Theo thống kê mới đây từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), chỉ số giá trong quý III/2016 của nhóm ngành công nghệ đã tăng 18% và tăng 19,84% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường bán lẻ mặt hàng công nghệ, điện máy ở Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh.
Hồi năm ngoái, thị trường công nghệ Việt Nam đã đạt quy mô 154,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2014. Trong đó, nhóm điện thoại di động chiếm 42,4% (có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt 30%); nhóm điện tử điện lạnh (ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng…) chiếm 42,7%; nhóm máy tính, laptop, máy in chiếm 12,9%; và 2% còn lại thuộc về nhóm máy chụp hình các loại.
Song song với đà tăng trưởng thì như nhận định của ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VietinbankSc, thị trường phân phối công nghệ đang bị cạnh tranh giữa các nhà phân phối với nhau và giữa các nhà phân phối với nhà bán lẻ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi các đơn vị trong chuỗi cung ứng lấn sân nhau?
Theo ông Đăng, chuỗi giá trị ngành phân phối công nghệ được chia ra 5 phân lớp với giá trị tăng dần, bao gồm: Hậu cần (kho vận, nhập khẩu), bán hàng, hậu mãi, marketing và phân tích thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối công nghệ trong nước chủ yếu mới chỉ ở hai phân lớp bán hàng và hậu cần, 2 phân lớp có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, các nhà bán buôn công nghệ có thể chịu nhiều rủi ro như rủi ro tài chính liên quan đến quản lý hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng, các rủi ro liên quan đến phải thu từ các chuỗi bán lẻ và khi nhập khẩu hàng hóa, họ cũng phải chịu rủi ro về tỷ giá.
Đối mặt nhiều rủi ro
Còn với các nhà bán lẻ công nghệ, rủi ro lại đến từ vấn đề tài chính khi chi phí mặt bằng phát triển chuỗi bán lẻ cao. Nhất là rủi ro kinh doanh khi mức độ cạnh tranh trong ngành này cực lớn do có đến 10.000 điểm bán lẻ công nghệ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, dịch vụ cung cấp giữa các đơn vị bán lẻ trong ngành không có quá nhiều khác biệt.
Với vai trò là nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng công nghệ, ông Trần Vũ, Tổng giám đốc Dell Việt Nam, cho biết, chính sách bán hàng của Dell là qua nhà phân phối, vì đối tượng của Dell không chỉ là khách hàng cá nhân, mà chủ yếu là các công ty, tổ chức chính phủ…, nên Dell không thể tiếp cận được hết các đối tượng này khi không có nhà phân phối. Còn theo quan điểm của ông Bùi Văn Hoà, Trưởng đại diện Freetel tại Việt Nam, việc thâm nhập thị trường mới, đưa được sản phẩm đến người dùng và chiếm được thị phần luôn là vấn đề khó của các nhà sản xuất, đặc biệt là các thương hiệu mới với quy mô nhỏ.
Thực tế cho thấy, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ gặp nhiều rủi ro như biến động giá do thời gian nhập từ nhà sản xuất lâu hơn từ nhà phân phối. Độ trễ trong việc nhập hàng hóa sẽ khiến nhà bán lẻ chịu các rủi ro về biến động giá, về thay đổi công nghệ, về thay đổi xu hướng tiêu dùng.
Cũng theo nhận định của ông Đặng Trần Hải Đăng, vòng quay hàng tồn kho sẽ có xu hướng chậm lại. Ngoài ra, nhà bán lẻ ít có khả năng thực hiện các nghiệp vụ logistics cũng như phân phối được các mặt hàng mới trên thị trường do năng lực marketing các thương hiệu mới còn thấp.