nhân công sản xuất 80% sản phẩm
- 20% khách hàng đóng góp 80% doanh thu
- 20% nguyên nhân gây ra 80% tai nạn
- 20% lượng hàng tạo ra 80% tồn kho
- …
Do đó:
20% nhân công sản xuất 80% sản phẩm: Tập trung khích lệ những nhân viên đó.
20% nguyên nhân gây ra 80% tai nạn: Tập trung giải quyết những nguyên nhân này trước.
20% khách hàng đóng góp 80% doanh thu: Tập trung phục vụ số khách hàng đó.
Vân vân. Mấu chốt ở đây là, bạn sẽ tập trung giải quyết chỉ 20% công việc nhưng đem lại sự khác biệt, thay vì tốn tài nguyên để xử lý 80% công việc khác. Trong thuật ngữ kinh tế, chúng ta có quy luật hữu dụng biên giảm dần. Nói chung, nó sẽ góp phần tăng “hiệu suất” lên một cách đáng kể.
Lưu ý:
– 20% khách hàng có thể đóng góp 10% doanh thu. Hay 50%. hay 80%. hay 99%, hoặc thậm chí 100%. Nhớ rằng, quy tắc 80/20 là một con số tượng trưng cho việc phân bổ điển hình.
– Đồng thời, không nhất thiết rằng lúc nào cũng phải đúng 20% và 80%. Điểm mấu chót là hầu hết sự việc không được phân chia một cách công bằng – một số việc sẽ cho ra nhiều kết quả hơn.
Sau đó, chỉ cần áp dụng nguyên lý này vào Logistics
1. Tầm quan trọng của khách hàng.
Nếu có 20% hoặc ít hơn lượng khách hàng mang lại doanh thu lớn cho công ty bạn. Con số này có thể dựa trên độ tin cậy, mức độ trung thành, số lượng hàng …. Liệu bạn có thể điều chỉnh mô hình marketing, sale và logistics dựa trên các con số đó? Hoặc sử dụng nguyên lý Pareto để nâng cao mức dịch vụ tới khách hàng? Tất nhiên là có, bạn có thể sử dụng Pareto như một công cụ để tìm xem, doanh nghiệp của bạn phải tập trung vào những khu vực nào mà vừa duy trì được mục tiêu, vừa cắt giảm được chi phí.
2. Ưu tiên trong kinh doanh.
Sau khi xác định được khách hàng mục tiêu và ưu tiên của công ty, ta có cơ hội để cải thiện hiệu suất chung của công ty qua việc thay đổi các mục tiêu hoạt động, dựa trên các thông số KPI chủ chốt và quyết định, như:
– Giao hàng đúng giờ
– Thực hiện đơn hành chính xác, hay
– Tần suất quay lại của khách hàng.
3. Chi phí vận chuyển, phân phối hoặc kho hàng
Nguyên lý Pareto gợi ý rằng, 80% chi phí logistics đến từ 20% khách hàng. Lý do có thể khác nhau tùy từng trường hợp. Có thể do vị trí, lưu lượng giao thông, hay quá trình dỡ hàng tại điểm đích. Điều này cho thấy, ta phải cân nhắc mọi phương pháp cắt giảm chi phí trên tuyến đường này.
Cùng với gợi ý trên, sẽ có 20% lượng hàng lưu kho gây ra 80% chi phí hoạt động. Nói chung, chúng ta phải liên hệ với khách hàng trong nhóm 20% đó, cả tích cực và tiêu cực, để tìm hiểu nhu cầu riêng biệt của họ, từ đó đưa ra các phương án có chi phí thấp hơn nhưng vẫn giữ mức độ dịch vụ với khách hàng.